DetailController

Uỷ ban nhân dân Tỉnh

Nâng cao năng lực cạnh tranh các mặt hàng xuất khẩu tỉnh Hoà Bình

06/10/2022 00:00
Kết luận số 12-KL/TU ngày 28/12/2015 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về việc nâng cao năng lực cạnh tranh các mặt hàng xuất khẩu tỉnh Hoà Bình giai đoạn 2016 – 2020, định hướng đến năm 2030 được ban hành có ý nghĩa sâu sắc đối với việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Từ đó đề ra các định hướng nhiệm vụ giải pháp thực hiện việc nâng cao năng lực cạnh tranh các mặt hàng xuất khẩu của tỉnh. Xây dựng các chương trình đề án, kế hoạch phù hợp điều kiện địa phương, đơn vị, đáp ứng yêu cầu phát triển, sử dụng một cách có hiệu quả mọi nguồn lực sẵn có của địa phương, tổ chức triển khai đẩy mạnh năng lực cạnh tranh hàng hoá xuất khẩu trên địa bàn.
Nhãn Sơn Thủy, xã Xuân Thủy (huyện Kim Bôi) là sản phẩm OCOP 3 sao, được xuất khẩu đến thị trường một số nước châu Á và EU

Thời gian qua, thực hiện Kết luận số 12-KL/TU, nhận thức của cán bộ đảng viên và toàn thể Nhân dân về chủ trương, vai trò và tầm quan trọng của việc nâng cao năng lực cạnh tranh các mặt hàng xuất khẩu của tỉnh trong việc phát triển kinh tế - xã hội được nâng lên. Tốc độ tăng trưởng bình quân kim ngạch xuất nhập khẩu giai đoạn 2016 – 2020 ổn định, đạt 28,5%. Trong đó tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm kim ngạch xuất khẩu đạt 30%/năm. Tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm kim ngạch xuất khẩu đạt 27%/năm. Số lượng doanh nghiệp hoạt động sản xuất và xuất nhập khẩu tăng cả về số lượng và quy mô. Cơ cấu mặt hàng xuất khẩu có chuyển biến sang lĩnh vực sản xuất công nghiệp cao, chế biến, chế tạo, thị trường xuất khẩu được mở rộng. Đóng góp ngân sách Nhà nước từ hoạt động xuất, nhập khẩu năm sau cao hơn năm trước.

Thị trường xuất khẩu tập trung chủ yếu vào những thị trường truyền thống như Mỹ, Anh, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc… Hiện nay đã phát triển mở rộng thêm một số thị trường mới. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật đã dần đáp ứng nhu cầu cho hoạt động sản xuất kiinh doanh các mặt hàng xuất nhập khẩu. Nhiều sự án giao thông quan trọng đã được đầu tư và đi vào hoạt động có hiệu quả. Chất lượng cung cấp điện được nâng lên, hạ tầng thương mại phát triền mạnh, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trên địa bàn. Chất lượng nguồn nhân lực được nâng cao. Công tác ứng dụng khoa học công nghệ đã tạo thêm sức cạnh tranh cho hàng hoá xuất khẩu. Hoạt động hỗ trợ nhằm nâng cao năng lực mặt hàng xuất khẩu được triển khai đồng bộ sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng.

Tuy nhiên, tính đến nay, kim ngạch xuất khẩu vẫn phụ thuộc chính vào các doanh nghiệp FDI (chiếm 88% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả tỉnh). Các sản phẩm nông sản của tỉnh chưa có sản phẩm chế biến chất lượng cao, giá thành sản xuất cao dẫn đến cạnh tranh kém, bị ép giá trên thị trường. Năng lực của các doanh nghiệp địa phương còn nhiều hạn chế, nguồn lực còn thấp. Sự liên kết giữa các doanh nghiệp còn hạn chế, ảnh hưởng đến chất lượng, năng lực cạnh tranh của sản phẩm xuất khẩu. Công tác xúc tiến đầu tư, lập quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch, tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư, giới thiệu địa điểm chưa hiệu quả.

Từ nay đến năm 2025 và những năm tiếp theo, trên tinh thần định hướng phát triển của Kết luận số 12-KL/TU, tỉnh đẩy mạnh và phát huy vài trò của hệ thống chính trị trong việc nâng cao năng suất, chất lượng hàng hoá của tỉnh. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến đền các doanh nghiệp xuất khẩu trên địa bàn tỉnh về công tác tiêu chuẩn hàng hoá, bảo hộ sở hữu trí tuệ; chú trọng xây dựng phát triển thương hiệu cho các mặt hàng xuất khẩu tỉnh. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại. Chú trọng các hoạt động thông tin tuyên truyền, phổ biến, cung cấp đầy đủ, cập nhật các thông tin thị trường tình hình trong nước và quốc tế. Tăng cường công tác quảng bá, giới thiệu hình ảnh, sản phẩm tiêu biểu của địa phương với đối tác, bạn bè quốc tế./.