DetailController

Quốc phòng - An ninh

Ngày làm việc thứ 7, Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV thảo luận trực tuyến về Dự án Luật Cảnh sát cơ động và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ

27/10/2021 00:00
Ngày 26/10, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội khóa XV tổ chức thảo luận trực tuyến về Dự án Luật Cảnh sát cơ động và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ. Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên thảo luận. Tham dự tại điểm cầu tỉnh Hòa Bình, có Đồng chí Ngô Văn Tuấn, Uỷ viên TƯ Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội khoá XV tỉnh Hoà Bình.
Đồng chí Đặng Bích Ngọc, Phó Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh phát biểu tại phiên thảo luận

Trong phiên thảo luận trực tuyến buổi sáng, các đại biểu đã thảo luận về Dự án Luật Cảnh sát cơ động (CSCĐ). Đa số các đại biểu cho rằng: việc xây dựng luật CSCĐ là cần thiết, phù hợp với thực tiễn đổi mới; đây là cơ sở để lực lượng CSCĐ thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao. Góp phần bảo vệ an ninh Quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Tuy nhiên, nhiều ý kiến  cho rằng: về các chính sách, nội dung liên quan đến Luật hóa, quan điểm của Đảng, Nhà nước về xây dựng Luật CSCĐ cần bảo đảm tính thống nhất và tính khả thi; để thống nhất với các điều luật khác cần xác định rõ vị trí, chức năng của CSCĐ với từng địa bàn cụ thể, tránh tình trạng chồng lấn. Các đại biểu cho rằng, cần rà soát, lược bỏ những nội dung trùng lắp quy định trong Luật CSCĐ và Luật CAND. Cần có những quy định rõ trong luật về các trường hợp cấp bách cần huy động, người, phương tiện, thiết bị, trang bị vũ khí cho lực lượng CSCĐ; tránh sự lạm dụng quyền hạn khi thi hành công vụ. Bên cạnh đó, cần quan tâm tới chính sách đối với cán bộ, chiến sỹ CSCĐ; bổ sung đối tượng ưu tiên là con em vùng đồng bào dân tộc thiểu số; hướng đến xây dựng lực lượng CSCĐ chính quy, tinh nhuệ, hiện đại.

Phát biểu tại phiên thảo luận, Đoàn ĐBQH tỉnh đề nghị: Những nội dung đã được quy định trong Luật CAND thì sẽ không đưa vào Luật CSCĐ, bởi vì CSCĐ cũng là lực lượng thuộc CAND; do đó, chỉ quy định những nội dung là đặc thù của lực lượng CSCĐ trong dự thảo Luật này. Tại khoản 3, Điều 9 quy định nhiệm vụ của CSCĐ là “Huấn luyện công tác phòng, chống khủng bố”. Tuy nhiên, trên thực tế việc huấn luyện công tác phòng chống khủng bố là nhiệm vụ của lực lượng phòng chống khủng bố, còn lực lượng CSCĐ chỉ có thể phối hợp trong việc bồi dưỡng, huấn luyện. Vì vậy, đề nghị dự thảo Luật bỏ nhiệm vụ này, chống chồng chéo với các quy định pháp luật khác. Để đảm bảo việc huy động được thực hiện đúng lúc, đúng đối tượng, tránh lạm quyền hoặc vi phạm trong quá trình huy động người, phương tiện, thiết bị dân sự, đề nghị dự thảo Luật cần bổ sung quy định người có thẩm quyền huy động tại khoản 3, Điều 17 phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và cấp trên về quyết định của mình.

Chiều cùng ngày, thảo luận dự án Luật Sở hữu trí tuệ, các đại biểu cơ bản nhất trí với nội dung dự thảo Luật. Tuy nhiên, các đại biểu đề nghị: Cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện phương án này theo hướng bổ sung, làm rõ "Cơ chế phân chia hợp lý lợi ích giữa Nhà nước, cơ quan chủ trì và tác giả" để thể chế hóa đầy đủ chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 1/11/2012 của BCH T.Ư Đảng khóa XI; nghiên cứu mở rộng cơ chế giao quyền sở hữu tương tự đối với giống cây trồng, một số đối tượng của quyền tác giả và quyền liên quan; rà soát, đề xuất sửa đổi đồng bộ các quy định về quyền sở hữu kết quả nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách Nhà nước trong các luật hiện hành như Luật Khoa học và công nghệ, Luật Chuyển giao công nghệ, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật./.