DetailController

Tin từ các đơn vị

Nâng cao năng lực cho các hộ chăn nuôi lợn quy mô nhỏ tham gia tích cực hơn vào chuỗi thị trường

07/04/2023 17:00
Trên địa bàn tỉnh Hòa Bình hiện đang chăn nuôi khoảng 30 nghìn con lợn bản địa. Trong 22 giống lợn bản địa của Việt Nam được công bố, Hòa Bình có 2 giống lợn, gồm lợn mán và lợn bản. Nhiều năm qua, các giống lợn mán, lợn bản được nuôi nhiều ở các địa phương, nhất là khu vực vùng cao, nơi có lợi thế về bãi chăn thả và nguồn thức ăn tự nhiên. Với giá bán cao như một loại đặc sản, thời gian qua lợn mán, lợn bản đã mang lại nguồn thu nhập lớn cho các hộ nông dân, đặc biệt đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Cửa hàng Thực phẩm sạch Mường Pa tại huyện Mai Châu là địa điểm tin cậy cung cấp sản phẩm thịt lợn đen Mường Pa chất lượng đảm bảo an tòa thực phẩm

Đặc biệt, từ khi một số địa phương hình thành hợp tác xã chăn nuôi lợn bản thì giá trị mang lại cho bà con càng lớn. Như ở huyện Mai Châu, năm 2018, Hợp tác xã chăn nuôi lợn đen Mường Pa được thành lập tại xóm Báo, xã Bao La đã làm thay đổi đời sống của bà con người Thái ở Mường Pa. Để chăn nuôi, người dân chủ yếu lên nương lấy lá dướng, khoai môn, thân cây chuối về trộn với sắn, ngô cùng nước suối nấu cám cho lợn ăn. Nhờ đó thịt lợn đen Mường Pa luôn được đánh giá thơm ngon. Theo chia sẻ của ông Hà Thế Nhiên - Giám đốc Hợp tác xã chăn nuôi lợn đen Mường Pa: Hợp tác xã có 17 thành viên và liên kết với gần 150 hộ vệ tinh tại các xã Cun Pheo, Xăm Khòe, Bao La (Mai Châu). Mỗi năm, hợp tác xã cung cấp ra thị trường trên 50 tấn lợn thương phẩm. Với đầu ra và giá bán ổn định, nuôi lợn đen mang lại thu nhập bình quân cho thành viên chính thức khoảng 30 triệu đồng/tháng/hộ, hộ vệ tinh đạt khoảng 15 triệu đồng/tháng/hộ.

Với hiệu quả kinh tế cao, nuôi lợn bản địa được chú trọng mở rộng ở một số huyện, như Đà Bắc, Cao Phong... Đến với xã Bình Thanh, huyện Cao Phong hỏi hộ gia đình chăn nuôi lợn bản Nguyễn Xuân Phúc ai cũng biết. Với hơn 10 năm kinh nghiệm trong nghề chăn nuôi, anh Phúc đã phát triển thành công mô hình nuôi lợn bản địa. Đàn lợn của gia đình anh hiện có gần 60 con. Mỗi con đủ tiêu chuẩn xuất chuồng nặng khoảng 20 - 25 kg, với giá bán dao động 120 - 130 nghìn đồng/kg, mỗi năm cũng mang về nguồn thu lớn cho gia đình.

Còn với Đinh Công Tuân (ở bản Ngòi, xã Suối Hoa, huyện Tân Lạc), chàng trai đã tốt nghiệp Trường Đại học Tài chính - Quản trị kinh doanh nhưng lại trở về làng để nối tiếp sự nghiệp của gia đình nuôi cá dầm xanh, lợn mán, gà, dê ở ven bờ sông Đà… Năm qua, dù gặp khó khăn do dịch bệnh cũng như mới bắt tay vào làm thế nhưng Tuân đã có thu nhập khoảng 200 triệu đồng/năm.

