Theo Kế hoạch, Đề án được triển khai từ năm 2021 đến hết năm 2027 tại thôn, làng, bản, tổ dân phố, khu phố và cộng đồng dân cư khác, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục đóng tại các xã, phường, thị trấn, cơ sở sản xuất tại các khu công nghiệp, trại tạm giam, nhà tạm giữ trên địa bàn tỉnh Hòa Bình. Trong đó ưu tiên thực hiện tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng có đồng bào dân tộc thiểu số, địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự.
Kế hoạch đề ra các mục tiêu cụ thể từ nay đến hết năm 2027: Phấn đấu 100% quy định của pháp luật về an ninh, trật tự liên quan trực tiếp đến quyền, nghĩa vụ của công dân như: Các quy định pháp luật về hình sự, dân sự, thi hành án; xử lý vi phạm hành chính; cư trú; đăng ký, quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; phòng cháy chữa cháy; bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; phòng, chống ma túy và tệ nạn xã hội…được thông tin kịp thời đến quần chúng Nhân dân bằng hình thức phù hợp, đưa pháp luật về an ninh, trật tự vào cuộc sống, nâng cao hiệu quả công tác vận động quần chúng nhân dân chấp hành pháp luật ở cơ sở. Bảo đảm từ 90% đến 100% đối tượng đặc thù ở cơ sở thuộc phạm vi quản lý, giáo dục của lực lượng Công an nhân dân được phổ biến các quy định pháp luật có liên quan đến quá trình giáo dục, cải tạo, quản lý đối tượng.
Hằng năm, Công an tỉnh phải tiến hành lựa chọn, xây dựng ít nhất 01 mô hình PBGDPL gắn với vận động quần chúng nhân dân chấp hành pháp luật tại cơ sở, tập trung vào những điểm nghẽn lớn, những hạn chế, vướng mắc, bất cập để ưu tiên nguồn lực triển khai thực hiện. Định kỳ hằng năm tổ chức tập huấn nghiệp vụ, kỹ năng PBGDPL và các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành có liên quan đến an ninh, trật tự cho chủ thể thực hiện Đề án. Phấn đấu 80% đội ngũ cán bộ, chiến sỹ lực lượng Công an tỉnh thực hiện công tác PBGDPL tại cơ sở được tập huấn, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng tuyên truyền, PBGDPL nhằm đáp ứng yêu cầu công tác trong tình hình mới.
Xây dựng và duy trì quan hệ phối hợp chặt chẽ giữa lực lượng Công an ở cơ sở với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong triển khai thực hiện công tác PBGDPL gắn với vận động quần chúng nhân dân chấp hành pháp luật tại cơ sở. Khuyến khích, huy động các đoàn thể, nhà trường, gia đình, tổ chức, cá nhân, người có uy tín trong cộng đồng, tổ chức tư vấn pháp luật, cung cấp dịch vụ pháp lý, cơ sở đào tạo, nghiên cứu chuyên ngành luật tham gia tích cực, thường xuyên PBGDPL tại cơ sở. Đẩy mạnh xã hội hóa công tác PBGDPL, huy động các nguồn kinh phí hỗ trợ tự nguyện từ các cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật, vừa phục vụ công tác PBGDPL vừa đảm bảo yêu cầu công tác vận động quần chúng của lực lượng Công an nhân dân. Có chính sách hỗ trợ phù hợp đối với cán bộ, chiến sỹ Công an nhân dân thực hiện công tác PBGDPL nói chung và triển khai thực hiện nhiệm vụ Đề án nói riêng. Phấn đấu 90% Công an xã, phường, thị trấn ứng dụng công nghệ thông tin trong PBGDPL bằng các hình thức phù hợp với yêu cầu công tác công an trên địa bàn và theo quy định của pháp luật.
Quá trình thực hiện Đề án yêu cầu cần tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, khả thi; xác định địa bàn, lĩnh vực cần tập trung nguồn lực; đề ra lộ trình cụ thể; gắn PBGDPL với tổ chức thi hành pháp luật; có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp có liên quan, trong đó lực lượng Công an là nòng cốt trong tham mưu triển khai thực hiện./.