
Nhưng với phương châm xét xử kịp thời, nghiêm minh, đúng pháp luật, không để án tồn đọng, đặc biệt quan tâm đến nâng cao chất lượng xét xử và phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả với các cơ quan tư pháp nên công tác xét xử, giải quyết các vụ án của ngành đạt kết quả tốt. Việc đổi mới thủ tục xét hỏi và nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa theo tinh thần cải cách tư pháp tiếp tục được triển khai thực hiện và có những chuyển biến tích cực, đảm bảo tính dân chủ, khách quan trong hoạt động xét xử. Các phán quyết của Tòa chủ yếu dựa vào việc thẩm tra các tài liệu, chứng cứ và kết quả tranh tụng công khai tại phiên tòa nên đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.
Kết quả nổi bật trong hoạt động của ngành Toà án trong năm 2011 là công tác thụ lý, giải quyết, xét xử các vụ án hình sự. Với tổng số 560 vụ, 922 bị cáo đã giải quyết 559 vụ, 921 bị cáo, đạt 99,8%. Trong đó, Tòa án tỉnh và các huyện, thành phố thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 519 vụ, 862 bị cáo, giảm 1 vụ nhưng tăng 49 bị cáo so với năm 2010. Đã giải quyết 518 vụ, 861 bị cáo bằng các biện pháp: xét xử 476 vụ, 762 bị cáo; trả lại hồ sơ điều tra, bổ sung 38 vụ, 91 bị cáo; đình chỉ xét xử sơ thẩm 4 vụ, 7 bị cáo, còn lại 1 vụ, 1 bị cáo. Tòa án tỉnh thụ lý phúc thẩm 41 vụ, 60 bị cáo, giảm 46 vụ, 43 bị cáo. Đã giải quyết 41 vụ, 60 bị cáo, bằng các biện pháp: xét xử 31 vụ, 46 bị cáo, đình chỉ xét xử phúc thẩm 10 vụ, 13 bị cáo. Đặc biệt, các vụ án ma túy được đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm khắc, trong đó đã áp dụng hình phạt tử hình đối với 12 bị cáo và chung thân 8 bị cáo
Ông Nguyễn Viết Long, Chánh án TAND thành phố Hòa Bình cho biết: Là một địa phương có số lượng án lớn nhất tỉnh, trong năm 2011, TAND thành phố tiếp tục thực hiện tốt yêu cầu cải cách tư pháp theo Nghị quyết 08/NQ-TW. Việc đánh giá chứng cứ, áp dụng pháp luật của Hội đồng xét xử được tiến hành kỹ càng, thận trọng đảm bảo tính khách quan, dân chủ. Vì vậy, chất lượng xét xử luôn được bảo đảm nhanh gọn, dứt điểm, nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không để xảy ra tình trạng xét xử oan hoặc lọt tội, hạn chế đến mức thấp nhất các sai sót. Đặc biệt không có sai sót do lỗi chủ quan của thẩm phán. Hình phạt áp dụng đối với các bị cáo cơ bản đã thể hiện được chính sách của Nhà nước ta là nghiêm trị những kẻ chủ mưu, cầm đầu, lưu manh, côn đồ, tái phạm nguy hiểm. Khoan hồng đối với người tự thú, khai báo thành khẩn, ăn năn, hối cải, tự nguyện sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại nên nêu cao được tính giáo dục, răn đe phòng ngừa tội phạm chung.
Bên cạnh đó, công tác xét xử lưu động luôn được Tòa án tỉnh và các huyện, thành phố chú trọng. Trong năm 2011 đã tổ chức xét xử 145 phiên tòa lưu động, trong đó chủ yếu là các vụ án hình sự. Nhờ bám sát phương châm “Gắn xét xử với công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật” nên các phiên toà lưu động không chỉ có tác dụng giáo dục, răn đe người phạm tội mà còn góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, ý thức đấu tranh phòng- chống tội phạm và các vi phạm pháp luật trong cho nhân dân, hạn chế sự gia tăng của tội phạm trên địa bàn.
Nhờ thực hiện tốt chiến lược cải cách tư pháp và phát huy truyền thống đoàn kết, nêu cao tinh thần trách nhiệm, năm 2011, ngành Tòa án đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần xứng đáng trong thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển KT-XH, củng cố QP-AN trên địa bàn tỉnh.