
Hàng năm, tỉnh đều thực hiện các hội nghị, lớp tập huấn cho nông dân về phòng trừ sâu bệnh và sử dụng an toàn thuốc BVTV tại các vùng sản xuất trồng trọt trọng điểm. Từ đó nâng cao ý thức của nông dân, người lao động sản xuất trong sử dụng thuốc BVTV an toàn, sử dụng nước tiết kiệm….Nhằm đẩy mạnh ứng dụng các biện pháp kỹ thuật để quản lý dịch hại bền vững, giảm thiểu sử dụng thuốc BVTV, đã xây dựng, triển khai trên 600 mô hình (quy mô từ 0,5 - 20ha/mô hình) áp dụng kỹ thuật IPM trên các loại cây trồng chính (cây ăn quả có múi, mía, rau, lúa, ngô...); đến nay, diện tích ứng dụng IPM toàn phần chiếm 20% tổng diện tích gieo trồng, 80% diện tích ứng dụng IPM một phần. Diện tích canh tác đạt an toàn thực phẩm) VietGAP, hữu cơ tăng dần qua các năm, hiện có hơn 2.530 ha cây ăn quả có múi, cây rau được chứng nhận. Thực hiện Thông tư liên tịch 05/2016 của Bộ NN&PTNT về hướng dẫn thu gom, vận chuyển, xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng, hiện toàn tỉnh có 1.537 bể chứa bao gói thuốc bảo vệ thực vật; được lắp đặt ở các khu vực sản xuất trồng trọt tập trung, gần trục giao thông nội đồng thuận tiện cho sử dụng; lượng thu gom vào bể chứa khoảng 15% tổng lượng bao gói thuốc BVTV toàn tỉnh, số còn lại hầu hết được người sản xuất tự đốt tiêu hủy. Cùng với công tác BVMT trong sản xuất trồng trọt, để đảm bảo các loài sinh vật ngoại lai không gây tác động xấu đến môi trường và đa dạng sinh học, đồng thời ngăn ngừa và kiểm soát các loài ngoại lai xâm hại, cơ quan chuyên môn đã rà soát, đánh giá và xác định được 7 loài trên địa bàn tỉnh giúp các địa phương chủ động, kịp thời xử lý, thực hiện các biện pháp kiểm soát, diệt trừ.
Bên cạnh đó, việc bảo vệ và phát triển rừng cũng đặc biệt được quan tâm. Hàng năm đều hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch trồng rừng của UBND tỉnh giao; từ năm 2016 đến 2020 đã trồng 34.526 ha rừng tập trung và 1.590 triệu cây phân tán. Hàng năm thực hiện trồng mới từ 6.000 - 7.000 ha; bảo vệ tốt 141.614,03 ha rừng tự nhiên hiện có, Thực hiện nghiêm chủ trương đóng cửa rừng tự nhiên; bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ cảnh quan, môi trường sinh thái, từ đó giữ ổn định độ che phủ rừng của tỉnh đạt trên 51%.
Công tác giữ gìn vệ sinh trong chăn nuôi được chú trọng. Hàng năm tổ chức triển khai thực hiện “Tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường chăn nuôi” và phun khử trùng tiêu độc trên phạm vi toàn tỉnh định kỳ 4 đợt/năm. Định kỳ kiểm tra vệ sinh thú y đối với các cơ sở chăn nuôi tập trung và hộ kinh doanh chế biến thực phẩm gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh, kiểm tra cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh thú y cho các trang trại chăn nuôi trên địa bàn. Qua đánh giá ban đầu cho thấy hầu hết các trại chăn nuôi đều đã đầu tư xây dựng, lắp đặt các công trình xử lý chất thải chăn nuôi theo báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc bản cam kết BVMT đã được phê duyệt, xác nhận; bố trí một cán bộ phụ trách công tác BVMT tại trại; công tác thu gom và xử lý chất thải rắn nguy hại từ các cơ sở, doanh nghiệp chăn nuôi được thu gom xử lý đúng theo quy định, các cơ sở đều có kho chứa chất thải nguy hại và có hợp đồng với các đơn vị thu gom xử lý.
Để giữ gìn môi trường nước, đặc biệt là vùng hồ thủy điện Hòa Bình trong bối cảnh phong trào nuôi cá lồng đang phát triển mạnh. Tỉnh tuyên truyền giữ gìn vệ sinh lòng hồ, vùng nuôi trồng thủy sản. Do đó đã có nhiều cơ sở nuôi quy mô lớn đã áp dụng công nghệ nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP, sử dụng thức ăn, chế phẩm sinh học được phép theo quy định, đảm bảo an toàn thực phẩm, có đánh giá tác động môi trường cụ thể (hiện có 35 doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác, trang trại hộ gia đình đầu tư nuôi thâm canh với quy mô lớn; chiếm 60% tổng số lồng nuôi và chiếm 70% tổng sản lượng thủy sản toàn tỉnh). Cơ quan chuyên môn thực hiện kiểm định thường xuyên, chưa phát hiện ô nhiễm nguồn nước cũng như vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm.
Bên cạnh đó, hàng năm tỉnh đều phát động các phong trào bảo vệ môi trường như: Phát động phong trào “Hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia Nước sạch và vệ sinh môi trường”, “Ngày Trái đất”, “Ngày môi trường thế giới 5 tháng 6 hàng năm”... Phối hợp hướng dẫn các địa phương vận động nhân dân thực hiện vệ sinh đường làng, ngõ xóm, vận động các hộ gia đình cải tạo vườn, chỉnh trang hàng rào, cổng ngõ. Tổ chức tập huấn, tuyên truyền cho nhân dân nâng cao nhận thức về môi trường, phổ biến pháp luật về bảo vệ môi trường. Duy trì, cập nhật thường xuyên tin bài về xây dựng nông thôn mới, bảo vệ môi trường trên website của ngành; đăng tải các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện xây dựng nông thôn mới của Trung ương và của tỉnh, đồng thời, lồng ghép với nội dung tập huấn công tác bảo vệ môi trường tại các địa phương và doanh nghiệp. Đến nay, đã có 71/131 xã đạt tiêu chí về môi trường, đạt 54,2%./.