Cũng như bao dân tộc thiểu số sống tập trung ở các vùng núi cao Tây Bắc khác, bà con dân tộc H’Mông ở hai xã Hang Kia, Pà Cò, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình có rất nhiều nghề thủ công truyền thống như nghề rèn, thêu thổ cẩm, vẽ tranh sáp ong…, đặc biệt là nghề làm giấy giang của người dân tộc H’Mông. Đó là một nghề truyền thống bao đời nay của đồng bào người H’Mông và hiện đang là nghề thoát nghèo cho không ít bà con.
Chúng tôi tìm đến xã Pà Cò khi ánh nắng vừa xuyên thủng màn sương dày đặc, đó cũng là lúc bà con nơi đây bắt đầu phơi giấy giang, ven đường liên thôn khắp bản làng xã vùng cao này đâu đâu cũng thấy khung giấy phơi, trắng cả một vùng. Ghé vào một gia đình người dân tộc H’Mông ở bản Cang, quanh nhà phơi đầy khung giấy, tôi được chị chủ nhà tên là Sùng Y Khô tiếp chuyện. Chị Khô tự hào nói: “Đây là nghề truyền thống của quê mình đó, nghề này có lâu lắm rồi, có cái giấy này thì mình không phải xuống xuôi mua giấy của người Kinh nữa, giấy này tốt hơn giấy của người Kinh nhiều”.
Cây giang sau khi ủ sẽ được đập nát rồi vắt lấy nước.
Chị Khô bảo giấy được làm bằng cây giang, bà còn thường chọn cây giang non rồi chặt thành khúc, bỏ mắt, gùi về nhà thái bỏ vỏ xanh bên ngoài, chẻ thành từng thanh nhỏ. Thanh giang được bỏ vào nồi nấu cùng với tro bếp và vôi bột khoảng một đêm, sau đó sẽ được cho vào tải ủ tưới nước thường xuyên. Ủ càng lâu giang càng mềm, khoảng một tuần trở lên mới mang ra đập nát rồi lọc lấy nước, vớt các thứ xơ bỏ ra ngoài.