Thực hiện theo kế hoạch đã xây dựng, Hội Nông dân tỉnh phối hợp với trường Chính trị tỉnh tham mưu, đề xuất với Tỉnh ủy, UBND tỉnh về kế hoạch đào tạo bồi dưỡng cán bộ Hội ngắn hạn hàng năm. Hai cơ quan đã thảo luận và thống nhất xây dựng quy chế phối hợp trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ Hội Nông dân cơ sở là chủ tịch, phó chủ tịch, ủy viên thường vụ được tham gia tập huấn tại trường Chính trị tỉnh. Hội phối hợp với nhà trường xây dựng giáo trình, biên tập tài liệu, bài giảng cho học viên phù hợp với thực tiễn của địa phương. Học viên được trang bị kiến thức phong phú về các chuyên đề như: Lý luận chính trị; Nghị quyết Trung ương 7 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Hội nông dân với việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế ở cơ sở; Vai trò của Hội nông dân cơ sở; Hội nông dân Việt Nam với công tác dạy nghề và hỗ trợ việc làm cho người nông dân; Tư tưởng Hồ Chí Minh; các Nghị quyết của Trung ương, địa phương về Nông nghiệp, nông dân, nông dân, nông thôn và nhiều kiến thức, kỹ năng về công tác tuyên truyền, tổ chức các hoạt động phong trào nông dân, Công tác kiểm tra, xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, công tác văn phòng; Kỹ năng giao tiếp; kỹ năng quản lý cán bộ; diễn thuyết trước công chúng; kỹ năng lập chương trình, kế hoạch; kỹ năng hòa giải cơ sở và nhiều văn bản quan trọng khác. Những nội dung trên là cần thiết đối với các cán bộ Hội cơ sở để áp dụng trong hoạt động thực tiễn.
Tính từ năm 2010-2015, đã có tổng số trên 2.000 lượt cán bộ chủ chốt ở cơ sở được tham gia bồi dưỡng, trong đó các lớp học được mở tại trường Chính trị tỉnh, trường Cán bộ Trung ương Hội; lớp do Hội Nông dân tự mở, tại Trung tâm chính trị các huyện, thành phố…Hàng năm Hội nông dân tỉnh mở các lớp học có phương pháp giảng dạy tích cực, thúc đẩy tính tự giác, chủ động, tư duy sáng tạo của học viên, lấy học viên làm trung tâm. Bằng những bài tập tình huống, sát thực, đảm bảo kiến thứ về lý luận, liên hệ với thực tiễn sinh động đã tạo cho học viên niềm vui trong lớp học, mong muốn mang kiến thức tích lũy về địa phương để vận dụng, góp phần xây dựng tổ chức hội vững mạnh. Trong năm 5 năm, đã có gần 40 lớp đào tạo từ Trung ương đến cơ sở cho hơn 11.500 học viên là cán bộ hội. Đến nay đã có 100% cán bộ Hội được đào tào, bồi dưỡng về nghiệp vụ công tác hội, trên 70% cán bộ có trình độ chuyên môn và lý luận theo quy định.
Bên cạnh đó, nhiều lớp học nghề cho hội viên nông dân cũng được tổ chức theo nhu cầu nhằm khôi phục nghề truyền thống. Cụ thể, có 659 lớp dạy nghề cho 20.097 học viên. Nội dung dạy nghề thiết thực, phù hợp với nông dân, gắn với giải quyết việc làm tại chỗ là chủ yếu.
Hiện nay, nhu cầu đào tạo của hội ngũ cán bộ hội còn rất lớn, việc thực hiện Đề án theo Quyết định 1045-QĐ/TTg của Thủ tướng Chính phủ chưa được lan rộng. Vì vậy, trong giai đoạn tiếp theo 2016 – 2020, Hội nông dân sẽ tiến hành nghiên cứu, khảo sát nhu cầu để xây dựng Đề án đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Hội các cấp đề nghị các cấp phê duyệt. Theo đó, đào tạo, bồi dưỡng theo quy hoạch, đảm bảo tiêu chuẩn công chức theo chức danh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới, cán bộ được đào tạo có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức, có kiến thức và năng lực quản lý, điều hành; có kỹ năng hoạt động thực tiễn về công tác Hội. Nội dung và hình thức đào tạo tiếp tục đổi mới, kết hợp các loại hình đào tạo chính quy, tập trung với ngắn hạn, tại chỗ theo từng đối tượng.