Trường TH xã Tòng Đậu (Mai Châu) nằm ở địa bàn miền núi địa hình chia cắt với 3 điểm trường. Điều kiện kinh tế của không ít gia đình còn khó khăn nhưng hơn 10 năm qua, trường không có học sinh bỏ học và 5 năm lại đây không có học sinh ngồi nhầm lớp.
Năm học 2011 – 2012 đang đến gần, trong khi một số trường vẫn đang lo lắng về vấn đề trên thầy và trò nhà trường đã sẵn sàng, vững tin bước vào năm học mới. Hiệu trưởng Nguyễn Thị Là phấn khởi đưa ra những con số để minh chứng cho kết quả đạt được: Năm học 2009 – 2010, trường có 167 học sinh. Sĩ số này được duy trì đến cuối năm học. Tỷ lệ huy động trẻ ra lớp 1 đúng độ tuổi, chuyển lớp và hoàn thành chương trình tiểu học đều đạt 100%. Chất lượng giáo dục toàn diện được đảm bảo, chất lượng mũi nhọn được nâng cao. Trường có 4 em đạt học sinh giỏi cấp tỉnh, 51 học sinh giỏi cấp trường, 58 học sinh tiên tiến, không có học sinh ngồi nhầm lớp.
Là địa bàn không mấy thuận lợi nhưng vì sao nhà trường đã duy trì, củng cố và không ngừng nâng cao chất lượng dạy và học? Theo hiệu trưởng Nguyễn Thị Là, quan trọng phải tuyên truyền để phụ huynh hiểu được vai trò của việc học tập, nhất là ở bậc tiểu học. Đây là bậc học quan trọng tạo nền tảng cho các bậc học tiếp theo. Học sinh ngồi nhầm lớp thường sinh ra chán nản rồi bỏ học, ngoài ra còn vì các lý do như đường xa đi lại vất vả, nhà nghèo. Bài học từ khi thực hiện CVĐ “hai không” đã lộ diện nhiều học sinh yếu vẫn được lên lớp. Như vậy, học sinh bị rỗng kiến thức, điều này gây tai hại càng lớn khi càng học lên cao. Do dó, nhà trường đã triển khai nghiêm túc CVĐ đến giáo viên, học sinh và tuyên truyền thay đổi nhận thức của cả phụ huynh. Ngay từ đầu năm học, trường đã tập huấn cách đánh giá học sinh theo Thông tư 32 của Bộ GD&ĐT. Từ khâu coi đến chấm thi được thực hiện nghiêm túc, có giáo viên trường THCS cùng kiểm tra, giám sát. Dựa vào kết quả kiểm tra chất lượng đầu năm, trường xây dựng kế hoạch bồi dưỡng, giao số lượng, chỉ tiêu cụ thể cho từng tổ chuyên môn, khối lớp và từng giáo viên. Trên cơ sở đó phân nhóm, xem học sinh yếu ở môn nào để xác định phương pháp dạy phù hợp cho từng đối tượng với những hình thức phong phú như: trong giờ học, sau giờ học, vào ngày nghỉ, tại lớp, tại nhà. Tất cả giáo viên trực tiếp giảng dạy phải gắn trách nhiệm với chất lượng học sinh. Trường duy trì kiểm tra thường xuyên, dự giờ, rút kinh nghiệm. Giáo viên tham gia đầy đủ các lớp bồi dưỡng kiến thức, đổi mới phương pháp giảng dạy để khuyến khích sự hứng thú của học sinh. Tổ chức dạy 2 buổi/ngày, ra đề với độ khó, dễ phù hợp để không gây áp lực cho cho sinh. Đồng thời, phát động phong trào dạy học bằng tâm huyết của người thầy, bằng tình cảm, lòng yêu thương con trẻ.
Đối với học sinh nghèo nguy cơ có thể bỏ học, giáo viên chủ nhiệm nắm bắt diễn biến hoàn cảnh để nhà trường, xã có biện pháp giúp đỡ như: trợ giúp học phí, gạo ăn, tiền mua sách giáo khoa hoặc các khoản đóng góp khác. Phối hợp với các hội, đoàn thể như Đoàn thanh niên, phụ nữ, đặc biệt là các trưởng xóm để vận động gia đình cho con đi học. Gia đình viết cam kết với nhà trường động viên con em không bỏ học. Ngoài ra, Đoàn Thanh niên còn tổ chức mô hình “tiếng trống học đêm” để nhắc nhở các em ngồi vào bàn học khi có hiệu lệnh trống được gióng lên. Năm học 2010 – 2011, 6/6 xóm trong xã thực hiện tốt mô hình này. Nhà trường cũng đã phát động phong trào “lá lành đùm lá rách” được trên 12 triệu đồng; tổ chức tiết học toàn cầu ủng hộ học sinh nữ thiệt thòi đạt trên 1 triệu đồng; tham mưu với các cấp tặng quà, tiền học bổng cho học sinh nghèo vượt khó gần 2 triệu đồng. Nhân dịp ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6, trường đã tặng 17 suất quà, mỗi suất trị giá 70.000 đồng cho các học sinh có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập. Bên cạnh đó, trường chú trọng thực hiện xã hội hóa giáo dục, xây dựng trường học thân thiện, cảnh quan sạch, đẹp để các em yêu mến ngôi trường và mỗi ngày đến trường là một ngày vui.
Nhờ có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và xã hội, trường TH Tòng Đậu đã xây dựng được một nền tảng vững chắc để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Nhà trường đã đạt chuẩn quốc gia mức độ I.