Những năm qua, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh luôn quan tâm, chăm lo đến công tác giáo dục dân tộc (GDDT) từ đó tạo thêm nhiều điều kiện thuận lợi cho giáo viên, học sinh ở vùng sâu, xa, khó khăn cũng như vùng đồng bào dân tộc thiểu số về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên và các điều kiện phục vụ khác. Vì vậy, công tác GDDT đã có bước phát triển mới, chất lượng học sinh được nâng lên, góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn toàn tỉnh.
Theo Chánh văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nguyễn Hồng Mạc thời gian qua công tác GDDT trên địa bàn tiếp tục được các cấp, ngành, địa phương quan tâm, chăm lo. Hiện nay, tỉnh Hòa Bình có 11 trường phổ thông dân tộc nội trú, trong đó có một trường THPT dân tộc nội trú tỉnh, tám trường huyện và hai trường liên xã với tổng số học sinh là 2.532, trong đó có 2.338 học sinh dân tộc thiểu số. Có thể nói, hệ thống các trường phổ thông dân tộc nội trú trong tỉnh ngày càng hoàn thiện hơn. Các trường đều có phòng ở cho học sinh tương đối sạch sẽ, khu bếp ăn bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Để công tác GDDT đạt được kết quả tốt tỉnh đã thực hiện tốt việc huy động tối đa trẻ em là người dân tộc thiểu số ra lớp ở tất cả các ngành học, cấp học. Chú trọng, tăng cường cơ sở vật chất trường lớp, tài liệu đồ dùng, sách giáo khoa, sách tham khảo, thiết bị dạy học đối với các trường vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc. Tăng cường các nguồn lực, thực hiện chương trình kiên cố hóa trường lớp học, xây nhà công vụ giáo viên; đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học đối với công tác GDDT. Do vậy, các trường phổ thông dân tộc nội trú trên địa bàn hiện nay có cơ ngơi và điều kiện ngày càng tốt hơn so với các trường THCS cùng cấp.
Một thành tựu quan trong của GDDT tại tỉnh Hòa Bình là đã bảo đảm tốt nhất về “Quyền được giáo dục, học tập của trẻ em”, trong đó có trẻ em là người dân tộc thiểu số. Trẻ em được bảo đảm tốt về cơ hội học tập và phát triển tiềm năng mọi mặt. Cơ hội học tập của trẻ em trong tỉnh được bảo đảm thể hiện ở tỷ lệ trẻ em đi học bình quân hàng năm từ 99,5-99,8%, các trường vùng thuận lợi, thành phố, thị trấn đạt 100%. Vì vậy, chất lượng dạy học tại các trường vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc được nâng lên. Ngoài ra, để bảo đảm chất lượng dạy và học cho các em học sinh vùng đồng bào dân tộc được tốt hơn thì Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh cũng luôn quan tâm đến việc tổ chức, đào tạo đội ngũ giáo viên cắm bản, nhất là tại các vùng thực sự khó khăn. Đồng thời thực hiện việc điều động các giáo viên giỏi, cốt cán các bộ môn đến các trường vùng cao, khó khăn trực tiếp giảng dạy một thời gian để giúp đỡ cơ sở đổi mới và nâng cao phương pháp dạy học. Hơn nữa, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh cũng đã triển khai có hiệu quả đề án xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục giai đoạn 2005-2010, trong đó quan tâm, chú trọng đến đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên là người dân tộc thiểu số. Tổ chức điều tra, khảo sát, rà soát đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý là người dân tộc thiểu số để sắp xếp, sử dụng hợp lý; từng bước bồi dưỡng, bảo đảm đủ loại hình, định mức, chuyên môn nghiệp vụ và đáp ứng yêu cầu thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới ở phổ thông.
