
Tại điểm cầu tỉnh, đồng chí Ngô Văn Tuấn, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh chủ trì phiên thảo luận tổ. Dự phiên thảo luận còn có các đại biểu: Hoàng Đức Chính, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Đặng Bích Ngọc, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh; Nguyễn Cao Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh; lãnh đạo một số sở, ban, ngành tỉnh.
* Trong phiên họp buổi sáng, tại điểm cầu tỉnh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã tiến hành thảo luận tại tổ và cho ý kiến về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; Báo cáo về công tác phòng, chống dịch Covid-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 về kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV; Tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2021, dự toán ngân sách Nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2022 và Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2022 - 2024 (trong đó có việc bổ sung dự toán thu, chi vốn viện trợ nước ngoài năm 2021 của tỉnh Quảng Nam; lùi thời điểm cải cách chính sách tiền lương).
Phát biểu thảo luận tại tổ, các đại biểu cơ bản nhất trí với nội dung các báo cáo, tuy nhiên, đề nghị báo cáo cần đánh giá sâu hơn, cụ thể hơn tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2021. Chính phủ cần đánh giá cụ thể hơn về tác động của đại dịch Covid-19 đến phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, năm 2022 và cho cả giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, đánh giá chi tiết từng mục tiêu, chỉ tiêu theo ngành, lĩnh vực ở cấp Quốc gia cũng như từng địa phương trên cơ sở đó dự báo tình hình để xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể sát với tình hình thực tế trong điều kiện bình thường mới. Đồng thời đề nghị Chính phủ cần có đánh giá về công tác đầu tư và thu hút đầu tư, sự chuyển dịch nguồn vốn của các nhà đầu tư nứoc ngoài; có giải pháp để tháo gỡ khó khăn đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, có cơ chế chính sách để vực dậy và phát triển khối kinh tế tư nhân, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Các tỉnh, thành phố là trung tâm kinh tế lớn cần sớm kiểm soát và có giải pháp thích ứng với dịch bệnh, thu hút trở lại nguồn lao động nhằm khôi phục sản xuất kinh doanh. Chính phủ cần có đánh giá toàn diện về hiệu quả các gói hỗ trợ đại dịch Covid-19. Cần có báo cáo về tình hình huy động, quản lý và sử dụng Quỹ vắc xin phòng, chống dịch Covid-19. Có khảo sát, đánh giá về nguồn lực và khả năng tài chính hiện có của từng người dân, nhất là người nghèo, các đối tượng chính sách, người yếu thế chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, từ đó căn cứ khả năng nguồn lực ngân sách để có giải pháp, chính sách hỗ trợ hiệu quả trong thời gian tới. Xây dựng kịch bản chi tiết về phát triển kinh tế trong điều kiện dịch vẫn còn diễn biến phức tạp hiện nay, cần có các chỉ tiêu cụ thể để từ đó đưa ra các giải pháp thực hiện hiệu quả.
* Trong phiên họp buổi chiều, các đại biểu nghe Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về Dự án Luật Cảnh sát cơ động. Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Cảnh sát cơ động. Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo thẩm tra về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.
Sau khi nghe nội dung trình tại phiên họp buổi chiều, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tiến hành thảo luận tại tổ, cho ý kiến về Dự án Luật Cảnh sát cơ động và Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ./.