DetailController

Sức khỏe - Đời sống

Ngành Y tế đẩy mạnh hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh

08/12/2023 16:30
Trong những năm qua, được sự quan tâm, chỉ đạo kịp thời của UBND tỉnh cùng phối hợp giữa các bộ, ngành, các cấp, hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin tại Sở Y tế Hòa Bình đã được quan tâm đầu tư. Hạ tầng kỹ thuật, các phần mềm, các ứng dụng phục vụ côngcủa Sở Y tế tỉnh Hòa Bình được triển khai và đưa vào khai thác, sử dụng từng bước có hiệu quả.
Ngành Y tế đẩy mạnh hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh

Đếm nay, 100% các các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh đã có mạng Internet và hệ thống mạng nội bộ (LAN) và kết nối Internet băng thông rộng (ADSL, FTTH); tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức của các cơ quan nhà nước được trang bị máy tính phục vụ công việc tại cấp tỉnh đạt 100%, cấp huyện đạt 96%, cấp xã đạt 88%. Sở Y tế, các Trung tâm Y tế (TTYT) có cán bộ chuyên trách về công nghệ thông tin, có thể vận hành và khai thác phần mềm có hiệu quả. Đối với hệ thống khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, hiện nay được phân làm 3 cấp (tỉnh - huyện - xã) gồm: 02 bệnh viện tuyến tỉnh, 10 Trung tâm Y tế huyện, thành phố và 151 Trạm Y tế xã, phường, thị trấn; số lượng giường bệnh theo kế hoạch của Bệnh viện đa khoa tỉnh là 820 giường bệnh, Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh có số giường bệnh theo kế hoạch là 80 và Trung tâm Y tế huyện các huyện, thành phố có từ 50 - 200 giường bệnh. Phát triển chuyên môn kỹ thuật trung bình các cơ sở y tế tuyến huyện và tuyến tỉnh thực hiện được từ 60 - 70% kỹ thuật theo phân tuyến của Bộ Y tế, tại Bệnh viện đa khoa tỉnh đã triển khai được một số kỹ thuật chuyên môn cao như: phẫu thuật sọ não, mổ nội soi, nội soi gây mê hệ tiêu hóa, chụp cộng hưởng từ, chụp cắt lớp vi tính.

Thực trạng hạ tầng thiết bị phần cứng tại các cơ sở y tế, hiện nay, tổng số 12/12 cơ sở đã có hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến, ngoài ra có 02 đơn vị (TTYT huyện Lạc Sơn, TTYT huyện Mai Châu) đã được triển khai hệ thống tư vấn khám, chữa bệnh từ xa do Viettel tài trợ. Hạ tầng mạng Internet, LAN, đã được kết nối, đảm bảo tín hiệu đường truyền phục vụ các cuộc họp hội nghị truyền hình khi cần thiết. Thực trạng phần mềm quản lý khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế, 100% các cơ sở y tế tuyến tỉnh, huyện, xã đã triển khai phần mềm quản lý khám chữa bệnh. Toàn tỉnh có 03 đơn vị công nghệ thông tin triển khai các phần mềm quản lý khám chữa bệnh: VNPT HIS; Viettel HIS; Minh Lộ (triển khai tại TTYT huyện Mai Châu). Thực trạng hệ thống hỗ trợ tư vấn sức khỏe trực tuyến cho người dân, ngành Y tế tỉnh Hòa Bình hiện tại chưa có một giải pháp tổng thể về hệ thống tư vấn sức khỏe trực tuyến cho người dân trên địa bàn, tại các cơ sở y tế mới chỉ hình thành các nhóm zalo, facebook fanpage,…hoạt động độc lập và thiếu sự liên kết giữa các nhóm.

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, hệ thống khám, chữa bệnh của tỉnh còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như: nguồn lực đầu tư cho y tế tuy có tăng nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu; phân bố nhân lực y tế không đồng đều, tình trạng thiếu nhân lực y tế phổ biến trên địa bàn; nhiều kỹ thuật y học cao đã triển khai nhưng chủ yếu tập trung ở tuyến tỉnh. Ở tuyến cơ sở, vùng sâu, vùng xa có chất lượng dịch vụ y tế thấp hơn hẳn so với vùng kinh tế phát triển, khả năng tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng cao của người dân hạn chế, dẫn đến sự mất công bằng trong chăm sóc sức khỏe, người dân không tin tưởng chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh tuyến cơ sở.

Để giải quyết những khó khăn, thách thức tại chỗ và nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh các tuyến, giúp người dân trên địa bàn tỉnh được tiếp cận với các dịch vụ y tế chất lượng cao, thời gian tới tỉnh nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh và năng lực chuyên môn của y tế tuyến cơ sở, tạo sự công bằng trong nhu cầu khám, chữa bệnh, người dân vùng sâu, vùng xa đều được tiếp cận với các phương pháp khám, chữa bệnh hiện đại và thầy thuốc có trình độ chuyên môn cao. Tạo sự liên thông trong hệ thống y tế, hỗ trợ phát triển chuyên môn, thực hiện chuyển tuyến đúng và an toàn người bệnh. Đảm bảo giãn cách trong phòng, chống dịch bệnh, hạn chế tập trung đông người tại các cơ sở y tế nhưng vẫn đáp ứng nhu cầu của người dân về tư vấn khám, chữa bệnh. Triển khai các hoạt động tư vấn khám, chữa bệnh từ xa được kết nối từ tuyến Trung ương đến tuyến tỉnh, tuyến huyện và tuyến xã trên địa bàn tỉnh. Phấn đấu trên 90% người dân được tìm hiểu thông tin y học và kiến thức chăm sóc sức khỏe từ hệ thống hỗ trợ tư vấn sức khỏe trực tuyến cho người dân./.