Công an tỉnh đã chủ động tham mưu phục vụ cấp ủy Đảng, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, doanh nghiệp, trường học quán triệt, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nghiêm các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Nhà nước, Bộ Công an và của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, BCĐ 09 tỉnh về công tác xây dựng Phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội. Trọng tâm là thực hiện Kết luận số 44-KL/TW của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 09-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ trong tình hình mới; Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 26/3/2008 của Bộ Chính trị khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy trong tình hình mới; Chỉ thị số 04/CT-BCA-V28 của Bộ Công an về tăng cường xây dựng, củng cố nền an ninh Nhân dân, thế trận an ninh Nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Năm 2022, các lực lượng Công an trong toàn tỉnh đã tổ chức tuyên truyền “Phòng, chống tệ nạn ma túy và bạo lực học đường” cho hơn 400 cán bộ giáo viên, công nhna viên và học sinh Trường Cao đăng nghề Sông Đà; tổ chức hội nghị tuyên truyền, giáo dục pháp luật và Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030” gắn với phát động Phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ năm 2022 cho trên 300 Nhân dân, giáo dân xã Mỹ Thành, huyện Lạc Sơn. Phối hợp với các ngành, các cơ quan thông tin đại chúng duy trì 04 chuyên mục an ninh, chuyen mục phát thanh, đăng tải 136 tin, 172 bài viết, 51 phóng sự, 21 phát thanh, trên 300 hình ảnh tuyên truyền về ANTT. Các đơn vị Công an ở cơ sở tổ chức trên 882 buổi tuyên truyền nâng cao cảnh giác cho trên 88.500 lượt quần chúng Nhân dân về phương thức, thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm; phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em, tội phạm ma túy, tội phạm buôn bán người; phòng, chống hủ tục “Bắt vợ” trong đồng bào dân tộc Mông, tuyên truyền các quy định của pháp luật, phòng, chống dịch bệnh Covid-19, tín ngưỡng, tôn giáo,…
Công tác xây dựng, củng cố phong trào tại các địa bàn cơ sở và phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào các dân tộc thiểu số và chức sắc tôn giáo trong vận động Nhân dân tham gia Phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ được thực hiện tốt. Trong năm, đã tổ chức gặp mặtđộng viên 28 người có uy tín huyện Mai Châu, tổ chức đoàn 31 người có uy tín tiêu biếủ về Hà Nội để lãnh đạo Bộ Công an gặp mặt, biểu dương,..
Song song với đó, Công an tỉnh đã duy trì tốt hoạt động của Ban Chỉ đạo Phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong Công an tỉnh; tiếp tục chỉ đạo xây dựng và nhân rộng được 15 mô hình, nâng tổng số mô hình “Dân vận khéo” trong Công an tỉnh hiện nay là 123 mô hình.
Đặc biệt, để nâng cao hiệu quả phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, Công an tỉnh cũng thường xuyên coi trọng phát huy vai trò của lực lượng Công an xã, phường, thị trấn. Cán bộ, chiến sĩ Công an tại cơ sở đã luôn “gần dân, sát dân”, thực hiện “đi từng ngõ, gõ từng nhà” tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của Nhân dân đối với công tác bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở; khảo sát, xây dựng mới, nhân rộng các mô hình đã và đang phát huy hiệu quả tích cực trên địa bàn; củng cố hoạt động của các mô hình “tự phòng, tự quản” gắn với tiếp tục tuyên truyền về ý nghĩa, vai trò của mô hình tại khu dân cư, để thu hút cán bộ và Nhân dân hưởng ứng tham gia.
Thời gian tới, Công an tỉnh Hòa Bình sẽ tiếp tục phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao chất lượng hiệu quả phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”; thường xuyên lắng nghe ý kiến của Nhân dân, nắm bắt, giải quyết kịp thời tâm tư, nguyện vọng chính đáng của Nhân dân. Đồng thời, nhân rộng các mô hình hoạt động đã khẳng định được hiệu quả trong thực tiễn nhằm phát huy trách nhiệm, nghĩa vụ công dân, chủ động phòng ngừa, phát hiện, tố giác, đấu tranh với tội phạm, hành vi vi phạm pháp luật, tích cực tham gia thực hiện phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”./.