Trước năm 2007 tỉnh có 02 khu các cơ sở sản xuất công nghiệp. Giai đoạn này, Ban quản lý (BQL) các khu công nghiệp (KCN) tỉnh chưa được thành lập và chưa có quy hoạch tổng thể phát triển các KCN. Tới năm 2007 BQL các KCN tỉnh được thành lập, UBND tỉnh Hòa Bình đã trình và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận bổ sung vào các KCN Việt Nam đến năm 2015, định hướng năm 2020 với tổng số 08 KCN. Hiện đang có 05 KCN đã có nhà đầu tư thứ cấp, thu hút được 105 dự án, 64 dự án đã đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Hiện nay KCN bờ trái sông Đà và KCN Lương Sơn cơ bản hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng; các KCN Nhuận Trạch, MôngHóa, Yên Quang nhà đầu tư đang thực hiện xây dựng hạ tầng; các KCN Thanh Hà, Nam Lương Sơn chưa triển khai công tác giải phóng mặt bằng. Theo Nghị quyết số 96/NQ-CP ngày 26/7/2018 của Chính phủ về điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối năm (2016 - 2020) tỉnh Hòa Bình. Trong giai đoạn 2016-2020 diện tích đất khu công nghiệp được phân bổ sử dụng giai đoạn này là 1.510ha. Tuy nhiên đến nay mới sử dụng 424,58 ha đạt 28,17%.
Về cụm công nghiệp, tỉnh Hòa Bình quy hoạch 21 cụm công nghiệp với tổng diện tích đất là 866,605 ha. Đến nay, đã có 16/21 cụm công nghiệp được UBND tỉnh quyết định thành lập với diện tích là 683,225 ha, tổng vốn đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật các Cụm công nghiệp (CCN) được phê duyệt là trên 4.862 tỷ đồng. Có 10/16 CCN đã và đang triển khai đầu tư hạ tầng với tổng diện tích khoảng 517 ha. Công tác GPMB tại các cụm công nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn. Tại các CCN Đồng Tâm, Khoang U, Tiên Tiến, Chăm Mát - Dân Chủ, Phú Thành II, Thanh Nông đang thực hiện bồi thường, hỗ trợ để tiến hành GPMB. Có 07 cụm công nghiệp tại thành phố Hòa Bình và các huyện Lạc Thủy, Tân Lạc, Mai Châu, Lương Sơn thu hút 26 dự án thứ cấp đầu tư sản xuất kinh doanh với tổng diện tích đã cho thuê là 76,34 ha; Tổng số vốn đăng ký khoảng 2.470,9 tỷ đồng.
Kết quả cho thấy, việc sử dụng đất làm các khu công nghiệp trong năm 2021 đã khẳng định hiệu quả sử dụng đất với tổng doanh thu đạt được 17.989 tỷ đồng, tỷ lệ lấp đầy đạt hơn 37,25% và thực hiện nộp ngân sách nhà nước đạt 250 tỷ đồng, xuất khẩu đạt 690 triệu USD. Bên cạnh đó KCN cũng đã góp phần giải quyết việc làm cho 19.565 lao động của địa phương và vùng lân cận (trong đó lao động nữ chiếm 66,2%), nâng cao thu nhập với mức lương trung bình 6,0 triệu đồng/người/tháng.
Tuy nhiên, nhìn chung công tác thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc gây ảnh hưởng không nhỏ tới thu hút đầu tư. Để nâng cao hiệu quả sử dụng đất tại các KCN thời gian tới cần: Tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 61-CT/TU, ngày 21/7/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng trong thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư trên địa bàn tỉnh. Tăng cường công tác quản lý hiện trạng sử dụng đất ngay sau khi khu công nghiệp, cụm công nghiệp được phê duyệt quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên đất không phép, trái phép; kiên quyết thu hồi đất đối với những dự án không đưa đất vào sử dụng theo tiến độ sử dụng đất, sử dụng đất không đúng mục đích đủ điều kiện thu hồi theo quy định của pháp luật về đất đai, đầu tư.
Tiếp tục rà soát các dự án đầu tư chậm tiến độ để tham mưu trình cấp thẩm quyền gia hạn hoặc thu hồi các quyết định đã giao đất, cho thuê đất mà không tiến hành xây dựng hoặc xây dựng dang dở, tránh lãng phí dự án nhiều năm không sử dụng đất, dự án không hoạt động, còn người nông dân mất đất sản xuất gây mất lòng tin trong nhân dân, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư. Quá trình thực hiện công tác giải phóng mặt bằng phải thực hiện đồng bộ, chặt chẽ, nhất quán. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết dứt điểm đơn thư, khiếu nại tố cáo, kiến nghị, phản ánh của nhân dân trong lĩnh vực đất đai ngay từ cơ sở, hạn chế tối đa đơn thư khiếu nại, tố cáo vượt cấp, kéo dài. Thực hiện nghiêm việc công khai, minh bạch, thực hiện tốt các quy định về dân chủ cơ sở và cơ chế ”dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, khi lập các quy hoạch và dự án đầu tư. Có chủ trương, giải pháp thu hút các dự án sản xuất công nghiệp tập trung đầu tư vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp của tỉnh; đồng thời có lộ trình di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp của tỉnh nhằm hạn chế tình trạng sản xuất công nghiệp phân tán không theo quy hoạch và ô nhiễm môi trường. Xây dựng kế hoạch xúc tiến đầu tư phù hợp với quy hoạch các khu công nghiệp phù hợp với tình hình cụ thể của từng khu công nghiệp theo từng giai đoạn./.