Trong những năm qua, ngành GD&ĐT và UBND các huyện, thành phố đã rất coi trọng công tác giáo dục dân tộc, thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng dạy và học đối với học sinh dân tộc. Một trong những thành tựu rất quan trọng của giáo dục dân tộc là đảm bảo tốt nhất về “quyền được giáo dục, học tập của trẻ em”, trong đó có trẻ em là người dân tộc thiểu số. Toàn tỉnh có 11 trường phổ thông dân tộc nội trú, trong đó có 1 trường PTDTNT tỉnh, 8 trường PTDT NT huyện, 2 trường PTDTNT liên xã. Năm học 2010- 2011, toàn tỉnh có 135.154 học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ 70 %, trong đó có 36.490 cháu mầm non; 43.456 học sinh dân tộc thiểu số cấp tiểu học; 33.659 học sinh dân tộc thiểu số cấp THCS; 17.226 học sinh dân tộc thiểu số cấp THPT; 1.812 học viên dân tộc thiểu số; 2.511 học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số các trường cao đẳng, trung học chuyên nghiệp.
Cùng với việc nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, ngành GD&ĐT đã tập trung chỉ đạo chăm lo, quan tâm đến đội ngũ CBQL, giáo viên là người dân tộc thiểu số trong các đơn vị, trường học. Qua đó, chất lượng giáo viên là người dân tộc thiểu số được nâng cao. Tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn và vượt chuẩn là: Giáo dục mầm non có 94,3% đạt trình độ chuẩn trở lên trong đó trên chuẩn đạt 16,8%; giáo dục tiểu học có 100% đạt trình độ chuẩn trở lên trong đó trình độ trên chuẩn đạt 53,3% ; giáo viên các trường THCS, PTDTNT huyện, liên xã: 100% đạt trình độ chuẩn trở lên, trong đó trên chuẩn đạt 54,2%; Giảng viên các trường CĐSP, Trung học kinh tế- kỹ thuật 100% đạt chuẩn trở lên, trong đó trường CĐSP trên chuẩn đạt 50%... Bên cạnh đó, ngành GD&ĐT tiếp tục thực hiện chỉ thị số 34/CT- TW của Bộ chính trị về tăng cường công tác giáo dục chính trị, củng cố tổ chức Đảng, đoàn thể quần chúng, đẩy mạnh công tác phát triển đảng viên mới trong các trường học. Đến nay, toàn ngành GD&ĐT đã có 06 đảng bộ và 714 chi bộ trường học với tổng số 8.880 đảng viên. Trong đó có 6.255 đảng viên nữ chiếm 70,4%; 3.943 đảng viên là người dân tộc thiểu số , chiếm 44,4% so với tổng số đảng viên toàn ngành.
Ngành GD&ĐT đã nêu lên một số khó khăn, tồn tại trong thực hiện công tác giáo dục dân tộc như: Chất lượng giáo dục chưa đồng đều, chưa thật sự đáp ứng được yêu cầu đổi mới hiện nay nhất là ở các vùng đặc biệt khó khăn do trình độ nhận thức của học sinh còn hạn chế, đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, năng lực, trình độ tổ chức của một số cán bộ, giáo viên người dân tộc thiểu số còn yếu, chưa đảm bảo yêu cầu về chất lượng và không đồng bộ. Tỷ lệ ngân sách đầu tư cho giáo dục chưa thỏa đáng, cơ sở vật chất phương tiện dạy học của các trường học, nhất là các trường vùng đồng bào dân tộc học nhìn chung còn thấp…
Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận, thống nhất đưa ra các giải pháp nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục dân tộc trong thời gian tới như: tăng cường cơ sở vật chất trường lớp, trang thiết bị dạy học đối với công tác giáo dục dân tộc; công tác quy mô phát triển các hình thức tổ chức dạy học trường THPT dân tộc nội trú; hình thức lớp bán trú dân nuôi; chất lượng dạy và học cũng như các điều kiện thực hiện nâng cao chất lượng dạy và học trong đội ngũ nhà giáo, vấn đề cơ sở vật chất….
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, đồng chí Bùi Văn Cửu, Phó chủ tịch TT UBND tỉnh đã ghi nhận những kết quả trong công tác giáo dục dân tộc ngành GD&ĐT đạt được năm 2011- 2012. Đồng chí Phó chủ tịch TT UBND tỉnh cũng đề nghị toàn ngành GD&ĐT cần đặc biệt chú trọng vấn đề giáo đạo đức, tư tưởng, lối sống cho học sinh, sinh viên đặc biệt là học sinh, sinh viên dân tộc biết giữ gìn và phát huy đúng bản sắc của dân tộc; tích cực nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục dân tộc trên địa bàn tỉnh trong những năm tiếp theo, phấn đấu Hòa Bình ở trong tốp 6 tỉnh làm tốt công tác phổ cập giáo dục trong cả nước.