DetailController

Quốc phòng - An ninh

Nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng hệ thống công trình thủy lợi

07/10/2022 00:00
Hiện tổng số công trình/hệ thống công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh là 1.995 công trình, trong đó phân cấp có 526 công trình do cấp tỉnh quản lý, 1.469 công trình cấp huyện quản lý.
Thực hiện tốt việc quản lý, vận hành hồ chứa, bảo vệ nguồn nước, bảo vệ công trình thủy lợi, vận hành an toàn, sử dụng hiệu quả các công trình thủy lợi trên địa bàn

Hệ thống kênh mương trên toàn tỉnh có tổng số 3.723 km kênh mương tưới các loại. Đến hết năm 2021 đã kiên cố hóa được 2.015km (đạt 54%). Hệ thống công trình thủy lợi hiện nay đã cấp nước tưới chủ động phục vụ sản xuất cho vụ xuân và vụ mùa đến hết năm 2022 là 55.605 ha, trong đó diện tích lúa trên 39 nghìn ha, màu và cây vụ đông trên 13 nghìn ha, cây ăn quả 2,3 nghìn ha, cấp nước nuôi trồng thủy sản là 40 ha, tiêu cho lúa 255 ha, tiêu cho khu vực đô thị và nông thôn 511 ha. Tỷ lệ diện tích cây hàng năm được tưới chủ động đến năm 2022 đạt 45%; tỷ lệ diện tích cây hàng năm được tiêu chủ động đến năm 2022 đạt 85%.

Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có hơn 900km kênh mương được kiên cố hóa từ các nguồn vốn; hơn 200 hồ đập, 500 bai dâng và 50 trạm bơm, trạm thủy luân được sửa chữa, nâng cấp, xây mới. Khoảng 900 ha sản xuất cây các loại áp dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước.

Trong những năm qua, tỉnh đã thực hiện các dự án nâng cấp, sửa chữa các hồ chứa góp phần đảm bảo an toàn công trình và nâng cao năng lực tưới phục vụ sản xuất, trong đó có các dự án lớn như: Dự án WB7, dự án WB8. Ngoài các dự án lớn trên, hàng năm từ nhiều nguồn vốn, UBND các huyện, thành phố đã chủ động bố trí nguồn ngân sách của địa phương để nâng cấp, sửa chữa các công trình thủy lợi được phân cấp quản lý trên địa bàn. Hiện tại còn 116 hồ, đập chứa nước thủy lợi bị hư hỏng, xuống cấp cần nâng cấp, sửa chữa với tổng kinh phí dự kiến khoảng trên 578 tỷ đồng.

Các hồ chứa thủy lợi trên địa bàn tỉnh được xây dựng giai đoạn trước đây chủ yếu phục vụ cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, quy hoạch chưa nghiên cứu các hoạt động khai thác tổng hợp từ công trình thủy lợi. Giai đoạn hiện nay, do tác động của sự phát triển kinh tế, tốc độ đô thị hóa nhanh nên đã có nhiều công trình hồ chứa không còn vùng nước tưới hoặc vùng tưới đã bị thu hẹp dần, cần thiết phải điều chỉnh mục đích sử dụng. Do đó, sở NN&PTNT đã đề xuất bổ sung danh mục các hồ chứa nước kết hợp khai thác du lịch, nuôi trồng thủy sản, du lịch, thể thao…vào quy hoạch tỉnh Hòa Bình đến năm 2030, định hướng đến năm 2050. Việc quản lý, khai thác công trình thủy lợi của Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi đang thực hiện cho thuê mặt nước hồ tại một số  hồ chứa do đơn vị quản lý, được thực hiện theo đúng quy định của Luật đất đai.

Nhìn chung trong thời gian qua, các công trình thủy lợi trên địa bàn cơ bản được các đơn vị, doanh nghiệp quản lý khai thác, bảo vệ, duy tu bảo dưỡng, sửa chữa kịp thời; công tác vận hành, khai thác an toàn theo kế hoạch thống nhất. Công tác duy tu, sửa chữa, nâng cấp các công trình thủy lợi, kênh mương được chính quyền địa phương quản tâm bố trí vốn hàng năm, từng bước kiên cố hóa. An toàn đập, hồ chứa nước được thực hiện tốt, không có sự cố vỡ đập, sự cố mất an toàn đập ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản của người dân. Hành lang bảo vệ các công trình cơ bản được bảo đảm, đáp ứng yêu cầu về phòng chống suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước. Một số hồ lớn như hồ Đầm Bài, hồ Đồng Chanh, hồ Mè đã thực hiện cắm mốc hành lang bảo vệ công trình. Các công trình thủy lợi thường xuyên được kiểm tra, bảo vệ hành lang công trình, kịp thời phát hiện các sự cố. Việc điều hòa, phân phối nước hợp lý, đảm bảo phục vụ sản xuất nông nghiệp và đời sống. Nguồn nước được sử dụng tổng hợp, tiết kiệm, hiệu quả. Các doanh nghiệp thầu hồ đã có sự phối hợp hoạt động với các tổ chức thủy lợi cơ sở và UBND huyện, xã trong điều hòa, phân phối nguồn nước, theo dõi công trình, vận hành, xây dựng quy trình vận hành đảm bảo an toàn thủy lợi.

Để đảm bảo an toàn hồ đập và vận hành tốt các công trình thủy lợi phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh, cần tiếp tục thực hiện rà soát, điều chỉnh danh mục các công trình/hệ thống thủy lợi phù hợp với năng lực quản lý của từng cấp, tình hình thực tế của từng công trình, phù hợp với tiêu chí phân cấp của UBND tỉnh. Tăng cường chỉ đạo, đôn đốc UBND cấp huyện trong thành lập, củng cố tổ chức thủy lợi cơ sở theo đúng quy định của pháp luật để đảm bảo năng lực thực hiện tốt chức năng quản lý, khai thác, bảo vệ các công trình thủy lợi được giao đối với các công trình thủy lợi được phân cấp quản lý. Ưu tiên nguồn vốn để sớm hoàn thiện các công trình thủy lợi đang đầu tư. Hàng năm, bố trí kinh phí đầu tư, sửa chữa lớn những công trình đầu mối hư hỏng, xuống cấp, kiên cố hóa kênh mương nội đồng; cắm mốc giới hành lang bảo vệ công trình thủy lợi; xây dựng quy trình vận hành…theo quy định tại Nghị định 114/2018/NĐ-CP ngày 4/9/2018 của Chính phủ. Phối hợp xây dựng và thực hiện có hiệu quả quy chế phối hợp hoạt động giữa doanh nghiệp các tổ chức thủy lợi cơ sở; giữa doanh nghiệp với UBND cấp huyện, cấp xã trong công tác thực hiện xây dựng quy trình vận hành, vận hành đảm bảo an toàn, tham gia những đoàn kiểm tra có liên quan nhằm bảo vệ nguồn nước, bảo vệ công trình thủy lợi, vận hành an toàn, sử dụng hiệu quả các công trình thủy lợi trên địa bàn./.