DetailController

Giáo dục

Ngành Giáo dục và Đào tạo thực hiện hiệu quả chính sách về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập

16/01/2024 16:30
Trong những năm qua, trên cơ sở các quy định về giao quyền tự chủ, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã chủ động sắp xếp lại bộ máy, điều hành ngân sách, khuyến khích và tạo động lực cho cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên và người lao động hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Hiện nay, công tác quản lý, sử dụng biên chế trong các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở GD&ĐT thực hiện theo đúng quy định về quản lý, sử dụng biên chế, số lượng người làm việc giao hằng năm không vượt quá chỉ tiêu được UBND tỉnh giao. Bên cạnh đó, căn cứ văn bản quy định của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, đến nay ngành GD&ĐT đã cơ bản hoàn thành việc phê duyệt vị trí việc làm của các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh làm căn cứ tuyển dụng và tiếp nhận, điều động. Trong quá trình thực hiện kế hoạch biên chế đã chủ động bám sát tình hình thực tế tại các cơ quan, đơn vị để có sự điều chỉnh kịp thời, đảm bảo hoàn thành khối lượng công việc tại các cơ quan, đơn vị.

Số lượng đơn vị sự nghiệp công lập tính đến hết ngày 31/12/2023 là 50 đơn vị, giảm 4 đơn vị so với năm 2015, giảm 2 đơn vị so với năm 2017. Việc cơ cấu, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lâp thực hiện theo đúng quy định. Các đơn vị được sắp xếp, tổ chức lại đi vào hoạt động giúp tinh giản bộ máy, giảm đầu mối; bảo đảm quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Trong giai đoạn từ năm 2015 đến năm 2023, Sở GD&ĐT đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo việc quán triệt và triển khai thực hiện chính sách tinh giản biên chế theo quy định. Việc thực hiện chính sách tinh giản biên chế thực hiện tinh giản biên chế bảo đảm đúng nguyên tắc và trình tự các bước thực hiện. Đồng thời có sự đồng thuận trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của từng cơ quan, đơn vị nên kết quả thực hiện cơ bản đạt yêu cầu kế hoạch đề ra. Kết quả sau 8 năm, đã giảm được 234 biên chế viên chức sự nghiệp, trong đó đối tượng nghỉ theo chính sách tinh giản biên chế của Chính phủ là 67 người.

Việc phân loại viên chức theo vị trí việc làm và sắp xếp, bố trí lại cơ cấu viên chức theo hướng vị trí chuyên môn, nghiệp vụ bảo đảm chiếm tỉ lệ ít nhất 65%. Hằng năm, Sở GD&ĐT đã xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn đối với viên chức các đơn vị, trường học thuộc. Kết quả giai đoạn từ năm 2015 - 2023, ngành Giáo dục và Đào tạo đã cử tham gia đào tạo nâng chuẩn trình độ là 2.069 người, nâng cao trình độ trên chuẩn là 161 người; có 102.176 lượt cán bộ quản lý, viên chức được tham gia các lớp bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ.

Việc huy động tài trợ đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học được các tổ chức, cá nhân ủng hộ, tham gia tăng cả về số lượng và kinh phí. Cụ thể năm 2023, toàn tỉnh đã tiếp nhận từ các tổ chức, cá nhân hỗ trợ đầu tư xây dựng lớp học, nhà bếp Trường Mầm non xã Quý Hoà (Lạc Sơn) khoảng 500 triệu đồng; bổ sung cơ sở vật chất, phòng học cho Chi xóm Chẹ Trường Mầm non Ân Nghĩa (Lạc Sơn) với kinh phí khoảng 700 triệu đồng; Ngân hàng AGRIBANK Việt Nam tặng 4.000 triệu đồng xây dựng cơ sở vật chất cho Trường TH&THCS Yên Hoà (Đà Bắc); Trường TH&THCS Dũng Phong được các đơn vị được tài trợ tặng 10 máy tính, kinh phí khoảng 120 triệu đồng....Về tài trợ trang thiết bị Công ty cổ phần R&H Power tặng 100 máy tính, trị giá khoảng 1.300 triệu đồng; Tập đoàn VinHolding tặng 2.000 cái balo cho học sinh Tiểu học. Chi nhánh Viettel Hòa Bình triển khai chương trình tặng học bổng “Vì em hiếu học” năm học 2023-2024 tặng 710 xuất học bổng trị giá 1.420 triệu đồng. Tập đoàn FPT đã có đề xuất thực hiện dự án tổ hợp giáo dục tại thành phố Hoà Bình, với quy mô đầu tư trên 8,4ha. Tổ chức Gravity Water tại Hoa Kỳ cam kết khoản ngân sách viện trợ không hoàn lại để triển khai dự án lắp đặt hệ thống lọc nước cho các trường học tại tỉnh Hoà Bình, được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 153/QĐ-UBND ngày 06/02/2023 với tổng kinh phí 13.294 triệu đồng…

