DetailController

Văn hóa

Ngành Tài nguyên và Môi trường: Phấn đấu hoàn thành toàn diện các nhiệm vụ, mục tiêu năm 2023

21/02/2023 09:00
Năm 2022, ngành Tài nguyên và môi trường đã trình UBND tỉnh quyết định thu hồi đất để giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, để giải phóng mặt bằng cho 06 tổ chức, diện tích 143.928,0 m2 để thực hiện dự án; thẩm định nhu cầu sử dụng đất, điều kiện giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất cho 28 tổ chức, diện tích 954.538 m2; cấp mới, cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, bổ sung tài sản cho 03 tổ chức, diện tích 232.629,0 m2; trình UBND tỉnh phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ GPMB 25 dự án, với tổng số tiền trên 450 tỷ đồng.
Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng đảm bảo tiến độ thực hiện các dự án đầu tư quan trọng

Trong năm,tổng số dự án trình UBND tỉnh về việc phê duyệt tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, giá khởi điểm đấu giá quyền sử dụng đất để thu ngân sách nhà nước cấp tỉnh là 21 dự án, tổng số tiền trình phê duyệt 3.281,875 tỷ đồng (trong đó UBND tỉnh đã ban hành Quyết định phê duyệt tổng số tiền 2,219,204 tỷ đồng, đạt 116,8% so với chỉ tiêu giao thu tiền sử dụng đất cấp tỉnh 1.900 tỷ đồng). Xây dựng phương án giá đất, trình UBND tỉnh phê duyệt giá đất cụ thể tính thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất phải nộp, xác định giá khởi điểm đấu giá quyền sử dụng đất cho 08 dự án thu NSNN cấp tỉnh, tổng số tiền 3.183,321 tỷ đồng.

Trong công tác khoáng sản, đã rà soát, đề xuất UBND tỉnh Quyết định phê duyệt đề án đóng cửa mỏ, Quyết định đóng cửa 04 mỏ theo quy định hiện hành; tước, thu hồi, cho phép trả lại 02 Giấy phép khai thác khoáng sản của các đơn vị được cấp phép hoạt động khoáng sản nhưng hoạt động không hiệu quả, không triển khai hoạt động, không thực hiện các nghĩa vụ tài chính. Đôn đốc các đơn vị thực hiện nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản số tiền trên 77,7 tỷ đồng tăng 32,6% so với cùng kỳ năm 2021. Kết quả thực hiện các chỉ tiêu chủ yếu về môi trường: Tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý đạt tỷ lệ 100%; Tỷ lệ chất thải nguy hại (CTNH) được xử lý đạt: 95,3%; Tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn, đạt 88%.

Năm 2023, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với ngành tài nguyên và môi trường tỉnh Hoà Bình; là năm bản lề trong việc đẩy mạnh thực hiện và phấn đấu hoàn thành mục tiêu của các kế hoạch 5 năm 2021-2025, góp phần triển khai các mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030; cũng là năm thứ hai triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp tỉnh Hòa Bình. Đồng thời, thiết thực chào mừng các sự kiện chính trị trọng đại của đất nước và kỷ niệm 20 năm ngày thành lập Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hoà Bình (2003 - 2023). Theo đó, ngành Tài nguyên và Môi trường xác định các nhiệm vụ, mục tiêu nhằm triển khai có hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành.

Cụ thể là: Kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI, khóa XII, Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII. Thực hiện nghiêm Quy định số 37-QĐ/TW, ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm, gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Quy định số 101-QĐ/TW, ngày 7/6/2012 của Ban Bí thư về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp. 

Thi đua phấn đấu hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, của ngành; đồng thời tích cực phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, coi đây là một nhiệm vụ song hành với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ 4 đột phá chiến lược của tỉnh. Đặc biệt là hoàn thành và triển khai các quy hoạch, trong đó tập trung vào các quy hoạch có tính chất quan trọng. Thực hiện đồng bộ các giải pháp, nhất là cải cách, đơn giản hoá thủ tục hành chính để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh; đổi mới các hoạt động xúc tiến đầu tư, thường xuyên tiếp xúc, đối thoại với các nhà đầu tư, doanh nghiệp, kịp thời giải quyết hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp đầu tư vào  tỉnh. 

Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ và chuyển đổi số, trong đó tập trung vào Chương trình chuyển đổi số tỉnh Hoà Bình giai đoạn 2021- 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Triển khai thực hiện có hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia, các Đề án, Kế hoạch quan trọng của tỉnh gắn với bảo vệ môi trường và xây dựng nông thôn mới.

Tăng cường công tác quản lý thu ngân sách, khai thác hiệu quả nguồn thu, triển khai các biện pháp chống thất thu; tập trung hoàn thành các thủ tục đấu giá đất, các dự án nhà ở thương mại; hoàn thành việc giải phóng mặt bằng, thủ tục giao đất, tính tiền sử dụng đất ngay từ đầu năm. Phấn đấu thu tiền sử dụng đất cấp tỉnh là 2.968 tỷ đồng.

Nâng cao năng lực quản lý về lĩnh vực tài nguyên môi trường, nhất là quản lý nhà nước về đất đai; đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng đảm bảo tiến độ thực hiện các dự án đầu tư quan trọng, dự án đấu giá đất, dự án đầu tư có sử dụng đất. Thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường, tập trung xử lý rác thải ở đô thị và nông thôn, quản lý chặt chẽ hoạt động xả thải của các cơ sở sản xuất kinh doanh, không để xảy ra các hiện tượng gây ô nhiễm môi trường; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng tránh thiên tai. Các chỉ tiêu trong năm 2023: Tỷ lệ các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý triệt để đạt 100%; tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn đạt 88%; Tỷ lệ chất thải nguy hại được thu gom, xử lý đạt 95%.

Đẩy mạnh cải cách hành chính, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đạo đức công vụ trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; kịp thời đưa ra khỏi bộ máy những người không hoàn thành nhiệm vụ, vi phạm pháp luật, kỷ luật, kỷ cương hành chính, mất uy tín với nhân dân; khắc phục tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, làm rõ trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra những hạn chế, yếu kém, làm ảnh hưởng chung đến nhiệm vụ của ngành. Tập trung xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số để công khai, minh bạch, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, phục vụ người dân và doanh nghiệp. Quyết tâm góp phần duy trì và cải thiện hơn nữa thứ hạng các chỉ số đánh giá cấp tỉnh, nhất là chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và các chỉ số PAR INDEX, PAPI, SIPAS. 

Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác thi đua, khen thưởng; triển khai thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước, đảm bảo hiệu quả, để công tác khen thưởng phải đi vào thực chất, khen thưởng đúng người, đúng việc, thành tích đến đâu, khen đến đó; chú trọng phát hiện, khen thưởng những tập thể, cá nhân trực tiếp thực hiện nhiệm vụ; kịp thời biểu dương, tôn vinh những gương điển hình tiên tiến, người tốt - việc tốt để lan toả ra xã hội những tấm gương tiêu biểu, xuất sắc, những hành động tốt đẹp, cách làm hay, sáng tạo, có ý nghĩa cho cộng đồng, cũng như tinh thần vươn lên trong cuộc sống, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh./.