Các hoạt động tuyên truyền vận động người dân, các cơ sở sản xuất, kinh doanh lĩnh vực nông lâm nghiệp và thủy sản được lồng ghép thông qua việc tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, kiểm tra chuyên ngành nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ công chức, viên chức và người dân trong việc giữ gìn môi trường; nâng cao ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, đảm bảo an toàn thực phẩm trong quá trình sản xuất, kinh doanh, sản xuất nông nghiệp theo quy trình an toàn sinh học, các quy trình GAP. Ngành đã tuyên truyền nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về đa dạng sinh học, góp phần bảo tồn hệ sinh thái, hệ động vật, thực vật, nguồn gen... Tuyên truyền qua hình thức treo băng rôn, chạy khẩu hiệu tuyên truyền trên bảng điện tử tại cơ quan, đơn vị. Các đơn vị toàn ngành đã tổ chức triển khai, phổ biến các nội dung, thông tin đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức. Lồng ghép tuyên truyền vận động các tổ chức cá nhân hưởng ứng hành động bảo vệ môi trường thông qua các hoạt động chuyên môn như tập huấn, thanh tra, kiểm tra công tác trồng trọt và bảo vệ thực vật, chăn nuôi thú y và thủy sản, lâm nghiệp, quản lý chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm… Cùng với việc tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, kế hoạch của Trung ương, địa phương đã ban hành, các hoạt động hưởng ứng tháng hành động vì môi trường.
Đến nay, các đơn vị đã tổ chức các cuộc ra quân vệ sinh môi trường; thu gom xử lý chất thải; cải tạo phục hồi các khu vực bị ô nhiễm, trồng thêm cây xanh cải thiện cảnh quan môi trường, tạo không gian sống trong lành, sạch đẹp tại cơ quan, đơn vị. 100% các đơn vị đã tổ chức hoạt động thiết thực với trên 450 công lao động như: Trồng thêm cây xanh, vệ sinh trụ sở và khuôn viên cơ quan; khơi thông cống rãnh; thu gom xử lý rác thải, thu gom và phân loại chai nhựa, bao bì, túi nilon. Duy trì hoạt động 1.568 bể chứa vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật cho các vùng trồng sản xuất trồng trọt tập trung của tỉnh; 1 cơ sở lưu chứa bao gói thuốc bảo vệ thực vật tại huyện Mai Châu và 1 cơ sở đủ điều kiện xử lý chất thải nguy hại tại huyện Lạc Thủy.
Các phòng, ban chuyên môn đã tham mưu, phối hợp chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác khoanh nuôi bảo vệ rừng tự nhiên, bảo vệ rừng trồng mới và chăm sóc, vệ sinh, trồng dặm những diện tích rừng trồng năm trước. Đôn đốc, hướng dẫn chủ rừng tranh thủ thời vụ và thời tiết thuận lợi tiến hành trồng rừng. Thực hiện kế hoạch trồng cây phân tán năm 2023 và kế hoạch thực hiện Đề án trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025. Trong tháng 6, toàn tỉnh đã trồng 899,89 ha rừng tập trung và 94.374 cây phân tán. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh đã trồng được 3.683,24 ha/5.530 ha rừng trồng tập trung, đạt 66,6% kế hoạch năm; trồng 517.795 cây/906.200 cây phân tán, đạt 57,14% kế hoạch năm. Chủ động phối hợp với các ngành chức năng, các tổ chức đoàn thể tuyên truyền Luật Lâm nghiệp và các văn bản liên quan đến công tác bảo vệ, phát triển rừng, quản lý lâm sản đến 33.866 lượt người tại các địa phương trong tỉnh.
Trong thời gian tới, ngành Nông nghiệp tỉnh tiếp tục thực hiện đồng bộ các biện pháp nhằm bảo vệ môi trường. Trong đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phát động phong trào toàn dân bảo vệ môi trường, xây dựng các mô hình xã, phường, khu phố đạt chuẩn về môi trường, gắn với phong trào đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở cơ sở và chương trình xây dựng nông thôn mới. Làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Thực hiện nghiêm các quy định quản lý chất thải rắn, tổ chức mạng lưới phân loại và thu gom hợp lý./.