DetailController

Văn hóa

Nâng cao hiệu quả khai thác các thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn tỉnh

11/08/2020 00:00
Những năm qua, cùng với sự phát triển kinh tế, đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân trên địa bàn tỉnh đã có sự chuyển biến, trong đó phải kể đến vai trò của hệ thống các thiết chế văn hóa, thể thao (VH,TT) cơ sở. Tuy nhiên, hiện nay việc quản lý, khai thác các thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn tỉnh còn nhiều bất cập, lãng phí, từ đó đặt ra yêu cầu xã hội hóa để nâng cao hiệu quả sử dụng.
Học sinh tham gia tìm hiểu về trống đồng cổ tại Bảo tàng tỉnh Hòa Bình

Ngày 11/11/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2164/QĐ- TTg “Phê duyệt qui hoạch tổng thể phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở giai đoạn 2013-2020, định hướng đến năm 2030”. Theo đó, khái niệm thiết chế văn hóa gắn liền với thiết chế thể thao và hệ thống thiết chế VH,TT cơ sở phục vụ cộng đồng thuộc ngành VH,TT&DL quản lý bao gồm: Nhà văn hóa, khu thể thao ở thôn và tương đương; Trung tâm Văn hóa – Thể thao ở cấp xã; Trung tâm Văn hóa – Thể thao cấp huyện. Tuy nhiên, cũng từ khi có Quyết định số 2164/QĐ-TTg, không ít người, trong đó có cả cán bộ văn hóa cơ sở đã có sự nhầm trong cách hiểu: thiết chế VH,TT là chỉ bao gồm nhà văn hóa, khu thể thao.

Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 8 công trình thiết chế văn hóa, thể thao cấp tỉnh gồm: Cung văn hóa tỉnh, Thư viện tỉnh, Rạp chiếu phim tỉnh, Bảo tàng tỉnh, Sận vận động tỉnh, Nhà thi đấu thể dục, thể thao tỉnh, Bể bơi tỉnh, Khu ký túc xá học sinh và vận động viên. Thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở gồm: 10 nhà văn hóa  cấp huyện; Thư viện huyện, thành phố có khoảng 50% số huyện có trụ sở thư viện riêng, còn lại là sử dụng một phần diện tích của phòng VH và Trung tâm văn hóa thể thao cấp huyện, thành phố để làm trụ sở hoạt động; 10 sân vận động huyện, thành phố; 10 xe ô tô chuyên dụng để thực hiện công tác tuyên truyền, cổ động của các huyện, thành phố. Về thiết chế văn hóa cơ sở, hiện nay có 72% xã, phường, thị trấn có nhà văn hóa; có 87% thôn, bản có nhà văn hóa. Nhìn chung các thiết chế đã có đa số chưa đáp ứng được nội dung và các chỉ tiêu theo tiêu chí mẫu của Bộ VH, TT&DL như về diện tích, quy mô xây dựng, trang thiết bị và kinh phí thực hiện.

Hệ thống các thiết chế VH, TT các cấp, nhất là các thiết chế VH,TT ở thôn, bản, tổ dân phố đã góp phần quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu giao lưu, sinh hoạt, hưởng thụ văn hóa tinh thần và rèn luyện sức khỏe của người dân, nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở các địa phương...Từ đó giảm thiểu các tệ nạn xã hội như ma túy, mại dâm, trộm cắp, vi phạm trật tự an toàn giao thông, vi phạm cảnh quan đô thị…

Những năm qua, công tác đầu tư, quản lý, sử dụng thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn tỉnh đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu học tập, trao đổi, hưởng thụ, gìn giữ văn hóa và luyện tập thể dục thể thao của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh. Thực tế cho thấy nhiều giá trị quý báu của dân tộc tỉnh Hòa Bình được gìn giữ, nuôi dưỡng, phát huy từ thế hệ này sang thế hệ khác thông qua các hoạt động cộng đồng. Tuy nhiên, trong quá trình quản lý, khai thác và sử dụng một số thiết chế văn hóa, thể thao còn gặp một số khó khăn như: Chưa sử dụng hết công năng công trình; Thiết chế văn hóa như rạp chiếu phim mở cửa nhưng không có khán giả, thiếu kinh phí để đầu tư nâng cấp, Nhà thi đấu TDTT quy mô quá nhỏ, không đáp ứng được việc tổ chức các giải thi đấu thể thao chuyên nghiệp, quy mô lớn; Một số thiết chế thể thao khác như sân vận động, bể bơi tỉnh, khu KTX quy mô chưa tương xứng với nhu cầu, nhiều hạng mục đã xuống cấp chưa được cải tạo, sửa chữa, chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng, từ đó hiệu quả khai thác chưa cao, còn gây nhiều lãng phí.

Để phát huy hiệu quả sử dụng hệ thống thiết chế VH,TT cơ sở, ngành VH, TT&DL đề nghị UBND tỉnh cho thuê cải tạo, khai thác công trình hoặc bố trí nguồn vốn để đầu tư nâng cấp công trình để có thể khai thác sử dụng lâu dài phục vụ nhu cầu rèn luyện sức khỏe của nhân dân. Dành sự ưu tiên trong việc bố trí ngân sách đầu tư thiết chế VH,TT đối với các xã, thôn đặc biệt khó khăn. Tiếp tục kêu gọi xã hội hóa và sự đầu tư của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong việc xây dựng các thiết chế VH,TT, khu vui chơi giải trí cho thanh thiếu nhi, nhất là tại các khu đông dân cư, khu công nghiệp và miền núi. Có cơ chế khuyến khích phát huy tính tự chủ trong quản lý, khai thác, sử dụng các thiết chế VH, TT như Nhà văn hóa, sân vận động ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố, tránh tình trạng lãng phí sự đầu tư sân vận động ở cấp xã như hiện nay./.