DetailController

Sức khỏe - Đời sống

Nâng cao năng lực ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai

06/12/2019 00:00
Hòa Bình là tỉnh miền núi, địa hình chia cắt, phức tạp, hàng năm chịu nhiều thiệt hại do thiên tai gây ra như lũ, ngập lụt, sạt lở đất. Trong giai đoạn 2012-2019, tổng giá trị thiệt hại do thiên tai gây ra khoảng 5.300 tỷ đồng.
Công trình kè chống sạt lở trên đường tỉnh 433 Đà Bắc

Theo số liệu thống kê cụ thể, thiệt hại do thiên tai gây ra đã làm 69 người chết, 29 người bị thương; hư hỏng, đổ sập, tốc mái, ngập nước, di dời khoảng 24.986 nhà cửa của các hộ dân; hư hỏng 21.663 ha lúa, 29.901 ha hoa màu, 4.449 ha cây ăn quả, 5.918 ha cây công nghiệp, 4.961 ha rừng; 301.800 con gia cầm, 11.562 con gia súc chết do cuốn trôi và đất vùi lấp; hư hại 2.499 ha diện tích nuôi trồng thủy sản; hàng trăm công trình giao thông, thủy lợi, trong đó có các công trình trọng điểm về phòng chống thiên tai bị hư hỏng.

Trước ảnh hưởng, tác động trực tiếp của thiên tai với đời sống, phát triển KT-XH, những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác phòng chống thiên tai, nâng cao năng lực ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra. UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1258/QĐ-UBND, ngày 16/7/2015 về phê duyệt Kế hoạch phòng chống thiên tai cấp tỉnh đến năm 2020; Quyết định số 2559/QĐ-UBND, ngày 20/11/2008 về kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược quốc gia phòng chống và giảm nhẹ thiên tai tỉnh Hòa Bình; Kế hoạch số 24/KH-UBND, ngày 25/3/2015 về thực hiện đề án Quy hoạch tổng thể lĩnh vực ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đến năm 2020; Kế hoạch số 78/KH-UBND, ngày 4/6/2019 về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai lũ lụt cứu hộ cứu nạn giai đoạn 2018 - 2020 trên địa bàn tỉnh.

 

Công tác dự báo, cảnh báo sớm thiên tai được chú trọng để chủ động ứng phó với thiên tai. Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh đã được đầu tư mới, nâng cấp trang thiết bị thường xuyên để bảo đảm công tác giám sát biến đổi khí hậu, dự báo, cảnh báo thiên tai trên địa bàn tỉnh được chính xác và kịp thời, phục vụ cho việc phòng chống thiên tai. Hàng năm, cơ quan chức năng xây dựng chương trình kiểm tra các công trình phục vụ tưới tiêu trước mùa mưa bão; xây dựng phương án quản lý, vận hành hồ chứa phục vụ chống hạn, chống lũ; xây dựng phương án phòng, chống thiên tai, lụt, bão; chủ động bố trí sắp xếp lại dân cư. Trong mùa bão, có kế hoạch bố trí lực lượng sẵn sàng thực hiện việc sơ tán dân ra khỏi vùng nguy hiểm như: Vùng thường xuyên có nguy cơ cao sạt lở đất khi có bão, lũ; chủ động bố trí thiết bị, phương tiện và dự phòng lương thực, thuốc men đến các cụm, thôn…

 

Những năm gần đây, thiên tai thường xuyên xảy ra, tỉnh đặc biệt quan tâm trong việc xây dựng các công trình phòng chống thiên tai trọng điểm, cấp bách. Năm 2017, 2018, Trung ương đã hỗ trợ kinh phí để phục hồi, khắc phục các công trình giao thông thủy lợi bị hư hỏng nhằm đảm bảo cho công tác phòng, chống thiên tai như: Năm 2017 hỗ trợ 260 tỷ đồng đầu tư xây dựng 81 công trình; năm 2018 hỗ trợ 94 tỷ đồng xây dựng 13 công trình. Năm 2015, tỉnh thành lập Quỹ phòng chống thiên tai, đến nay vận động được nguồn quỹ 39.413 triệu đồng. Hàng năm, Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt trích Quỹ cho các địa phương, đơn vị để hỗ trợ công tác khắc phục, phục hồi các công trình phòng chống thiên tai theo quy định. Từ năm 2012-2019, có 60 hồ chứa thủy lợi, đạt 11,03% tổng số hồ chứa thủy lợi trên địa bàn tỉnh được cải tạo, nâng cấp, tu bổ và xây mới; cải tạo nâng cấp, tu bổ và xây mới khoảng 11 km đê cấp 3 trên tổng số 9,2 km, đạt 119,57%, một số tuyến đê đã gia cố nhiều lần để đảm bảo an toàn.

Bên cạnh đó, việc xây dựng các mô hình phòng, chống thiên tai hiệu quả tại địa phương được chú trọng. Trên địa bàn tỉnh có 31 trạm đo mưa tự động đặt tại 11 huyện, thành phố, nơi có khu vực thường xuyên xảy ra thiên tai, tại các sông, suối dốc, các nhà máy thủy điện nhằm cung cấp số liệu đo mưa qua hệ thống VINARIAN cập nhật hàng giờ. Mô hình đo mưa tự động công khai số liệu với toàn bộ người dân. Từ đó, người dân tại các địa phương cũng như các cấp chính quyền sẽ đưa ra công tác cảnh báo, xây dựng phương án ứng phó thiên tai sát với thực tế hơn. Huyện Lạc Sơn triển khai dự án “Trồng rừng, bảo vệ rừng phòng hộ đầu nguồn và kết hợp xây dựng cơ sở hạ tầng phòng chống lũ, sạt lở đất, hạn hán, bảo vệ dân cư các xã huyện Lạc Sơn” với tổng mức đầu tư 377 tỷ đồng, trong đó, 320 tỷ đồng vốn thuộc chương trình SP-RCC, 57 tỷ đồng vốn đối ứng địa phương). Huyện Lạc Thủy triển khai dự án “Trồng, bảo vệ và phục hồi rừng phòng hộ đầu nguồn sông Bôi tại huyện Lạc Thủy và nâng cấp tuyến đê bao ngăn lũ sông Bôi kết hợp đường giao thông chạy lũ đoạn cầu Chi Nê, xã Khoan Dụ, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình đến xã Xích Thổ, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình” với mức đầu tư 400 tỷ đồng, trong đó, 350 tỷ đồng vốn thuộc chương trình SP-RCC, 50 tỷ đồng vốn đối ứng địa phương.../.