DetailController

Nông, Lâm, Ngư Nghiệp

Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội nỗ lực thực hiện các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới

12/04/2016 00:00
Trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới (NTM), ngành Lao động - Thương binh và Xã hội tham mưu thực hiện 3 tiêu chí gồm: Tiêu chí số 10 về thu nhập với chỉ tiêu đạt thu nhập bình quân đầu người/năm so với mức bình quân chung của tỉnh 1,2 lần; tiêu chí số 11 về hộ nghèo với tỷ lệ đạt 10%; tiêu chí số 12 về cơ cấu lao động với tỷ lệ lao động trong độ tuổi làm việc trong các lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp đạt 45%.
Nghề mây tre đan giải quyết việc làm, đem lại thu nhập ổn định cho người dân trên địa bàn huyện Lương Sơn

5 năm qua, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, với sự vào cuộc của các cấp ủy Đảng, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể và người dân, đặc biệt là sự nỗ lực của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, các tiêu chí số 10, 11, 12 đã đạt được những kết quả tích cực. Thu nhập bình quân khu vực nông thôn hằng năm tăng thêm khoảng 2,5 triệu đồng/người/năm, năm 2015 ước đạt bình quân là 18,2 triệu/người/năm (tăng 1,67 lần so với năm 2011) (thu nhập bình quân chung của cả tỉnh kế hoạch năm 2015 là 28,5 triệu đồng/người/năm); đến nay có 89/191 xã đạt tiêu chí thu nhập (46%), tăng 67 xã so với 2011. Tỷ lệ hộ nghèo bình quân khu vực nông thôn mỗi năm giảm khoảng 4,79%/năm; năm 2015 ước còn khoảng là 15%, giảm 22,7% so với năm 2011 (tỷ lệ hộ nghèo chung của cả tỉnh năm 2015 ước còn khoảng 12%); đến nay đã có 81/191 xã đạt tiêu chí giảm nghèo (42%), tăng 51 xã so với 2011.

Hiện nay, tỷ lệ lao động trong độ tuổi làm việc trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp tại các xã trên địa bàn tỉnh chiếm 74%. Trong 5 năm thực hiện Đề án 1956 đào tạo nghề cho lao động nông thôn, toàn tỉnh đã đào tạo nghề cho 20.121 người lao động nông thôn với tổng kinh phí hỗ trợ cho lao động học nghề là 28,8 tỷ đồng (trong đó ngân sách Trung ương hỗ trợ là 25,06 tỷ đồng; ngân sách địa phương (tỉnh, huyện, thành phố) là 3,74 tỷ đồng); năm 2015 tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo nghề ước đạt 45% (tăng 13% so với năm 2011), đặc biệt có gần 80% số lao động qua đào tạo nghề hàng năm có việc làm ngay tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu lao động và tự tạo việc làm ngay tại địa phương. Kết quả, đến nay có 188/191 xã đạt tiêu chí cơ cấu lao động (98%), tăng 179 xã so với năm 2011.

Có thể khẳng định, sau 5 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đã làm thay đổi bộ mặt nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn toàn tỉnh. Tuy nhiên, xây dựng NTM ở tỉnh còn những khó khăn, hạn chế như: Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn còn chậm; đời sống nhân dân ở các vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc ít người còn thấp; kết cấu hạ tầng kinh tế còn nhiều khó khăn; năng lực cán bộ xã còn nhều hạn chế... Những tồn tại này đã ảnh hưởng rất lớn đến việc hoàn thành các tiêu chí NTM, đặc biệt là các tiêu chí về việc làm, thu nhập và giảm nghèo.

Giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh Hòa Bình phấn đấu thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đến năm 2020 đạt trên 35 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo trong nông thôn còn dưới 10%; tỷ lệ lao động nông thôn được đào tạo nghề đạt trên 60%. Để đạt được mục tiêu trên, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng nâng cao nhận thức về chủ trương xây dựng NTM tới từng người dân, từng cán bộ quản lý. Phát triển và đa dạng hóa các loại hình tổ chức sản xuất - kinh doanh tạo việc làm cho lao động ở nông thôn thông qua phát triển kinh tế hộ gia đình, kinh tế tập thể, nòng cốt là tổ hợp tác, hợp tác xã. Thực hiện xã hội hoá dạy nghề, đẩy mạnh dạy nghề cho người lao động ở nông thôn. Hỗ trợ làm tăng năng lực cho người nghèo, người cận nghèo phát triển sản xuất. Tăng cường các giải pháp nâng cao chất lượng nguồn lao động ở nông thôn./.