Căn cứ vào tình hình các cơ quan, đơn vị liên quan đã xây dựng kế hoạch kiểm tra và đã thực hiện 101 cuộc kiểm tra. Thực hiện kế hoạch kiểm tra từ 8/2017 đến 30/11/2019, lực lượng chức năng đã phát hiện 1.155 phương tiện vi phạm về quá tải trọng, 283 trường hợp vi phạm về quản lý, sử dụng đất danh cho đường bộ. Tổng số tiền xử phạt hành chính trên 8 tỷ đồng, tước 516 giấy phép lái xe. Riêng hành vi vi phạm hành lang an toàn giao thông đã ra quyết định xử phạt 108 trường hợp.
Trong giai đoạn 2017-2019, tỉnh dành trên 700 tỷ đồng để bảo trì 10.339 km đường bộ. Trong đó có các tuyến đường Trung ương ủy thác quản lý, đường tỉnh và đường giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh, nhiều tuyến đường có vai trò quan trọng trong kinh tế-xã hội của tỉnh như đường Hồ Chí Minh, đường Hòa Lạc – Hòa Bình, đường 229, đường tỉnh ĐT.431, ĐT.432, ĐT.433…Cũng trong giai đoạn này, việc lựa chọn nhà thầu thực hiện duy tu, bảo dưỡng tuyến quốc lộ và đường tỉnh được thay đổi, nâng hình thức đấu thầu lên 3 năm. Các nhà thầu lựa chọn phải đầy đủ năng lực thực hiện và đảm bảo chất lượng công tác quản lý, bảo dưỡng. Từ đó, các tuyến đường quốc lộ và đường tỉnh trên địa bàn về cơ bản an toàn, thông suốt, đáp ứng nhu cầu đi lại cho nhân dân, không xảy ra tình trạng đường xuống cấp, xuống loại.
Bên cạnh đó, các tuyến quốc lộ và đường tỉnh cũng thường xuyên được kiểm tra và đề xuất cơ quan có thẩm quyền sửa chữa định kỳ theo quy định. Tuy nhiên, do kinh phí hạn hẹp nên công tác sửa chữa định kỳ chủ yếu tập trung tại các vị trí hư hỏng nặng, có lưu lượng tham gia giao thông cao.
Đối với các tuyến đường do UBND cấp huyện, cấp xã quản lý chủ yếu mới được quan tâm sửa chữa đối với các tuyến đường huyện, công tác bảo dưỡng thường xuyên chưa được quan tâm đúng mức. Các tuyến đường qua khu đông dân cư được giao cho các tổ, đội của xã quản lý, bảo dưỡng thường xuyên. Một số hạng mục của công tác bảo dưỡng thường xuyên đường bộ chủ yếu được các địa phương thực hiện vào các tháng chiến dịch “Toàn dân tham gia làm giao thông nông thôn” và tháng 4 và tháng 11 hàng năm.
Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 122 km đường thủy nội địa, trong đó có 103 km đường thủy nội địa sông Đà do Trung ương trực tiếp quản lý, 19 km đường thủy nội địa sông Bôi do tỉnh quản lý. Các tuyến đường này đều được quản lý bảo trì theo đúng quy định đảm bảo an toàn giao thông. Đối với tuyến đường thủy nội địa sông Bôi, trong 2 năm (2018-2019), tỉnh đã bố trí trên 2 tỷ đồng để tổ chức quản lý, bảo trì.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông tồn tại một số hạn chế. Việc vi phạm kết cấu hạ tầng giao thông chủ yếu là vi phạm hành lang an toàn giao thông đường bộ để buôn bán kinh doanh, để vật liệu, san gạt mặt bằng, dựng lều quán. Một số lãnh đạo chính quyền cấp xã còn thiếu quyết liệt trong xử lý vi phạm hành lang giao thông dẫn đến một số hộ gia đình vi phạm hành lang giao thông và chưa được giải quyết dứt điểm.
Nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước về quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông trong thời gian tới, tỉnh đẩy mạnh công tác kiện toàn và nâng cao năng lực tổ chức bộ máy, tăng cường công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành. Thực hiện tốt công tác giải tỏa vi phạm lòng đường, hẹp phố, hành lang giao thông và bàn giao cho xã, phường quản lý chống lấn chiếm, tái lấn chiếm. Tăng cường kiểm tra đảm bảo xử lý nghiêm, kịp thời các trường hợp vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông. Các cơ quan, đơn vị liên quan có trách nhiệm đôn đốc việc chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, tổ chức cưỡng chế các trường hợp cố tình không chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Nâng cao chất lượng và tăng cường công tác kiểm tra, nghiệm thu của cơ quan chuyên môn đối với các dự án đầu tư xây dựng giao thông. Đồng thời, bố trí kinh phí và tổ chức thực hiện công tác quản lý và bảo trì đường bộ đảm bảo chất lượng, hiệu quả, đặc biệt là đối với công tác bảo dưỡng thường xuyên hệ thống đường giao thông nông thôn./.