Để đảm bảo tiến độ hội nhập kinh tế quốc tế, tạo điều kiện đưa nông sản của tỉnh có điều kiện thâm nhập sâu hơn vào thị trường nông sản khu vực và thế giới. Ngành NN&PTNT tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, những nguyên tắc của hội nhập kinh tế quốc tế đối với lĩnh vực nông nghiệp; những chính sách ưu đãi về thuế quan, thị trường và chuyển đổi khoa học công nghệ. Qua đó giúp người nông dân chủ động, hăng hái tham gia quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Bên cạnh đó, Sở khuyến khích nông dân tham gia kinh tế tập thể xã. Đây là cơ sở để tỉnh hình thành vùng nguyên liệu rộng lớn, hình thành chuỗi giá trị kinh tế cao và ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất. Hiện nay, toàn tỉnh đang duy trì có 403 hợp tác xã nông nghiệp. Các hợp tác xã hoạt động khá hiệu quả, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho các thành viên. Sở kịp thời đôn đốc, hướng dẫn các địa phương tổ chức triển khai thực hiện Chương trình OCOP theo đúng chu trình thường niên; phối hợp với Văn phòng Điều phối Trung ương cập nhật dữ liệu vào Hệ thống quản lý và giám sát sản phẩm OCOP quốc gia. Năm 2023, có 47 sản phẩm được UBND cấp huyện được đánh giá, phân hạng đạt từ 3 sao trở lên; nâng tổng sản phẩm OCOP của tỉnh là 158. Trong đó 22 sản phẩm hạng 4 sao; 124 sản phẩm hạng 3 sao và 12 sản phẩm tiềm năng 4 sao.
Công tác xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường nông sản, hướng tới xuất khẩu được triển khai kịp thời. Sở NN&PTNT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Đề án phát triển công nghiệp chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi; Kế hoạch hành động đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản năm 2024 và Công văn tăng cường quản lý ghi nhãn thực phẩm có chứa thành phần biến đổi gene. Nhiều hoạt động quan trọng đã thực hiện hiệu quả. Đến nay, cơ quan chuyên môn thuộc Sở đã phối hợp hướng dẫn, hỗ trợ các chủ thể, duy trì tốt 72 mã số vùng trồng và 5 mã số cơ sở đóng gói đã được cấp. Hỗ trợ xuất khẩu được 12 tấn ớt muối sang Hàn Quốc, tiếp tục hỗ trợ các địa phương xuất khẩu các mặt hàng nông sản sang thị trường các nước Hàn Quốc, Mỹ, Trung Quốc, Anh và EU... Công tác quảng bá sản phẩm được duy trì trên Cổng thông tin điện tử truy xuất nguồn gốc xuất xứ sản phẩm tại địa chỉ https://hb.check.net.vn; với 77 doanh nghiệp/HTX với 360 sản phẩm tham gia. Sở đã giới thiệu, kết nối cho 18 lượt doanh nghiệp/HTX tham gia các chương trình xúc tiến thương mại nông sản cho 2 doanh nghiệp/HTX tham gia 2 gian hàng tại "Chương trình Tự hào Nông sản Việt"; 6 cơ sở tham gia triển lãm quốc tế ngành Rau, Hoa Quả - HortEx Vietnam 2024; 10 cơ sở tham gia Đoàn khảo sát, giao dịch thương mại và đầu tư tại Trung Quốc 2024.
Bên cạnh những kết quả đạt được, tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế trong lĩnh vực nông nghiệp vẫn còn gặp khó khăn, do nhiều yếu tố tác động, đặc biệt là biến động của thị trường, nhất là thị trường xuất khẩu. Công tác thu hút đầu tư, đặc biệt trong lĩnh vực đầu tư công nghệ chế biến và chế biến sâu nông sản, bảo quản để có thể giãn thời gian tiêu thụ còn hạn chế.
Khắc phục những khó khăn, hạn chế trên, trong thời gian tới, ngành Nông nghiệp tỉnh tiếp tục tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, chỉ số PCI năm 2024 trong việc tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, minh bạch. Tiếp tục rà soát để thực hiện đơn giản hóa các thủ tục hành chính; phấn đấu rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở NN&PTNT; các đơn vị trực thuộc Sở. Tập trung chỉ đạo thực hiện giải quyết đúng quy trình và đảm bảo thời gian giải quyết theo quy định. Tiếp tục triển khai thực hiện Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2021- 2025. Phối hợp, hướng dẫn các huyện/thành phố triển khai sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái gắn với xây dựng nông thôn mới văn minh. Tiếp tục triển khai các chương trình giám sát an toàn thực phẩm đối với các chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông lâm thủy sản; đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, hỗ trợ các doanh nghiệp liên kết và hợp tác tiêu thụ nông sản thực phẩm; tiếp tục đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, kết nối giao thương các sản phẩm OCOP tại các tỉnh thành trong nước và nước ngoài. Kịp thời cung cấp thông tin thị trường linh hoạt qua nhiều hình thức, phương pháp để các cơ sở, cá nhân có căn cứ hoạch định kế hoạch sản xuất./.