Đưa chúng tôi đi thăm quan các gian hàng của từng khối lớp, cô giáo Nguyễn Thị Thúy Hằng, Hiệu trưởng trường TH Lạc Thịnh phấn khởi cho biết: Nhà trường có 20 lớp với 520 học sinh. Bên cạnh thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, nhà trường đặc biệt quan tâm đến vấn đề giáo dục kỹ năng sống giúp học sinh phát triển một cách toàn diện. Do đó, nhân dịp 8/3 năm nay, nhà trường đã tổ chức hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Đây là cơ hội giúp học sinh thể hiện năng lực bản thân, năng khiếu, óc sáng tạo, tăng cường tinh thần đoàn kết và giúp cô, trò thân thiết, gần gũi nhau hơn. Nhà trường và gia đình cũng có cơ hội gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ hơn. Hoạt động diễn ra thành công giúp các em có thêm tự tin, cởi mở, thêm yêu và gắn bó với các thầy, cô giáo, mái trường; phụ huynh tin tưởng khi gửi gắm con em học tập tại trường.
Cùng với trường TH Lạc Thịnh, một số trường trên địa bàn huyện Yên Thủy như TH&THCS Đoàn Kết, TH Yên Lạc, THCS thị trấn Hàng Trạm, TH A Ngọc Lương, TH&THCS Lạc Sỹ... cũng tích cực tổ chức hoạt động trải nghiệm sáng tạo cho học sinh. Các hoạt động thường được tổ chức như giao lưu văn nghệ, bán hàng là đồ tự làm hoặc sản phẩm của gia đình, thi trò chơi... Kinh phí thu được từ hoạt động này sẽ sử dụng để trang trí lớp, tổ chức hoạt động ngoại khóa hoặc hỗ trợ học sinh nghèo vượt khó. Tùy theo điều kiện thực tế nhưng trung bình mỗi năm học, các nhà trường tổ chức từ 2 - 4 buổi trải nghiệm sáng tạo quy mô toàn trường.
Đặc biệt, một số trường tiếp tục duy trì hoạt động thi "Rung chuông vàng” như THCS Yên Trị, THCS Lạc Lương... tạo sân chơi tri thức, trí tuệ hấp dẫn học sinh. Thông thường mỗi tháng, các nhà trường tổ chức cho học sinh của 1 khối thi với chủ đề, phạm vi kiến thức phù hợp, khuyến khích học sinh tìm tòi, học hỏi, nghiên cứu.
Ngoài ra, một hoạt động giáo dục kỹ năng sống hiệu quả đã được các nhà trường trên địa bàn huyện Yên Thủy tổ chức thực hiện thành công nhiều năm qua đó là truyền thông theo chuyên đề. Hoạt động này thường được tổ chức 1 tháng/lần theo hình thức ngoại khóa. Điều đáng nói là bắt kịp với thực tế cuộc sống, các nhà trường đã lựa chọn nhiều chủ đề "nóng” để truyền thông. Cụ thể như trường THCS Lạc Lương tổ chức truyền thông về chủ đề sử dụng mạng xã hội, vấn đề bạo lực học đường; trường TH&THCS Lạc Sỹ truyền thông về vấn đề giáo dục giới tính; trường THCS Yên Trị truyền thông về việc "Xây dựng nhà trường không có thuốc lá”... Một số chủ đề cũng được các nhà trường quan tâm như định hướng nghề nghiệp, bảo vệ môi trường...
Đánh giá về công tác giáo dục kỹ năng sống của các nhà trường trên địa bàn huyện, đồng chí Bùi Huy Trọng, Phó trưởng phòng GD&ĐT huyện Yên Thủy cho biết: Nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề giáo dục kỹ năng sống nên những năm gần đây, các nhà trường đã tìm tòi, học hỏi để tổ chức hoạt động cho phù hợp, thiết thực. Hiệu quả của những nỗ lực giáo dục kỹ năng sống cho học sinh đã được thể hiện qua việc tình trạng bạo lực học đường trên địa bàn huyện giảm rõ rệt, rất ít có chuyện học sinh đánh nhau. Các em mạnh dạn, tự tin hơn trong giao tiếp, xử lý tình huống phát sinh tốt hơn, kiến thức xã hội được nâng lên. Học sinh hiểu hơn về vấn đề sức khỏe giới tính, nhất là học sinh nữ, qua đó tránh được những tình huống đáng tiếc xảy ra. Để nhân rộng những mô hình, cách làm hay về giáo dục kỹ năng sống, phòng GD&ĐT đã khuyến khích và hướng dẫn các nhà trường tổ chức hoạt động điểm, mời cán bộ quản lý, cán bộ tổng phụ trách đến tham dự để học tập, rút kinh nghiệm. Ngoài ra, chúng tôi hết sức quan tâm, nhắc nhở đội ngũ cán bộ, giáo viên không ngừng tìm tòi, học tập, nghiên cứu kiến thức, kinh nghiệm sống, phương pháp xử lý tình huống, nhất là các vấn đề xã hội hiện nay để có thể giúp đỡ, tư vấn, hướng dẫn cho học sinh.
|