DetailController

Văn hóa

Nét đẹp trong văn hoá ẩm thực của người Thái Tây Bắc

14/12/2011 00:00
Nói đến người Thái Tây Bắc phải nói tới huyền thoại hoa ban, những điệu xòe nồng say, những điệu khắp trữ tình và thiên truyện thơ “Tiễn dặn người yêu” nổi tiếng. Song không chỉ có thể, người Thái Tây Bắc còn có một phong tục tập quán độc đáo và ngay trong văn hóa ẩm thực đã có một phong cách rất tinh tế, giàu tính nhân văn. Các món ăn của người Thái Tây Bắc vừa giản dị, dân dã, vừa chứa đựng bao điều sâu xa. Đất - trời, lửa - nước, âm - dương, ngũ hành và triết lý nhân sinh sâu sắc.

 Người Thái dạy con cháu “không xòe không tốt lúa, không xòe thóc cạn bồ”. Những hạt gạo thơm ngon nổi tiếng khắp cả nước có được nhờ bàn tay lao động của các mẹ, các chị trên những cánh đồng Mường Than, Mường Tắc... hóa thân thành những món ăn thơm ngon độc đáo.

Đó là “xôi nếp ngũ sắc”, để có món xôi tuyệt vời này phải dùng đến gạo nếp ngon ngâm với lá cây truyền thống để có các màu: đỏ, đen, xanh, vàng, trắng nguyên thủy của gạo. Bà con người Thái có thể xôi riêng từng chõ hoặc dùng lá dong, lá chuối ngăn gạo các màu xôi cho không lẫn rồi ghép 5 màu trên một đĩa. Đĩa xôi như đất trời Tây Bắc thu nhỏ, ngào ngạt hương hoa như hoa ban huyền thoại. Các màu nóng - lạnh tượng trưng cho âm - dương. Mỗi màu mang một ý nghĩa riêng: màu đen của đất đai trù phú; màu vàng của ước mong no ấm, phồn thịnh; màu đỏ tượng trưng cho ước mơ, khát vọng; màu xanh tượng trưng cho bầu trời lồng lộng và màu trắng của tình yêu chung thủy. Một đĩa xôi nhỏ bé mà chứa đựng cả tình người sâu nặng.

Rêu đá tiếng Thái là “cay húc”, đây là loại rêu xanh mướt bám ở các tảng đá nơi lòng suối, khác với “cay hin” là loại rêu ngắn nổi lập lờ trên mặt nước. Rêu đá có thể xôi, xào, gói lá dong để nướng hoặc nấu canh đều rất bùi, thơm, ngọt, mát, dư vị lưu luyến mãi không tan. Khắp vùng Tây Bắc từ Hòa Bình đi Sơn La, Lai Châu, Nghĩa Lộ… đều có những giai thoại về những đôi trai tài, gái sắc yêu nhau tha thiết, bị cường quyền và những hủ tục lạc hậu ngăn cản, không lấy được nhau, họ hóa thân thành dòng suối, làn rêu… Ngày xuân, ngày cưới, mỗi người thưởng thức món rêu đá thấm đượm khát vọng được sống, được yêu của người xưa mà cảm thông, ý thức hơn, trân trọng, nâng niu và giữ gìn hạnh phúc.

Với người Thái Tây Bắc, hoa ban tượng trưng cho lòng kính trọng, hiếu thảo với cha mẹ, tượng trưng cho tình yêu trong trắng, thủy chung. Khắp Tây Bắc có biết bao giai thoại về cây hoa ban. Không biết có phải do sức sống diệu kỳ của cây hoa ban hay ước mơ cháy bỏng về tình yêu của các thế hệ người Thái nuôi dưỡng mà cây hoa ban xanh tốt trên cả nơi đất cằn sỏi đá. Mỗi độ xuân về, hoa ban lại nở trắng đất trời Tây Bắc. Hoa ban dù xôi, xào hay nấu vẫn nguyên vẹn sắc trắng và tỏa hương thơm dịu. Tận hưởng cả hồn vía của hoa mà lòng người cứ rưng rưng một nỗi niềm để rồi biết quý trọng những gì đã có mà phấn đấu.

Món ăn chế cùng hoa ban còn có măng đắng ngâm chua. Người Thái Tây Bắc lấy măng vầu thái mỏng rồi ngâm vào nước hoa ban thì bớt đắng và trở nên ngon lạ. Các vị chua chua, ngăm ngăm đắng với dư vị ngọt ngào khiến người ta cứ phải suy ngẫm mãi về cuộc đời, về tình yêu, về nhân tình - thế thái, có thành công nào, có hạnh phúc nào không đổi bằng bao nỗ lực vượt qua gian khó, có cả những lúc đắng cay, đau khổ và cuộc sống của chính mình.

Nói đến nét đẹp trong văn hóa ẩm thực của người Thái Tây Bắc không thể không nhắc đến cách uống rượu. Khi uống rượu tiếp khách, bao giờ chủ nhà cũng đặt ở đầu mâm 2 chén con (chén nóng) khi chủ và khách nâng chén đầu, trước khi uống đều rót vào chén nóng và rót xuống sàn chút rượu từ chén của mình để cho ma nhà và ma theo khách đến cùng hưởng rồi chủ, khách “khắp mơi lẩu”, tức là hát mời rượu. Lời hát thường là hỏi thăm và chúc mừng điều tốt lành, chén rượu thành chén tình, chén nghĩa.

C ác món ăn của người Thái Tây Bắc dù là xôi nếp ngũ hành, bánh ống, rêu đá, hoa ban, cho đến cách thức uống rượu… đều góp phần tạo nên một nét văn hóa, phong cách đậm đà bản sắc dân tộc, gửi gắm vào trong đó bao quan niệm, suy ngẫm, ước mơ của bao thế hệ luôn phải đấu tranh với thiên nhiên khắc nghiệt để có một cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Được bàn tay tài hoa vốn khéo léo của các mẹ, các chị thổi hồn, những món ăn bình dị bỗng hóa tâm hồn, dâng đời hương sắc.