DetailController

Sức khỏe - Đời sống

Nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc

08/12/2014 00:00
Thời gian qua, công tác dân tộc luôn được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối kết hợp giữa các sở, ban, ngành trên địa bàn tỉnh. Việc triển khai các chương trình, dự án về với đồng bào dân tộc đã góp phần nâng cao đời sống, vật chất, tinh thần của đồng bào ở các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn, giảm khoảng cách phát triển giữa các dân tộc. Đến nay, trên địa bàn tỉnh không còn hộ đói, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn các xã 135 còn khoảng 33%.
Mô hình trồng quýt bản địa đã và đang giúp người dân xã Nam Sơn huyện Tân Lạc từng bước xóa nghèo và vươn lên làm giàu

Tỉnh, Hòa Bình là nơi sinh sống của trên 83 vạn người với 32 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó các dân tộc thiểu số chiếm 73%; có 6 dân tộc chính là Mường, Kinh, Thái, Tày, Dao, Mông. Để thúc đẩy đồng bào dân tộc phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao đời sống, vật chất và tinh thần, thời gian qua tỉnh đã thực hiện tốt các chương trình 135; hỗ trợ đất sản xuất, đất ở và nước sinh hoạt; định canh định cư; hỗ trợ trực tiếp; vay vốn phát triển sản xuất...cho nhân dân vùng dân tộc. Theo đó, trong thời gian từ năm 2009 đến 2014 bằng nguồn vốn của chương trình 135 và chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững với số tiền là 539.663 triệu đồng tỉnh ta đã đầu tư xây dựng 1.815 công trình cơ sở hạ tầng cho các xã và xóm đặc biệt khó khăn. Đầu tư hỗ trợ 113.324 triệu đồng thực hiện hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, hỗ trợ máy móc thiết bị sản xuất nông, lâm nghiệp, hỗ trợ xây dựng các mô hình sản xuất nông, lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa và thực hiện các lớp đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ xã, thôn, bản và người dân. Từ đó, đã có nhiều mô hình thực hiện thành công và tạo đà phát triển thành thế mạnh của từng địa phương như mô hình trồng quýt bản địa ở xã Nam Sơn (Tân Lạc); trồng chè Shan tuyết ở xã Pà Cò (Mai Châu): chăn nuôi lợn bản địa tại xóm Mừng xã Xuân Phong (Cao Phong); trồng ngô lai năng suất cao ở các xã vùng cao huyện Đà Bắc...Việc hỗ trợ phát triển sản xuất từ nguồn vốn của chương trình đã góp phần quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo tại các xã, thôn bản được thụ hưởng. Bên cạnh việc đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng tỉnh đã hỗ trợ 28.492 triệu đồng cho các xã để thực hiện duy tu, bảo dưỡng trên 600 công trình sau đầu tư; đồng thời huy động được sự đóng góp của người dân, nâng cao ý thức trách nhiệm trong quản lý, bảo quản và sử dụng công trình.

Ngoài ra, chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo trong giai đoạn này cũng đã được quan tâm đầu tư hỗ trợ. Trong đó, đã đầu tư xây dựng được 59 công trình nước sinh hoạt với tổng vốn là 53.113 triệu đồng góp phần từng bước khắc phục tình trạng thiếu nước sinh hoạt cho những vùng có nhiều khó khăn về nước sinh hoạt. Cũng trong giai đoạn này, với nguồn vốn 56.938 triệu đồng đã đầu tư hoàn chỉnh 3 dự án định canh định cư tập trung của tỉnh tại bản Cang xã Pà Cò (Mai Châu); xóm Mít xã Tu Lý (Đà Bắc) và xóm Mừng xã Xuân Phong (Cao Phong). Việc xây dựng các khu định canh định cư đã khắc phục tình trạng đồng bào dân tộc thiểu số sống du canh, du cư, ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế, học sinh trong độ tuổi đi học được đến trường, các hộ được hưởng các dịch vụ công, công trình phúc lợi, dựng được nhà mới, có điện, có nước sinh hoạt và giống cây trồng vật nuôi mới áp dụng tiện bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Hơn nữa, trong giai đoạn này, tỉnh đã hỗ trợ 65.798 triệu đồng cho 181.356 hộ với 744.767 người dân thuộc hộ nghèo tại vùng khó khăn về giống phục vụ sản xuất nông nghiệp, cấp không thu tiền muối i ốt, cấp giấy vở cho học sinh các xã, thôn, bản vùng 135, trợ giá chiếu bóng vùng cao. Các cấp chính quyền địa phương, các sở ban, ngành, tổ chức chính trị xã hội đã tích cực tham gia phối hợp triển khai thực hiện, đảm bảo sự công khai minh bạch, đúng đối tượng. Một số huyện như Lương Sơn, Lạc Sơn đã có những giải pháp hợp lý để cấp hỗ trợ kịp thời cho đối tượng thụ hưởng nhất là trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp; các mặt hàng hỗ trợ đời sống đã phát huy hiệu quả trong sinh hoạt của đồng bào.