Tuy nhiên, trong một nghiên cứu mới đây của nhóm nghiên cứu Viện Chăn nuôi tại tỉnh Hòa Bình cho thấy, lợn bản chủ yếu được tiêu thụ tại chợ địa phương, do mối liên kết giữa các hộ chăn nuôi lợn nông hộ nhỏ với các tác nhân khác trong chuỗi còn yếu và thiếu thông tin về sở thích của người tiêu dùng. Người chăn nuôi là người dân tộc thiểu số, nhận thức về an toàn thực phẩm trong chăn nuôi và tiêu thụ lợn tại địa phương còn hạn chế.

Nhằm tạo điều kiện và nâng cao năng lực cho các hộ chăn nuôi lợn quy mô nhỏ để họ tham gia tích cực hơn vào chuỗi thị trường được cải thiện, nhóm nghiên cứu đã tiếp cận tại Hòa Bình từ năm 2018 đến đầu năm 2023 thông qua chuỗi nghiên cứu đánh giá và các hoạt động can thiệp đơn giản, bao gồm: Khảo sát kiến thức, thái độ và thực hành; nghiên cứu về cách lựa chọn tiếp thị và xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm thịt lợn từ lợn bản ở khu vực phía Bắc; nâng cao năng lực cho thành viên hợp tác xã lợn bản về tiếp thị và an toàn thực phẩm thông qua lớp tập huấn; đăng ký nhãn hiệu tập thể; can thiệp hỗ trợ để kích hoạt các thành viên nhỏ lẻ trong hợp tác xã tham gia vào chuỗi giá trị được cải thiện; xây dựng kế hoạch kinh doanh cho hợp tác xã...

Kết quả cho thấy, việc hạn chế thông tin về giá cả thị trường và nhu cầu của người tiêu dùng khiến người chăn nuôi khó bán được lợn với giá hợp lý. Thông tin về nguồn gốc xuất xứ lợn có ý nghĩa lớn đối với các chủ cửa hàng thực phẩm và người tiêu dùng…Qua tuyên truyền, các thành viên hợp tác xã đã hiểu giá trị gia tăng của sản phẩm thịt lợn chế biến trong chuỗi giá trị chất lượng cao. Họ đã hiểu, nếu sản phẩm có chất lượng tốt, đáp ứng được nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng thì mới có thể kinh doanh ở các thị trường cao cấp. Tiềm năng và thách thức khi hợp tác xã tham gia vào các chuỗi giá trị hiện đại được xem xét.

Vì vậy, sau khi xây dựng thương hiệu, tham gia vào các can thiệp an toàn thực phẩm và tiếp thị, lợn bản có thương hiệu được bán chủ yếu cho các tỉnh Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, thị xã Đà Bắc và TP. Hòa Bình với giá cao hơn. Các đơn đặt hàng chủ yếu qua mạng facebook với nhóm người tiêu dùng và qua zalo. Giá trị gia tăng cao đến từ hoạt động giết mổ lợn, tuy nhiên số lượng còn hạn chế do các cửa hàng thực phẩm chậm thanh toán.

Có nhiều cơ hội hơn cho những người chăn nuôi lợn bản dân tộc thiểu số tham gia vào chuỗi giá trị thịt lợn an toàn khi họ làm việc trong một hợp tác xã. Trong đó, nếu tất cả các thành viên, thợ giết mổ, ban lãnh đạo được nâng cao kiến thức, thực hành về an toàn thực phẩm và hành động tiếp thị tập thể thì họ có thể chủ động liên kết và cung cấp các sản phẩm khác nhau cho thị trường thành thị với chất lượng, giá cả cao hơn. Nhóm nghiên cứu Viện Chăn nuôi tại tỉnh cũng lưu ý, để đảm bảo tính bền vững, việc phân bổ giá trị gia tăng giữa các bên tham gia hợp tác xã và thị trường cần phải minh bạch và nhận được sự đồng thuận chung từ bên tham gia./.