Như vậy, Sở GD&ĐT đã thực hiện tốt công tác sắp xếp, tổ chức lại đơn vị sự nghiệp công lậpgiai đoạn 2018-2023 đúng theo hướng dẫn của UBND tỉnh và cơ quan có thẩm quyền. Luôn đổi mới phương thức quản lý, nâng cao năng lực quản trị của đơn vị sự nghiệp công lập đáp ứng các yêu cầu về đảm bảo tính chặt chẽ, hiệu quả. Đội ngũ cán bộ quản lý được quan tâm, được tập huấn nâng cao năng lực quản trị, học tập kinh nghiệm. Sở đã chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị sự nghiệp công lập nâng cao chất lượng quản trị tài chính, tài sản công; ban hành quy chế quản lý tài chính, tài sản công; quy chế chi tiêu nội bộ, hoàn thiện chế độ kế toán, thực hiện chế độ kiểm toán, giám sát, bảo đảm công khai, minh bạch hoạt động tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai còn tồ tại một số hạn chế. Chỉ tiêu giảm 10% biên chế cho tất cả các đơn vị sự nghiệp của ngành giáo dục và đào tạo là chưa hợp lý, do quy mô dân số tăng, số học sinh tăng, số lớp học tăng, mặt khác đội ngũ viên chức là giáo viên cơ bản đáp ứng về trình độ chuyên môn. Việc thực hiện tinh giản biên chế đang còn bất cập, hiện mới đang dừng ở việc cắt giảm cơ học về số lượng biên chế; chất lượng công việc của một số viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập chưa đáp ứng được yêu cầu, đặc biệt là yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo Nguồn thu sự nghiệp để tính tự chủ là nguồn thu học phí, mức thu học phí thấp, do vậy rất khó khăn trong việc giao tăng mức tự chủ.

Để hoàn thiện cơ chế tài chính, thực hiện cơ chế tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, trong quá trình tham mưu cho UBND tỉnh tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về cơ chế hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập. Đổi mới phương thức đầu tư ngân sách nhà nước theo hướng thực hiện phương thức đấu thầu, đặt hàng, giao nhiệm vụ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công dựa trên chất lượng dịch vụ đơn vị cung cấp mà không phân biệt cơ sở công lập, ngoài công lập. Xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật về cơ chế hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập đối với các cơ sở giáo dục; hoàn thiện quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập và trường học ngoài công lập. Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành trong cả hệ thống chính trị và tạo sự đồng thuận của nhân dân về chủ trương đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính và tổ chức lại hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập. Rà soát, hoàn thiện quy hoạch mạng lưới phát triển các cơ sở giáo dục công lập và ngoài công lập. Xây dựng và hoàn thiện tiêu chuẩn chức danh công chức, viên chức, lao động trong đơn vị, trường học. Đẩy mạnh chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp công tự đảm bảo kinh phí hoạt động sang hình thức công ty cổ phần hoặc hạch toán như doanh nghiệp. Khuyến khích thành lập các tổ chức cung ứng dịch vụ công thuộc các thành phần ngoài nhà nước tham gia cung ứng và tiêu dùng dịch vụ công trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi và hoàn thiện cơ chế quản lý, phân bổ tài chính để phù hợp với nội dung giao quyền tự chủ về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, nhân sự và tài chính tại các vùng thuận lợi./.