Đã bốn năm nay, em Lường Thị Bích Hằng người dân tộc Tày ở xóm Hạ xã Đồng Ruộng huyện Đà Bắc (Hòa Bình) đã không còn phải dạy từ tờ mờ sáng chuẩn bị cặp, sách vở rồi đi bộ hàng cây số vượt qua suối, đồi núi để đến trường học nữa, vì hiện nay em đang theo học lớp 9A tại Trường Dân tộc nội trú tại của huyện. Em tâm sự: “Trước đây em theo học tại trường tiểu học trên địa bàn xã ngoài thời gian đến lớp em phải ở nhà phụ giúp bố mẹ làm nương, rẫy nên không có thời gian nhiều cho việc học tập. Sang đến cấp 2, em được chuyển lên học tại Trường Dân tộc nội trú tại trung tâm huyện cách nhà hơn 70 km. Thời gian đầu em hơi bỡ ngỡ vì môi trường học tập mới, cộng với nhớ gia đình nên việc học tập có phần hơi đuối. Tuy nhiên, được sự giúp đỡ tận tình của các thầy cô giáo và bạn bè trong lớp nên những vấn đề trên cũng dần được khắc phục. Điều đáng nói là từ khi theo học tại trường thì chất lượng học tập của em đã dần được nâng lên rõ rệt. Hiện nay, ngoài những lúc lên lớp học, em còn có thời gian học tại phòng, được vui chơi với các bạn cùng trang nứa và trồng rau tăng gia sản xuất. Vui lắm ạ! E mong muốn các ban, ngành tại địa phương cũng như trên địa bàn tỉnh tiếp tục có những giải pháp tốt hơn nữa nhằm đưa công tác GDDT trên địa bàn ngày càng phát triển. Từ đó những học sinh dân tộc thuộc vùng sâu, xa, khó khăn như chúng em sẽ có nhiều điều kiện học tập tốt để mai sau về xây dựng quê hương.” Mong ước nhỏ nhoi đó không phải chỉ riêng em Hằng mà cũng là mơ ước của hàng trăm học sinh dân tộc đang theo học tại Trường Dân tộc nội trú huyện.
Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng huyện vùng cao Đà Bắc này đang từng bước triển khai có hiệu quả công tác GDDT để từ đó giúp các em học sinh dân tộc thiểu số có nhiều cơ hội học tập tốt hơn. Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, Phó phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phạm Quốc Vinh cho biết, Đà Bắc là huyện vùng cao và đặc biệt khó khăn của tỉnh, diện tích rộng, địa hình phức tạp do bị chia cắt bởi sông, suối, đồi núi cao. Trong khi đó dân cư lại thưa, không tập trung nên việc đi lại và quy hoạch trường cũng như duy trì sỹ số các em học sinh dân tộc thiểu số trong lớp, nâng cao chất lượng dạy và học gặp nhiều trở ngại. Hiện nay số trường trực thuộc phòng quản lý là 65 trường với tổng số học sinh các cấp học là 10.583 em, trong đó có tới 89% là học sinh dân tộc. Vì vậy, để nâng cao chất lượng học tập cho học sinh vùng dân tộc ngành giáo dục huyện luôn chủ động khảo sát chất lượng đầu năm để phân loại học sinh để có kế hoạch phân công giáo viên phụ đạo, bồi dưỡng học sinh yếu kém. Đồng thời triển khai công tác giáo dục ngoài giờ lên lớp cho học sinh; tăng cường công tác tư vấn hướng nghiệp cho học sinh THCS. Bên cạnh đó chỉ đạo giáo viên chú trọng dạy kỹ năng học và phương pháp học cho học sinh; đổi mới phương pháp dạy học, áp dụng các phương pháp dạy học tích cực, sáng tạo, chủ động của học sinh, khắc phục kiểu truyền thụ kiến thức một chiều. Triển khai dạy tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số mầm non, tiểu học phù hợp với đặc điểm từng địa phương…Chính vì vậy nên tỷ lệ trẻ em là người dân tộc thiểu số của huyện được huy động đến trường, lớp cao, bảo đảm chất lượng hơn.
Phát huy những kết quả đã đạt được, thời gian tới ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh sẽ tiếp tục đổi mới nhằm nâng cao chất lượng GDDT, công tác dạy và học trong trường phổ thông dân tộc nội trú và các trường có nhiều học sinh dân tộc. Tăng cường giáo dục kỹ năng sống cho học sinh dân tộc thiểu số; giáo dục tinh thần đoàn kết dân tộc sống hòa nhập với tập thể trong nhà trường và cộng đồng nơi cư trú của học sinh. Nâng cao chất lượng GDDT, triển khai nội dung tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non và học sinh tiểu học dân tộc thiểu số. Coi trọng nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, công tác quản lý GDDT; bồi dưỡng tiếng dân tộc cho giáo viên vùng dân tộc. Bổ sung giáo viên có trình độ chuyên môn giỏi, có tâm huyết với giáo dục dân tộc cho các trường phổ thông dân tộc nội trú. Tiếp tục đầu tư xây dựng cơ sở vật chất các trường phổ thông dân tộc nội trú theo hướng tăng cường chuẩn hóa và chuẩn quốc gia; đáp ứng cho 100% học sinh các trường phổ thông dân tộc nội trú có đủ phòng ở nội trú theo hướng an toàn, tiện lợi cho việc sinh hoạt, học tập. Đồng thời nghiên cứu các chính sách hỗ trợ giáo viên và học sinh ở vùng dân tộc, đặc biệt đối với học sinh bán trú.