Cùng với đó, trong những năm qua, người có uy tín trong đồng bào dân tộc các dân tộc thiểu số ở tỉnh đã phát huy được vai trò trong cộng đồng dân cư, trở thành lực lượng nòng cốt của các phong trào thi đua yêu nước, chung tay cùng đồng bào trong vùng xây dựng đời sống văn hóa, nhất là thực hiện tốt cuộc vận động “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, xây dựng nông thôn mới. Nhiều già làng, trưởng bản, người có uy tín tiêu biểu đi đầu trong các phong trào ở địa phương như ông Triệu Đức Long, người có uy tín ở xóm Khạ xã Tây Phong (Cao Phong), ông Bùi Văn Nưởn xóm Cút xã Ngọc Mỹ (Tân Lạc), ông Khà A Nhà ở xóm Hang Kia xã Hang Kia (Mai Châu)...Đồng thời tỉnh cũng thực hiện tốt chính sách đặc thù ưu tiên cho vay vốn hỗ trợ hộ dân tộc thiểu số nghèo và việc chuyển hình thức hỗ trợ trực tiếp sang hình thức cho vay tín dụng với hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo đã tạo bước chuyển đáng kể trong nhận thức của người dân, nâng cao ý thức tự lực, kết hợp với sự hỗ trợ của Nhà nước để phát triển sản xuất vươn lên thoát nghèo.

Đến nay, cơ sở hạ tầng vùng đặc biệt khó khăn tiếp tục được cải thiện, 100% các xã thuộc chương trình 135 đều có trường tiểu học và trung học cơ sở, điện sinh hoạt, đường ô tô đến trung tâm xã; 98,8 trẻ em trong độ tuổi được đến trường; 100% xã hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học; 66/68 xã hoàn thành phổ cập giáo dục trung học cơ sở; 100% xã có điểm bưu điện văn hóa xã; 100% xã có trạm y tế, đảm bảo thực hiện công tác vệ sinh phòng dịch, khám chữa bệnh thông thường. Đời sống văn hóa đồng bào được cải thiện, văn hóa truyền thống được bảo tồn, giữ gìn và phát triển, nhiều lễ hội, phong trào hoạt động văn hóa mới được khuyến khích. Qua đó, nhận thức và hành động của cán bộ, nhân dân đã có những chuyển biến tích cực, góp phần đẩy lùi các tệ nạn xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Mặc dù vậy, theo đánh giá hiện nay kinh tế ở vùng đồng dân tộc trên địa bàn nhìn chung còn chậm phát triển, chất lượng sản phẩm và sức cạnh tranh thấp; kết cấu hạ tầng ở địa bàn vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn còn nhiều khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số của tỉnh còn cao, kết quả giảm nghèo chưa thực sự bền vững, nguy cơ tái nghèo cao; khoảng cách chênh lệch về mức sống giữa các vùng, giữa các dân tộc ngày càng tăng; công tác chăm sóc sức khỏe cho đồng bào ở vùng sâu, vùng xa còn nhiều bất cập; hệ thống chính trị cơ sở vùng dân tộc một só nơi còn yếu; một số cán bộ cơ sở chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ công tác trong tình hình mới; việc tổ chức thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước đối với vùng dân tộc còn nhiều khó khăn do kết cấu hạ tầng và nguồn lực tài chính còn hạn chế. Nhằm khắc phục tình trạng này, thời gian tới tỉnh sẽ đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu kinh tế và xây dựng nông thôn mới; quy hoạch  à tập trung đầu tư đồng bộ hệ thống giao thông, thủy lợi phục vụ nông nghiệp; tiếp tục đầu tư tạo cơ hội cho đồng bào dân tộc chuyển đổi cơ cấu sản xuất, đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi, thúc đẩy phát triển sản xuất để tăng giá trị thu nhập; tiếp tục đào tạo nghề cho thanh niên vùng đồng bào dân tộc thiểu số...