DetailController

Giáo dục

Nâng cao chất lượng giáo viên và đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục các cấp

03/10/2022 00:00
Những năm gần đây, việc nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp luôn là một trong những vấn đề được ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) quan tâm.

Toàn ngành GD&ĐT tỉnh hiện có 19.112 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên. Thời gian qua, Sở GD&ĐT đã quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục về đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực cho học sinh; công tác xây dựng kế hoạch hoạt động chuyên môn; nội dung giáo dục kĩ năng sống, giáo dục tích hợp liên môn… Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho cán bộ quản lý, giáo viên tham gia tập huấn chương trình giáo dục phổ thông 2018, bồi dưỡng thường xuyên do Bộ GD&ĐT và Sở GD&ĐT tổ chức. Năm học 2021 - 2022, toàn tỉnh có 222 Hiệu trưởng các trường mầm non được tập huấn về nâng cao năng lực quản lý, quản trị nhà trường, đạt tỷ lệ 100%. 23 cán bộ quản lý, 138 giáo viên cốt cán cấp Tiểu học hoàn thành bồi dưỡng 06 modul theo Chương trình bồi dưỡng của Bộ GD&ĐT; tập huấn sử dụng sách giáo khoa lớp 2, giáo dục an toàn giao thông, sử dụng tài liệu giáo dục địa phương cho 267 Phó Hiệu trưởng, 1.613 giáo viên trực tiếp dạy lớp 2, giáo viên dạy học môn Âm Nhạc, Thể Dục, Mỹ Thuật; Bồi dưỡng chuyên đề về tổ chức dạy học phát triển năng lực cho 100% giáo viên dạy lớp 2 thông qua trải nghiệm thực hành, dự giờ. Đối với cấp THCS và THPT đã tập huấn cho 3.624 giáo viên dạy học lớp 6; 100% CBQL và giáo viên phổ thông cốt cán tham gia đầy đủ các cuộc tập huấn modul 4,5,9 chương trình GDPT 2018 do Bộ GD&ĐT (ETEP, trường Đại học Thái Nguyên) tổ chức. Tổ chức bồi dưỡng thường xuyên nội dung Modul 3,4,5 cho toàn bộ giáo viên cấp THCS và cấp THPT.

Thực hiện việc bổ nhiệm, xếp lương theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp đối với đội ngũ viên chức ngành giáo dục; công tác đánh giá chuẩn nghề nghiệp đối với giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục được thực hiện nghiêm túc. Năng lực đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục cơ bản đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo. Đặc biệt trong việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên hiện nay chính là nâng cao chất lượng cán bộ quản lý, giáo viên là người dân tộc thiểu số công tác tại các trường dân tộc nội trú, dân tộc bán trú. Toàn tỉnh hiện có 13 trường phổ thông DTNT, 12 trường phổ thông DTBT, chất lượng giáo viên là người DTTS và giáo viên các trường DTNT, DTBT những năm gần đây được nâng lên đáng kể. Sở tiếp tục chỉ đạo bồi dưỡng về đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá, tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên các trường PT DTNT, PT DTBT, các trường vùng khó khăn, tập trung vào việc thực hành của giáo viên. Đổi mới sinh hoạt chuyên môn theo hướng tập trung vào đối tượng học sinh DTTS để rút kinh nghiệm, tìm ra biện pháp nâng cao chất lượng giáo dục. Ngành đã chủ động bố trí, sắp xếp hợp lý đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, bổ sung cán bộ quản lý, giáo viên có trình độ chuyên môn giỏi, tâm huyết cho các trường vùng đặc biệt khó khăn. Điều động những giáo viên giỏi, giáo viên cốt cán các bộ môn từ trường thuận lợi đến trường vùng đồng bào dân tộc, vùng đặc biệt khó khăn.

Thường xuyên tổ chức các Hội thi cán bộ, giáo viên, nhân viên giỏi cấp tỉnh; năm học 2021 - 2022 đã công nhận 184 giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh bậc học mầm non, phổ thông và cán bộ, giáo viên làm Tổng phụ trách Đội TNTPHCM giỏi.       Bên cạnh đó, ngành GD&ĐT tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị số 138/CT-BGD&ĐT ngày 18/01/2019 của Bộ GD&ĐT về việc chấn chỉnh tình trạng lạm dụng hồ sơ trong nhà trường; Chỉ thị số 1737/CT-BGD&ĐT ngày 15/8/2018 của Bộ GD&ĐT về việc tăng cường công tác quản lý và nâng cao đạo đức nhà giáo. Bên cạnh đó, ngành Giáo dục đã đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra nền nếp, kỷ cương trường, lớp học; thực hiện đúng quy chế làm việc và văn hóa công sở. Tiếp tục thực hiện chính sách tinh giản biên chế theo Nghị định số 108/2014/NĐ-CP của Chính phủ.

Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị 34/CT-TW của Bộ Chính trị về tăng cường công tác giáo dục chính trị, củng cố các tổ chức Đảng, đoàn thể quần chúng, đẩy mạnh công tác phát triển đảng viên mới trong các trường học. Toàn ngành có 564 Chi, Đảng bộ với 11.906 đảng viên, trong đó có 9.198 đảng viên nữ chiếm 77,2%, có 6.393 đảng viên người dân tộc thiểu số, chiếm tỷ lệ 53,7% so với tổng số đảng viên toàn ngành.

Năm học 2022 - 2023, ngành GD&ĐT tiếp tục tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động để tạo sự đoàn kết, thống nhất trong toàn ngành; xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục các cấp thực sự gương mẫu, là tấm gương cho học sinh, sinh viên noi theo. Tổ chức triển khai thực hiện quyết định của Bộ Chính trị về việc bổ sung biên chế giáo viên cho các địa phương trong năm học 2022-2023 và những năm tiếp theo, trong đó ưu tiên biên chế để tuyển dụng giáo viên cho các môn học mới trong Chương trình GDPT 2018. Đặc biệt là bố trí đủ giáo viên dạy học các môn Ngoại ngữ và môn Tin học để triển khai Chương trình GDPT 2018 đối với lớp 3. Tiếp tục triển khai Kế hoạch thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở theo quy định tại Nghị định số 71/2020/NĐ-CP ngày 30/6/2020 của Chính phủ. Chú trọng bồi dưỡng thường xuyên, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý, giảng dạy đáp ứng yêu cầu chuẩn hiệu trưởng, chuẩn nghề nghiệp giáo viên các cấp học và thực hiện Chương trình GDPT 2018. Thực hiện đào tạo giáo viên gắn với nhu cầu để bảo đảm đủ về cơ cấu, số lượng, chất lượng đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục./.