Tại xã Phong Phú, huyện Tân Lạc - trung tâm của vùng đất cổ Mường Bi, theo chân thầy mo Bùi Văn Xiên đi làm lễ mo thanh minh cho người dân tại xóm Sơn Phú chúng tôi mới thật sự hiểu vì sao lễ thanh minh đầu năm lại có sức sống mãnh liệt và trường tồn lâu đến vậy.
"Hết năm cũ, sang năm mới. Hôm nay thanh minh tảo mộ, để lạy ông Chiểng chạ, tạ ông thần linh… Hôm nay sắm cỗ cơm, trầu cau, tiền, vải. Có gà, có cá, có quần, có áo, có bó củi, bó lá… mời ông thần linh, Chiểng chạ, tổ tiên ở bãi về nhận lễ để phù hộ độ trì…” - Thầy mo Xiên vừa khấn, vừa phe phẩy chiếc quạt như để xua đuổi đi những xui xẻo của năm cũ cho gia đình gia chủ.
Thầy mo Xiên chia sẻ: "Theo mỗi vùng Mường, lễ thanh minh lại được tiến hành khác nhau, nếu như người Mường ở Kim Bôi chỉ bày biện lễ cúng ở nhà, mời thầy mo đến làm lễ thì ở Tân Lạc lại thường mang lễ ra đồng, sau đó con cháu mới về nhà thụ lộc".
Theo nhiều cao niên trong những làng Mường kể lại, lễ hanh minh không biết có từ bao giờ, chỉ biết rằng mỗi sau ăn xong Tết Nguyên đán, cấy đầy lúa vào những mảnh ruộng, người Mường sẽ tổ chức lễ thanh minh. Lễ thanh minh của người Mường khác với tiết thanh minh 3.3 âm lịch. Lễ này không quy định vào một ngày, tháng cụ thể, mà mỗi nhà sẽ tự lựa chọn một ngày phù hợp để sắm lễ, mời thầy về cúng và mời họ hàng, thông gia, anh em, bạn bè thân thiết đến cùng thụ lộc.
Nhà nghiên cứu Văn hóa dân gian Bùi Huy Vọng - xã Hương Nhượng, huyện Lạc Sơn cho biết: "Trước đây, lễ thanh minh thường được bày biện khá tốn kém và nặng nề về mặt sính lễ. Theo yêu cầu của thầy mo, nhiều gia đình phải chuẩn bị tới hơn chục mâm lễ to, nhỏ. Trong đó, mâm to dành để mời Thành hoàng bản thổ, mời thổ công thổ địa, Thánh thư… là những vị thần lớn ở Mường Trời. Bên cạnh những mâm cỗ có thủ, vai, thịt, lòng lợn, xôi, gà, chè, oản, rượu xả, gạo, muối, đồ vàng mã thì thứ không thể thiếu là một con vịt. Theo quan niệm của người Mường Hòa Bình, con vịt là loài vừa biết bay, vừa biết bơi, sẽ là phương tiện đưa các vị thần về trần gian để đến nhà gia chủ chứng kiến lễ và ngược lại".
Điều đặc biệt trong mâm cỗ cúng thanh minh, dù gia đình sang trọng hay nghèo khó, vẫn không thể không chuẩn bị một mâm cúng "cộng đồng" đặt ngay gần cửa chính. Theo quan niệm, đó là mâm cỗ dành cho những con ma đói, theo lời mời gọi của thầy mo tụ về đánh chén một bữa no nê. Sau đó sẽ không quay trở lại để quấy nhiễu gia chủ.
Anh Bùi Hải Đăng (xã Kim Bôi, huyện Kim Bôi) cho biết: "Trải qua thời gian và đơn giản hóa theo nếp sống mới, lễ cúng ngày nay đôi khi chỉ cần 3 - 5 mâm cỗ dâng các vị thánh thần và tổ tiên. Đồng thời có một mâm cộng đồng cúng chúng sinh cùng ít vàng mã, hình nhân theo phong tục mỗi vùng Mường. Sau phần lễ khấn, thầy mo hoặc người giúp việc sẽ đứng dậy vẩy nước mát khắp nhà cùng đồ vật”. Ngày nay, bên cạnh ý nghĩa giải hạn, cầu cho một năm may mắn, bình an thì lễ thanh minh đầu năm của người Mường còn là dịp anh em, con cháu về tề tựu đông đủ, cùng quây quần thụ lộc"./.