DetailController

Tin từ các đơn vị

Nâng cao hiệu quả công tác dạy nghề cho lao động nông thôn

16/06/2022 00:00
Thực hiện Chỉ thị 19, ngày 5/11/2012 của Ban Bí thư khóa XI về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dạy nghề cho lao động nông thôn” (sau đây gọi tắt là Chỉ thị 19), UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai, quán triệt nội dung Chỉ thị số 19 đến các đơn vị, địa phương, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp (GDNN) trên địa bàn về công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Từ đó, đã nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên và người dân về vai trò và tầm quan trọng của công tác dạy nghề; nâng cao chất lượng, hiệu quả lao động nông thôn.
Thầy và trò trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Hòa Bình thực hianfh công tác chăn nuôi - thú y

Thời gian qua, tỉnh đã tập trung tổ chức sắp xếp lại hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp; Kiện toàn tổ chức, cán bộ làm công tác quản lí nhà nước về dạy nghề; thực hiện đổi mới chương trình dạy nghề cho lao động nông thôn. Nhờ đó, mạng lưới các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh từng bước được sắp xếp theo hướng tinh gọn, hiệu lực hiệu quả. Tính đến  cuối năm 2021, toàn tỉnh có 22 cơ sở GDNN đã được kiểm tra và cấp giấy chứng nhận hoạt động nghề nghiệp (chưa tính các cơ sở hoạt động và tham gia dạy nghề dưới 3 tháng), phân bổ tại 10 huyện, thành phố gồm: 05 trường cao đẳng, 03 trường trung cấp, 10 trung tâm GDNN - GDTX cấp huyện, 02 trung tâm GDNN và 02 cơ sở khác có tham gia đào tạo nghề nghiệp trình độ sơ cấp. Trong đó phân theo loại hình sở hữu có 16 cơ sở công lập, 06 cơ sở tư thục; phân theo cơ quan quản lý có 03 cơ sở do trung ương quản lý, 19 cơ sở do địa phương quản lý. Bình quân mỗi năm, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tuyển mới trên 15.000 học sinh, sinh viên (HSSV). Trong số các HSSV tuyển mới hằng năm có hơn 80% là lực lượng thanh niên trong đó có thanh niên nông thôn. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đến hết năm 2021 là 57,5%, (trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề có bằng cấp chứng chỉ là 23,1%).

Trong 10 năm qua công tác bồi dưỡng, đào tạo và phát triển giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp thường xuyên được quan tâm, chỉ đạo thực hiện. Đến hết năm 2020, toàn tỉnh có 899 nhà giáo, trong đó có 07 tiến sĩ, 133 thạc sĩ, 469 đại học, 86 cao đẳng, 204 trình độ khác. Đội ngũ nhà giáo ở các trường cao đẳng, trung cấp cơ bản đủ số lượng và tiêu chuẩn về chuyên môn nghiệp vụ theo quy định. Tuy nhiên nhà giáo có tay nghề, bậc thợ cao, có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia chiếm tỉ lệ chưa cao; các trung tâm GDNN - GDTX, đội ngũ giáo viên nghề vừa thiếu vừa yếu do chính sách thu hút còn hạn chế.

Hàng năm Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đều rà soát bổ sung danh mục nghề, nhóm nghề phi nông nghiệp và  nghề nông nghiệp để điều chỉnh bổ sung, xây dựng định mức hỗ trợ chi phí đào tạo trình UNND tỉnh  được phê duyệt. Giai đoạn 2016 đến nay, có tổng số chương trình và giáo trình được điều chỉnh, bổ sung và xây dựng mới là 58 bộ; trong đó, nghề nông nghiệp là 32 bộ, nghề phi nông nghiệp là 26 bộ. Cơ sở vật chất phục vụ dạy nghề cho lao động nông thôn ngày càng được quan tâm. Giai đoạn 2010 -2015 đầu tư khoảng trên 92 tỷ đồng, trong đó trên 72 tỷ đồng đầu tư cho cơ sở vật chất trường lớp học, trên 19,5 tỷ đồng phục vụ mua sắm trang thiết bị; giai đoạn 2016 – 2019 đầu tư khoảng 27,5 tỷ đồng, phân bổ cho trung tâm GDNN các huyện, thành phố thực hiện nâng cấp cơ sở vật chất trường lớp học.

Để công tác dạy nghề cho lao động nông thôn ngày càng hiệu quả, thời gian tới cần tiếp tục tuyên truyền, tư vấn học nghề nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của công tác đào tạo nghề cho lao động nông nghiệp, nông thôn, giới thiệu việc làm và vận động lao động nông thôn tham gia học nghề. Rà soát, sửa đổi, bổ sung ngành nghề đào tạo và hỗ trợ chi phí đào tạo phù hợp với điều kiện thực tế. Khuyến khích hợp tác giữa doanh nghiệp và cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn. Đầu tư đồng bộ cơ sở vật chất giáo dục. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý dạy nghề. Xây dựng hệ thống thông tin thị trường lao động, dự báo nguồn nhân lực của địa phương, cả nước để xây dựng, triển khai kế hoạch đào tạo gắn với giải quyết việc làm; thành lập bộ phận quan hệ doanh nghiệp tại các cơ sở đào tạo để nắm bắt nhu cầu, giới thiệu việc làm cho học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp.