DetailController

Tin từ các đơn vị

Nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, khu vực kinh tế tập thể của tỉnh

22/03/2023 16:14
Sau 20 năm thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TW ngày 18/3/2002 Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, khu vực kinh tế tập thể của tỉnh Hòa Bình đã cơ bản khắc phục được tình trạng yếu kém kéo dài, khẳng định được tiềm năng, triển vọng phát triển. Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 khẳng định phát triển kinh tế tập thể là xu thế tất yếu khách quan, phải xuất phát từ nhu cầu thiết thực của các thành viên; tôn trọng các giá trị, nguyên tắc hoạt động của hợp tác xã, phù hợp với đặc điểm kinh tế xã hội trong từng địa phương, từng vùng và cả nước. Kinh tế tập thể có nhiều hình thức đa dạng phát triển từ thấp đến cao, trong đó hợp tác xã là nòng cốt.

Quán triệt chủ trương đường lối, chính sách và các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tại Nghị quyết số 09/NQ-CP ngày 02/02/2023 của Chính phủ và Chương trình hành động số 11-CTr/TU ngày 30/11/2022 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Hòa Bình về thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022, làm cơ sở triển khai thực hiện các nhiệm vụ đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh Hòa Bình trong giai đoạn mới. Sau 20 năm nỗ lực đổi mới, kinh tế tập thể, hợp tác xã có sự phát triển cả về số lượng và chất lượng. Đến nay doanh thu và thu nhập bình quân của hợp tác xã hàng năm đều tăng, giai đoạn 2013 - 2021 tăng gấp đôi giai đoạn 2001 - 2012. Doanh thu hợp tác xã đạt 3 tỷ đồng/hợp tác xã, lợi nhuận 389,6 triệu đồng/hợp tác xã/năm, thu nhập bình quân của người lao động đạt trên 4 triệu đồng/người/tháng. Số lượng hợp tác xã tốt, khá chiếm 75%. Tổ hợp tác, hợp tác xã chuyển biến tích cực về quy mô, công nghệ và thị trường. Đặc biệt, hợp tác xã nông nghiệp hoạt động gắn với các sản phẩm chủ lực của địa phương, thực hiện liên kết chuỗi, nhiều hợp tác xã liên kết với các siêu thị, doanh nghiệp lớn để mở rộng thị trường tiêu thụ, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, khả năng cạnh tranh.

Kinh tế tập thể, hợp tác xã thích ứng ngày càng tốt hơn với cơ chế thị trường, xuất hiện nhiều mô hình hợp tác xã gắn với chuỗi giá trị…. 65% số xã có hợp tác xã đã đóng góp tích cực phát triển kinh tế nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Hợp tác xã, tổ hợp tác có vai trò quan trọng tạo sinh kế, là các mô hình tổ chức sản xuất tập trung, hiệu quả, giúp người dân, thành viên phát huy kinh tế hộ, cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập. Hiện nay, toàn tỉnh có 58 sản phẩm của 41 hợp tác xã được UBND tỉnh công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên, nhiều tổ hợp tác có sản phẩm được bình chọn là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu. Hoạt động của hợp tác xã ngày càng năng động, đổi mới, hướng vào dịch vụ hỗ trợ thành viên, nhiều mô hình liên kết giữa hợp tác xã với doanh nghiệp, hộ thành viên trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm được hình thành.

Thời gian tới, tỉnh tăng cường nhận thức đúng, đầy đủ về bản chất, vị trí, vai trò và tầm quan trọng của kinh tế tập thể trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Giúp cán bộ, đảng viên và nhân dân nắm rõ quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp được xác định trong các văn kiện của Đảng và Nhà nước để triển khai thực hiện phù hợp với thực tiễn. Tổ chức thực hiện hiệu quả cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể. Đảm bảo các tổ chức kinh tế tập thể được tiếp cận, thụ hưởng, phát huy hiệu quả cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể của Trung ương và tỉnh. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với kinh tế tập thể. Nhằm tăng cường vai trò, trách nhiệm người đứng đầu, nâng cao năng lực cơ quan quan lý nhà nước; bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các sở, ban, ngành và chính quyền địa phương. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp đối với phát triển kinh tế tập thể. Xây dựng Liên minh Hợp tác xã vững mạnh, thực sự là tổ chức đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của tổ chức kinh tế tập thể; chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho thành viên tổ chức kinh tế tập thể./.