DetailController

Sức khỏe - Đời sống

Ngành ngân hàng mở rộng tín dụng đi đôi với an toàn, hiệu quả

23/06/2022 00:00
Bám sát chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước và các mục tiêu của Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội của tỉnh, Ngân hàng tỉnh theo dõi diễn biến thị trường, diễn biến dịch bệnh để điều hành đồng bộ, linh hoạt chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách khác để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ quá trình phục hồi kinh tế, thích ứng kịp thời với diễn biến thị trường.
Ước đến 30/6/2022, tổng nguồn vốn của các tổ chức tín dụng đạt 35.871 tỷ đồng, tăng 7% so với cuối năm 2021.

6 tháng đầu năm, các tổ chức tín dụng đã tích cực triển khai các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước liên quan đến tiền tệ, tín dụng và lãi suất. Đồng thời đẩy mạnh công tác huy động vốn, tập trung các giải pháp mở rộng đầu tư tín dụng đi đôi với tăng cường quản lý chất lượng tín dụng, cho vay các chương trình ưu tiên. Ước đến 30/6/2022, tổng nguồn vốn của các tổ chức tín dụng đạt 35.871 tỷ đồng, tăng 7% so với cuối năm 2021. Trong đó vốn huy động từ các tổ chức kinh tế và dân cư ước đạt 28.382 tỷ đồng, tăng 9%. Tổng dư nợ toàn địa bàn đạt 31.475 tỷ đồng, tăng 7,4% so với 31/12/2021. Riêng khu vực nông nghiệp, nông thôn, vốn cho vay chiếm 55,5% tổng dư nợ; khu vực hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm trên 20% tổng dư nợ. Nợ xấu toàn tỉnh là 211 tỷ đồng, chiếm 0,7% tổng dư nợ.

Nhiều chính sách, giải pháp hỗ trợ thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội được triển khai đồng bộ, như: Cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm tháo gỡ khó khó khăn cho các khách hàng bị thiệt hại do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Đến nay, tỉnh đã thực hiện miễn, giảm 54 tỷ đồng tiền lãi của dư nợ gốc 9.922 tỷ đồng đối với 82.411 khách hàng; cơ cấu giữ nguyên nhóm nợ, thời hạn trả nợ cho 2.219 khách hàng với số tiền là 2.556 tỷ đồng; cho vay mới với lãi suất ưu đãi 5.714 tỷ đồng đối với 1.480 khách hàng. Riêng Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã thực hiện gia hạn nợ cho 72 khách hàng với số tiền 2,1 tỷ đồng. Bên cạnh đó, tỉnh đã thực hiện giải ngân được trên 5,2 tỷ đồng đối với 11 doanh nghiệp nhằm hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Thực hiện Chương trình hỗ trợ lãi suất 2%/năm trong 2 năm 2022-2023, ngành Ngân hàng đã cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có khả năng trả nợ, có khả năng phục hồi vay vốn thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại. Đồng thời, rà soát nhu cầu vay vốn trong năm 2022 và 2023 để làm căn cứ giải ngân vay vốn theo Chương trình tín dụng chính sách ưu đãi của Nghị quyết số 11/NQ-CP.

Công tác truyền thông, giáo dục tài chính cũng được đẩy mạnh. Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng và mở rộng dịch vụ tại các cửa hàng bán lẻ, đã giúp người dân tiếp cận nhiều hơn với các tiện ích ngân hàng; trang bị kiến thức, kỹ năng cho người dân khi sử dụng dịch vụ tài chính, qua đó thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, tài chính toàn diện.

Thời gian tới, giá cả hàng hoá, xăng dầu sẽ chịu tác động từ các biến động chính trị trên thế giới. Những vấn đề này sẽ tác động trực tiếp đến việc điều hành tỷ giá, lãi suất, cung tiền. Để chủ động với mọi tình huống, ngành Ngân hàng tỉnh tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường trong và ngoài nước. Tiết kiệm chi phí để có điều kiện giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp vay vốn bị ảnh hưởng do đại dịch Covid-19 gây ra. Huy động tốt mọi nguồn vốn để cho vay phục vụ phát triển kinh tế- xã hội của địa phương. Thực hiện tăng trưởng tín dụng phải đi đôi với nâng cao chất lượng. Mở rông đa dạng hơn nữa các sản phẩm, dịch vụ và tiện ích ngân hàng để đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt qua ngân hàng./.