Sở Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện tốt công tác tuyên truyền, triển khai, thực hiện Nghị định số 71/2020/NĐ-CP ngày 30/6/2020 của Chính phủ; tham mưu xây dựng Kế hoạch số 04/KH-UBND ngày 04/01/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh về thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở giai đoạn 2020- 2025; Kế hoạch số 137/KH-UBND ngày 06/7/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh về nâng trình độ chuẩn được đào tạo giáo viên mầm non, tiểu học, trug học cơ sở năm 2023 trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thành phố tiến hành rà soát thực trạng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên cấp học mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trong đó tập trung vào đội ngũ giáo viên chưa đạt chuẩn về trình độ được đào tạo theo Luật Giáo dục năm 2019 có nguyện vọng học nâng chuẩn, để từ đó đề xuất giải pháp, lộ trình thực hiện đào tạo, bồi dưỡng đối với cán bộ quản lý, giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở giai đoạn 2020-2025.
Hiện nay, tổng số giáo viên toàn tỉnh là 13.395, trong đó mầm non 5.348, tiểu học 4.375, trung học cơ sở 3.672. Số giáo viên đạt trình độ chuẩn được đào tạo 11.875 , trong đó mầm non 5.092, tiểu học 3.563, trung học cơ sở 3.220. Tỷ lệ % giáo viên đạt trình độ chuẩn được đào tạo là 88,85%, trong đó mầm non 95,21%, tiểu học 81,44%, trung học cơ sở 87,69%. Kết quả đào tạo năm 2023 tổng số giáo viên dự kiến đào tạo theo kế hoạch năm 2023 là 298; trong đó mầm non 7, tiểu học 127, trung học cơ sở 96. Số giáo viên tham gia đào tạo nâng trình độ chuẩn năm 2023 là 290, trong đó mầm non 73, tiểu học 113, trung học cơ sở 91. Số giáo viên được cử đi và hỗ trợ tiền đóng học phí là 69, trong đó mầm non 13, tiểu học 22, trung học cơ sở 34. Số giáo viên tự túc tiền đóng học phí 234, trong đó mầm non 70, tiểu học 105, trung học cơ sở 59. Tỷ lệ giáo viên tham gia đào tạo nâng trình độ chuẩn so với kế hoạch dự kiến 97,31, trong đó mầm non 97,33%, tiểu học 88,18%, trung học cơ sở 94,79%.
Có thể khẳng định, Nghị định số 71/2020/NĐ-CP đã tác động mạnh mẽ đối với lộ trình đổi mới căn bản, toàn điện giáo dục và đào tạo; giáo viên tích cực tham gia đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu đặc biệt là Chương trình Giáo dục phổ thông 2018; tạo điều kiện cho các nhà trường xây dựng lộ trình, đảm bảo thực hiện linh hoạt các hoạt động; giáo viên được nắm bắt, tiếp thu kiến thức mới, phương pháp mới từ đó nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Tuy nhiên, tỷ lệ giáo viên nộp hồ sơ đăng ký tham gia đào tạo ít hơn so với kế hoạch đặt ra. Nguồn ngân sách nhà nước bố trí hằng năm cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức, viên chức hạn hẹp, do đó phần lớn các giáo viên tham gia đào tạo nâng trình độ chuẩn phải tự túc kinh phí. Số lượng giáo viên còn mỏng nên khi cử giáo viên tham gia đào tạo gây khó khăn cho việc sắp xếp, bố trí giáo viên dạy thay.
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế trong triển khai thực hiện Nghị định số 71/2020/NĐ-CP, thời gian tới tỉnh xây dựng tiêu chí; xác định đối tượng, chỉ tiêu, số lượng giáo viên tham gia đào tạo nâng trình độ chuẩn và xây dựng kế hoạch thực hiện. Bố trí, sắp xếp giáo viên ở các cơ sở giáo dục hợp lý, bảo đảm thuận lợi cho giáo viên vừa làm, vừa học. Lựa chọn cơ sở đào tạo thực hiện đào tạo nâng chuẩn đối với giáo viên mầm non, tiểu học và trung học cơ sở trên địa bàn tỉnh. Căn cứ số lượng giáo viên được cử đi đào tạo, xây dựng dự toán kinh phí hỗ trợ cho giáo viên được cử đi học theo quy định của pháp luật./.