Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh luôn quan tâm, coi trọng phát triển ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Chính quyền điện tử trong hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước và phục vụ người dân, doanh nghiệp. Trên cơ sở đó, các sở, ban, ngành đã thực hiện đạt kết quả bước đầu trong triển khai việc xây dựng Chính quyền điện tử, xây dựng và đưa vào vận hành hệ thống một cửa, hệ thống phần mềm văn phòng điện tử, Cổng dịch vụ công nhằm nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm của đội ngũ công chức trong việc phục vụ người dân và doanh nghiệp. Về hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin, tỉnh đã quan tâm đầu tư và huy động từ nhiều nguồn để mua sắm trang thiết bị hạ tầng công nghệ thông tin, đến nay đã đáp ứng cơ bản yêu cầu cho việc xây dựng Chính quyền điện tử: Tỷ lệ máy tính trang bị cho cán bộ, công chức các sở, ngành cấp tỉnh đạt 96%, cấp huyện đạt 88%, cấp xã đạt trên 70%; 100% các sở, ban, ngành, UBND các huyện, TP đã có máy chủ, mạng nội bộ và kết nối internet băng thông rộng; mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước đã được triển khai tại 63 điểm. Bên cạnh đó, Trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh có quy mô 23 máy chủ và các thiết bị khác, cơ bản đáp ứng được yêu cầu trong việc cung cấp hạ tầng kỹ thuật cho việc triển khai các phần mềm dùng chung, các dịch vụ công trực tuyến, góp phần tích cực vào việc nâng cao hiệu quả quản lý và điều hành của các cơ quan nhà nước; hệ thống bảo mật, an ninh thông tin đã được đầu tư mới với các trang thiết bị tường lửa, hệ thống chống thư rác và các phần mềm phòng, chống virus.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước được triển khai đồng bộ, phần mềm Văn phòng điện tử đã được triển khai tới tất cả các sở, ban, ngành, UBND các huyện, TP, các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh và được liên thông với Trục liên thông văn bản quốc gia để gửi nhận văn bản cấp 4 từ trung ương đến cấp xã, tạo ra một bước tiến lớn trong công tác quản lý, điều hành và xử lý công việc; 100% các sở, ban, ngành, UBND các huyện, TP đã sử dụng chữ ký số và công bố phương thức trao đổi văn bản điện tử có sử dụng chữ ký số trên môi trường mạng; 80% thông tin chỉ đạo, điều hành được đưa lên Cổng thông tin điện tử, Trang thông tin điện tử của các đơn vị; 90% văn bản nội bộ của các cơ quan, đơn vị được trao đổi dưới dạng điện tử, không sử dụng văn bản giấy; 90% các văn bản, tài liệu chính thức trao đổi giữa các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh được thực hiện hoàn toàn bằng điện tử; 50% các văn bản, tài liệu chính thức trao đổi với các cơ quan ngoài tỉnh dưới dạng điện tử. Bên cạnh đó, phần mềm một cửa điện tử đã được triển khai ứng dụng tại Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh, kết nối với 100% sở, ban, ngành và bộ phận dịch vụ công của UBND các huyện, thành phố, các xã, thị trấn. Hệ thống thư điện tử đã cấp gần 8.000 địa chỉ thư điện tử; hệ thống truyền hình trực tuyến được kết nối từ UBND tỉnh tới 11 Văn phòng HĐND, UBND các huyện, TP mang lại hiệu quả cao, tiết kiệm kinh phí, thời gian của hội nghị.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong các doanh nghiệp của tỉnh bước đầu đạt được một số kết quả nhất định, các doanh nghiệp đã nhận thức tốt về ứng dụng công nghệ thông tin và có đầu tư về cơ sở hạ tầng cho ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin trong hoạt động sản xuất kinh doanh như: Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, bưu chính, viễn thông trên địa bàn tỉnh. Hàng năm, Sở Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với Sở Nội vụ mở các lớp đào tạo, tập huấn cho cán bộ lãnh đạo, cán bộ phụ trách lĩnh vực công nghệ thông tin của các cơ quan, đơn vị và các lớp phổ cập kiến thức cơ bản, nâng cao cho cán bộ công chức các cấp. Cùng với đó, tỉnh Hòa Bình đã ban hành quy chế đảm bảo an ninh thông tin trong hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin của các cơ quan nhà nước và các đơn vị sự nghiệp trên địa bàn tỉnh; hiện nay, tỷ lệ các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh cài đặt các phần mềm diệt virus bản quyền tại các hệ thống máy chủ, máy trạm tại các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh đạt 91,2%, cấp huyện, TP đạt 70%; 100% máy chủ thuộc hệ thống thông tin dùng chung của tỉnh đã được cài đặt, cấu hình tường lửa, phần mềm diệt virus, cân bằng tải, cài đặt hệ thống giám sát an toàn thông tin; công tác phòng, chống thư rác, và mã độc được thực hiện tốt. Hàng năm, Sở TT&TT đã triển khai các hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông, Cục An toàn thông tin, VNCERT, ban hành các văn bản cảnh báo, xử lý các loại virus, mã độc tới các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh như: Mã độc hóa dữ liệu. mã độc đào tiền ảo, các loại máy tính, thiết bị mạng, sản phẩm bị gắn kèm mã độc, các lỗ hổng bảo mật,.../.