DetailController

Văn hóa

Nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho công nhân lao động khu công nghiệp, khu chế xuất

19/05/2020 00:00
Trong những năm qua, các cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đã có nhiều hoạt động thiết thực nhằm nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho đội ngũ công nhân trong các khu công nghiệp, qua đó góp phần giúp đời sống vật chất, văn hoá tinh thần của công nhân lao động trong các khu công nghiệp từng bước được cải thiện.
phối hợp với Thành đoàn Hòa Bình tặng quà cho công nhân làm việc tại Công ty TNHH MTV Khải Hưng Hòa Bình

Toàn tỉnh hiện có 08 Khu công nghiệp, với 92 dự án đầu tư đã được cấp phép, trong đó: 24 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với vốn đăng ký là 501,9 triệu USD, 68 dự án đầu tư trong nước với vốn đăng ký 7.177 tỷ đồng; có 50 dự án đã đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho khoảng 18.445 lao động. Tính đến tháng 12/2019, tổng số công nhân lao động tại các khu công nghiệp trong tỉnh là 19.441 người, lao động là người địa phương chiếm 90%. Về trình độ học vấn, chuyên môn, nghiệp vụ: 0,62% lao động có trình độ trên đại học; 1,1% lao động có trình độ đại học; 15,7% lao động có trình độ cao đẳng; 11,7% lao động có trình độ trung cấp. Tiền lương bình quân của người lao động là 5.425.000đ/người/tháng. Trong những năm qua, doanh nghiệp tại các khu công nghiệp cơ bản thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về lao động, tình hình lao động tương đối ổn định, đời sống vật chất, tinh thần của công nhân được quan tâm. Cấp ủy, chính quyền, Mặt trận tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt các văn bản chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh liên quan đến xây dựng và nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân lao động khu công nghiệp đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người sử dụng lao động. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước với các hình thức đa dạng, phong phú phù hợp đặc điểm tình hình của doanh nghiệp. Chủ động nắm bắt, dự báo tình hình tư tưởng, định hướng dư luận xã hội trong công nhân lao động; kịp thời đấu tranh, phê phán, uốn nắn nhận thức lệch lạc, thông tin sai trái tác động đến nhận thức, tư tưởng, tình cảm của công nhân lao động; giải quyết các vướng mắc, các vụ việc phức tạp, không để hình thành điểm nóng.

Bên cạnh đó, toàn tỉnh đã tổ chức 19 lớp tuyên truyền phổ biến pháp luật lao động, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, an toàn vệ sinh lao động, giải quyết tranh chấp lao động,...cho trên 2.875 lượt công nhân lao động tham gia; tổ chức 01 cuộc đối thoại với 34 doanh nghiệp, đối thoại trực tiếp với 317 công nhân lao động về chính sách lao động; thực hiện tư vấn cho hơn 1.000 lượt người lao động về chế độ chính sách. Đã có 1.769 lượt công nhân lao động tại các khu công nghiệp được tham gia học tập, nâng cao trình độ. Ưu tiên phân bổ ngân sách Nhà nước, bố trí quỹ đất để xây dựng nhà ở, nhà trẻ mẫu giáo, cơ sở chăm sóc sức khỏe, nơi sinh hoạt văn hóa, thể thao. Hiện có 03 nhà trẻ trong các doanh nghiệp với 584 cháu; 05 doanh nghiệp hỗ trợ chi phí gửi trẻ cho công nhân lao động; 05 doanh nghiệp bố trí phòng vắt, trữ sữa cho nữ công nhân lao động, nhờ đó đã từng bước giải quyết những khó khăn của người lao động, giúp công nhân lao động yên tâm làm việc phục vụ lâu dài cho doanh nghiệp. Ngoài ra, các doanh nghiệp cơ bản thực hiện tốt các quy định của pháp luật đảm bảo các chế độ chính sách đối với người lao động như tiền lương, thưởng, các chế độ phúc lợi khác và thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước theo quy định; tổ chức bữa ăn ca cho người lao động với mức trung bình 21.125đ/người/bữa. Tích cực phối hợp với tổ chức công đoàn tổ chức các hoạt động chăm lo đời sống cho công nhân lao động như: Thăm hỏi công nhân lao động khi ốm đau, hoạn nạn; gặp gỡ, tặng quà, thưởng nhân viên xuất sắc nhân dịp các ngày lễ, tết,...

Để tiếp tục nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho công nhân lao động khu công nghiệp, khu chế xuất, trong thời gian tới các cấp, các ngành và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cần tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 52-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác nâng cao đời sống tinh thần cho công nhân lao động khu công nghiệp, khu chế xuất; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự phối hợp hành động của các cấp chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác xây dựng, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân lao động khu công nghiệp. Tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao phù hợp với điều kiện làm việc của công nhân; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong các khu công nghiệp; kịp thời ngăn chặn các sản phẩm văn hóa độc hại, thông tin sai trái tác động đến nhận thức, tư tưởng, tình cảm của công nhân lao động. Tăng cường sự hợp tác cùng có lợi giữa chủ doanh nghiệp với người lao động dưới sự lãnh đạo của Đảng. Huy động tối đa nguồn lực đầu tư công và các nguồn xã hội hóa để xây dựng hạ tầng, thiết chế văn hóa trong các khu, cụm công nghiệp; thu hút, tạo điều kiện để các doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân, thiết chế văn hóa, các dịch vụ đi kèm,... Giải quyết chế độ lao động tiền lương, chính sách cho người lao động theo đúng quy định; không để xảy ra đình công, lãn công, biểu tình,…Tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc, động viên, khen thưởng các tập thể, doanh nghiệp có thành tích trong công tác chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho công nhân lao động./.