DetailController

Tin từ các đơn vị

Nâng cao hiệu quả công tác giải phóng mặt bằng các Khu công nghiệp

05/04/2022 00:00
Tạo quỹ đất sạch là một trong những yếu tố then chốt để tạo sự chuyển biến tích cực và bứt phá để thu hút đầu tư vào tỉnh. Trong đó công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) được coi là nhiệm vụ trọng tâm, then chốt.

Hòa Bình có 08 KCN đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, bổ sung vào quy hoạch các KCN Việt Nam đến năm 2015, định hướng đến năm 2020. UBND tỉnh đã phê duyệt quy hoạch tổng thể, quy hoạch chi tiết các KCN với tổng diện tích là 1.507,43 ha. Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 4/8 KCN gồm các KCN (Lương Sơn, Bờ trái sông Đà, Yên Quang, Nhuận Trạch) đã có chủ đầu tư hạ tầng; 02 KCN đang trình Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương và chấp thuận nhà đầu tư gồm (KCN Mông Hóa, Lạc Thịnh); 05 KCN đã có doanh nghiệp thứ phát đầu tư (KCN Lương Sơn, bờ trái sông Đà, Mông Hóa, Nam Lương Sơn, Thanh Hà) với tổng 27 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, tổng vốn đăng ký trên 527 triệu USD và 77 dự án đầu tư trong nước, tổng vốn đăng ký trên 11 nghìn tỷ đồng.

Theo số liệu năm 2021, các KCN trên địa bàn tỉnh hiện có 102 dự án đầu tư đã được cấp phép; trong đó, có 27 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn đăng ký 527,4 triệu USD và 75 dự án trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 11.059,5 tỷ đồng. Doanh thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2021 của các doanh nghiệp trong các KCN ước đạt 15.800 tỷ đồng, tăng 0,51% so với cùng kỳ năm trước.

Trong những năm qua, bình quân mỗi năm tỉnh hoàn thành GPMB khoảng 32,2 ha tại các KCN, số diện tích này ít và chưa đáp ứng được nhu cầu về đất sạch để thu hút các NTĐ. Công tác GPMB chậm là do một số nguyên nhân như: Thủ tục, thời gian thực hiện, sự phối hợp của các đơn vị liên qua, sự hợp tác của người dân, những quy định của địa phương về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư có nhiều thay đổi; Tình trạng mua bán, chuyển nhượng quyền sử dụng đất của người dân trong quy hoạch KCN vẫn xảy ra gây khó khăn, cản trở khi thực hiện quy chủ, kiểm đếm đất đai và tài sản trên đất. Thị trường bất động sản tại các địa phương có quy hoạch KCN phức tạp, hiện tượng sốt đất ảo dẫn đến việc người dân có đất bị thu hồi không đồng thuận với đơn giá bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất theo đơn giá tỉnh ban hành. Các KCN chưa bố trí được quỹ đất, đầu tư xây dựng các khu tái định cư tập trung nên không đủ cơ sở để thực hiện đầy đủ các quy định về GPMB đối với đất ở, nghĩa trang. Một số KCN đã được hỗ trợ đầu tư xây dựng khu tái định cư nhưng tiến độ thực hiện còn chậm.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đưa ra nhiệm vụ trong nhiệm kỳ này: Phát triển công nghiệp thực sự trở thành động lực của nền kinh tế với tốc độ tăng trưởng cao, bền vững và hiệu quả làm động lực thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển và thực hiện các mục tiêu xã hội, phấn đấu đến năm 2025 tỷ trọng công nghiệp – xây dựng chiếm 54% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Nâng tỷ lệ lấp đầy diện tích các KCN trên 80%. Phấn đấu năm 2025 diện tích đất các khu, cụm công nghiệp chiếm khoảng 1% diện tích đất tự nhiên của tỉnh. Phấn đấu trong 5 năm thu hút và các dự án trong nước với tổng số vốn đăng ký đầu tư khoảng 80.000 tỷ đồng và khoảng 01 tỷ USD vốn FDI.

Chỉ thị số 03, ngày 18/1/2022 về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm 2022 cũng yêu cầu trong năm nay: Tập trung huy động các nguồn lực, tiếp tục đầu tư, phát triển hạ tầng khu, cụm CN; chú trọng thu hút các nhà đầu tư khu, cụm CN trên địa bàn làm cơ sở thu hút các NĐT thứ cấp. Đẩy nhanh tiến độ GPMB các KCN Yên Quang, Mông Hóa, Lạc Thịnh, Nhuận Trạch …quan tâm hỗ trợ các NĐT hoàn thiện hạ tầng các Cụm công nghiệp đã có vốn, đang hoạt động, khắc phục tình trạng chậm trễ trong GPMB để đẩy mạnh thu hút đầu tư.

Do đó, để tạo sự chuyển biến trong quản lý đất đai và đẩy mạnh công tác GPMB tại các KCN, cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của chính quyền và Nhân dân trong công tác quản lý, sử dụng đất đai trong quy hoạch các KCN, có giải pháp cụ thể nhằm đẩy nhanh tiến độ GPMB để thực hiện các dự án đầu tư. Tăng cường công tác quản lý đất đai ngay sau khi KCN được phê duyệt quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên đất không phép. Kiên quyết xử lý đối với những dự án sử dụng đất không đúng mục đích, không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm đưa đất vào sử dụng theo quyết định chủ trương đầu tư đã cấp. Thường xuyên kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Bên cạnh đó ưu tiên bố trí quỹ đất, huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng các khu tái định cư tập trung phục vụ công tác GPMB tại các KCN. Đẩy mạnh tuyên truyền, thông tin các quy định, chính sách của Nhà nước, của tỉnh về công tác đất đai, hỗ trợ, tái định cư, tầm quan trọng của công tác GPMB đối với sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương để Nhân dân đồng thuận, chủ động, tích cực phối hợp trong công tác GPMB./.