DetailController

Tin từ các đơn vị

Ngành Nông nghiệp và PTNT tích cực triển khai thực hiện Đề án 06

22/04/2022 00:00
Thực hiện Kế hoạch số 39 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Quyết định số 06/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyên đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Hòa Bình(Đề án 06), ngành Nông nghiệp và PTNT đã tích cực và sát sao chỉ đạo thực hiện đề án.
Cán bộ ngành NN&PTNT tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao hiệu quả giải quyết công việc

Ngay sau khi UBND tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện đề án, Sở NN&PTNT đã tuyên truyền, phổ biến sâu rộng nội dung của Đề án 06 đến đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động các cơ quan, đơn vị thuộc sở. Nâng cao trách nhiệm của cán bộ trực tiếp giải quyết thủ tục hành chính và đề cao quyền thụ hưởng của cá nhân, tổ chức trong cải cách hành chính, chuyển đổi số; kết hợp lồng ghép nội dung trong tuyên truyền nhiệm vụ chuyên môn với thực hiện Quyết định số 06/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ thông qua hội nghị, hội thảo và các hoạt động của đơn vị. Sở đã chỉ đạo thành lập kiện toàn Ban chỉ đạo chuyển đổi số Sở Nông nghiệp và PTNT triển khai thực hiện các chủ trương, chiến lược, cơ chế, chính sách, đề án, dự án liên quan đến chuyển đổi số của tỉnh, gắn kết chặt chẽ với cải cách hành chính; xây dựng, phát triển Chính quyền điện tử, Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số và đô thị thông minh; tạo thuận lợi cho việc triển khai Cách mạng công nghiệp lần thứ tư thuộc lĩnh vực ngành trên địa bàn tỉnh.

Ngành đã tổ chức 02 hội nghị trực tuyến về chuyển đổi số; tham gia 01 cuộc tập huấn triển khai một số nhiệm vụ tại Quyết định số 06 Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức. Thực hiện phối hợp khảo sát phục vụ xây dựng Đề án Chuyển đổi số ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với các đơn vị: Tập đoàn Viettel, Viễn thông Hòa Bình, FPT trong hợp tác chiến lược về công nghệ thông tin, hạ tầng số và các sản phẩm, dịch vụ số phục vụ việc xây dựng hệ sinh thái số các lĩnh vực của ngành. Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông đăng ký triển khai thực hiện Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh (02 xã) của 02 huyện Lạc Sơn và Lạc Thủy.

Tới nay, đã tạo lập mã định danh điện tử phục vụ kết nối dữ liệu và triển khai 100% các đơn vị thuộc sở ký số, tham gia trao đổi hồ sơ, văn bản điện tử thông qua Hệ thống quản lý văn bản và điều hành, Hệ thống thông tin một cửa điện tử tỉnh Hòa Bình, cơ sở dữ liệu chuyên ngành. Tạo lập tài khoản điện tử của cá nhân cán bộ, công chức, viên chức các phòng, đơn vị thuộc sở trong giải quyết thủ tục hành chính. Thực hiện tạo lập cơ sở dữ liệu về số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính của ngành đảm bảo cho việc kết nối, chia sẻ dữ liệu trong giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử đạt kết quả theo Kế hoạch số 37 ngày 12/3/2021 của UBND tỉnh về số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính còn hiệu lực thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đến năm 2025. Đề xuất 100% dịch vụ công trực tuyến cung cấp mức độ 4 được xác thực một lần; tỷ lệ hồ sơ giải quyết theo dịch vụ công trực tuyến trên tổng số hồ sơ đạt 55%; không có hồ sơ chậm và quá hạn; tăng mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp trong việc giải quyết thủ tục hành chính. Tới nay đang có 129 TTHC thuộc thẩm quyền quản lý, theo dõi của Sở. Ngành tiếp tục hoàn thiện bổ sung làm giàu hệ sinh thái dữ liệu các lĩnh vực của ngành phục vụ kết nối, chia sẻ dữ liệu quốc gia về dân cư với các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành theo Quyết định số 1911/QĐ-TTg, ngày 15/11/2021 đảm bảo tiến đề ra trong Đề án 06.

Khó khăn hiện nay, ngành Nông nghiệp và PTNT là ngành quản lý đa lĩnh vực, phạm vi rộng, địa hình miền núi khó khăn, nhiều đối tượng là đồng bào thiểu số, trình độ dân trí không đồng đều; hạ tầng, thiết bị công nghệ thông tin có nơi chưa được đầu tư nên tỷ lệ người dân sử dụng dịch vụ công thấp. Đầu tư ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất còn thấp, mặt khác chi phí đầu tư cao dẫn tới đẩy giá sản phẩm lên cao, khó khăn trong cạnh tranh. Nhân lực để triển khai đề án còn yếu và thiếu, chưa qua đào tạo tập huấn chuyên môn sâu về nghiệp vụ nên còn lúng túng trong triển khai.

Để tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề án 06, thời gian tới ngành NN&PTNT nghiêm túc đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ, chỉ tiêu theo Kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh đảm bảo thời gian, chất lượng lộ trình đề ra và các văn bản chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong chuyển đổi số. Tập trung triển khai thực hiện việc tích hợp, cung cấp các thủ tục hành chính thuộc ngành/lĩnh vực trên Cổng Dịch vụ công tỉnh và kết nối liên thông giữa Cổng Dịch vụ công, Hệ thống thông tin một cửa điện tử tỉnh với Hệ thống kết nối. Đảm bảo dữ liệu của ngành/lĩnh vực còn hiệu lực pháp lý được số hóa và tái sử dụng kết quả số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính để làm giàu dữ liệu phục vụ kết nối, chia sẻ trong giải quyết các thủ tục hành chính trên Cổng dịch vụ công quốc gia./.