Hiện nay, các địa phương đang tập trung thu hoạch diện tích cây trồng đã chín trên địa bàn. Đối với cây có hạt, sản lượng thu hoạch Lúa ước đạt 95.400 tấn, năng suất đạt 61,2 tạ/ha; sản lượng cây Ngô đạt 16.400 tấn, năng suất đạt 40,15 tạ/ha. Đối với cây có củ chất bột, sản lượng cây Khoai lang ước đạt trên 4.600 tấn, năng suất đạt 55,7 tạ/ha; Khoai tây sản lượng ước đạt 650 tấn, năng suất đạt 100 tạ/ha. Cây rau, đậu các loại, sản lượng thu hoạch đạt trên 48.200 tấn, năng suất đạt 137 tạ/ha. Sản lượng thu hoạch cây chè đạt gần 4.000 tấn. Ngoài ra, diện tích thu hoạch các cây trồng khác như: Lạc, Đậu tương, Khoai sọ, Mía… đều tăng so với kế hoạch. Nhiều diện tích trồng cây có múi đã được cải tạo đất, các địa phương đang tập trung trồng tái canh chu kỳ mới. Toàn tỉnh hiện có trên 9.600ha cây ăn quả có múi. Trong đó diện tích kinh doanh là 7.400 ha.
Với phương châm thu hoạch đến đâu, làm đất đến đấy để sản xuất vụ Mùa- Hè thu, các địa phương trong tỉnh đã đẩy nhanh tiến độ làm đất ở một số nơi thuận lợi. Diện tích đất đã được làm là trên 12.000ha, đạt 27,53% so với Kế hoạch. Số lượng mạ đã gieo đạt 560 tấn, đạt 83,7%; diện tích Lúa đã cấy đạt 297ha, đạt 13,63%.
Một số loại sâu, bệnh tiếp tục phát sinh gây hại. Cụ thể, trên cây ăn quả có múi, nhện đỏ, bệnh vàng lá thối rễ, sâu vẽ bùa, rầy chổng cánh, bệnh greening... tiếp tục gây hại rải rác ở các vùng trồng cây có múi; Rệp sơ bông trắng, sâu đục thân,... gây hại trên cây mía; Bệnh khảm lá sắn tiếp tục phát sinh gây hại ở một số huyện Yên Thủy, Tân Lạc… Các loại sâu, bệnh gây hại ở mức độ nhẹ và rải rác. Chi cục đã phối hợp với phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các huyện, thành phố, hướng dẫn người dân tiếp tục thực hiện tốt các giải pháp phòng, trừ sâu bệnh, tập trung ở một số loại cây trồng chính theo các văn bản chỉ đạo của cấp trên. Bà con nông dân duy trì ổn định hệ thống bẫy đèn, góp phần hỗ trợ cho công tác dự tính dự báo tình hình dịch hại cây trồng, do đó sâu bệnh gây hại trên nhóm cây trồng chính, nhóm cây lương thực và nhóm cây trồng khác ở mức độ nhẹ - trung bình.
Ngành Nông nghiệp cũng đang tiếp tục hỗ trợ, hướng dẫn các địa phương thực hiện cấp và duy trì mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói theo quy định. Phối hợp với phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các huyện Mai Châu, Lạc Sơn, Lạc Thủy tổ chức 3 lớp tập huấn các văn bản liên quan lĩnh vực kiểm dịch thực vật nội địa, cấp và quản lý mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng.
Trong tháng 7/2024, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục triển khai có hiệu quả các Đề án, Kế hoạch của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về phát triển nông nghiệp. Đôn đốc các địa phương tập trung chăm sóc, phòng trừ các loại sâu, bệnh trên các loại cây trồng. Đối với cây ăn quả có múi giai phát triển quả, chú ý một số đối tượng sâu, bệnh: Rệp muội; bệnh loét, rầy chổng cánh, ruồi đục quả. Tiếp tục hỗ trợ cấp mới mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói cho tổ chức, cá nhân có nhu cầu. Hướng dẫn, khuyến khích, hỗ trợ các địa phương liên kết vùng sản xuất hướng tới xuất khẩu cho các sản phẩm trồng trọt chủ lực và lợi thế của tỉnh. Đồng thời, phối hợp với huyện Cao Phong thực hiện cánh đồng mẫu tái canh cây cam theo kế hoạch./.