DetailController

Giáo dục

Nâng cao chất lượng công tác giáo dục lý luận chính trị

18/01/2013 00:00
Thời gian qua, công tác giáo dục lý luận chính trị trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đã đạt được những kết quả tốt. Công tác giáo dục lý luận chính trị góp phần phục vụ đắc lực cho việc nâng cao bản lĩnh chính trị và năng lực hoàn thành nhiệm vụ cho cán bộ, đảng viên ở cơ sở cũng như sự lãnh đạo của tổ chức Đảng và điều hành quản lý của chính quyền…góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế trên địa bàn.

Xuất phát từ tình hình thực tế của tỉnh, thực hiện Nghị quyết đại hội XI của Đảng về công tác tư tưởng lý luận; sự hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ của Ban Tuyên giáo Trung ương và sự lãnh đạo, chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy, công tác giáo dục lý luận chính trị trên địa bàn tỉnh trong năm qua đã đạt được những kết quả tích cực. Trên cơ sở bám sát hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương về nhiệm vụ giáo dục lý luận chính trị và sự chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy, Ban Tuyên giáo tỉnh đã chỉ đạo các Trung tâm bồi dưỡng chính trị (TTBDCT) huyện, thành phố chủ động phối hợp với các Ban xây dựng Đảng, các ngành, đoàn thể, tổ chức xây dựng và thực hiện kế hoạch, nội dung chương trình mở lớp phù hợp, đúng đối tượng, sát với tình hình thực tế của từng địa phương, cơ sở. Theo đó, Ban đã phân công cán bộ tăng cường đi cơ sở để nắm bắt tình hình thực tế, kiểm tra hoạt động của các TTBDCT, ghi nhận những kiến nghị, vướng mắc nảy sinh trong công tác giáo dục lý luận chính trị ở địa phương, đơn vị từ đó đề xuất hướng giải quyết hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét; theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra quá trình mở lớp ở các TTBDCT theo kế hoạch đã được cấp ủy phê duyệt…

            Theo đó, năm 2012 công tác đào tạo, bồi dưỡng giảng dạy lý luận chính trị được cấp ủy chính quyền các cấp quan tâm, tạo điều kiện hơn về mọi mặt đẻ TTBDCT cấp huyện thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao. Thực hiện sự chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, các TTBDCT đã chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền phối hợp với các đảng bộ ơ sở, các Ban xây dựng Đảng xây dựng kế hoạch mở lớp hàng năm. Nhiều trung tâm đã xây dựng được quy chế phối hợp với các ngành liên quan; việc thông tin hai chiều giữa trung tâm với các đơn vị, cơ sở được duy trì đều đặn đã giúp cho công tác xây dựng kế hoạch bồi dưỡng giáo dục lý luận chính trị sát với yêu cầu nhiệm vụ. Mặc dù còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, nhất là kinh phí phục vụ hoạt động, trang thiết bị chưa đáp ứng thật tốt yêu cầu công tác, song nền nếp dạy, học, tiến độ, chất lượng các lớp đào tạo bồi dưỡng lý luận chính trị, nghiệp vụ vẫn được duy trì và bảo đảm đúng kế hoạch đề ra. Trong năm, các TTBDCT huyện, thành phố đã mở được 367 lớp với tổng số 26.734 học viên tham gia. Các chương trình đào tạo gồm sơ cấp lý luận chính trị, đối tượng Đảng, đảng viên mới, bồi dưỡng nghiệp vụ. chuyên đề, ngành, đoàn thể và các lớp theo yêu cầu cấp ủy. Điều đáng nói là tất cả các trung tâm đều thực hiện vượt mức kế hoạch năm 2012, điển hình là các huyện Kỳ Sơn 158%, Lạc Thủy 137%, Cao Phong 125%...

Nét nổi bật trong công tác đào tạo, bồi dưỡng ở các Trung tâm là luôn bám sát vào chương trình, kế hoạch được thường trực huyện ủy phê duyệt; có sự chủ động, phối hợp chặt chẽ với Ban Tổ chức, Ban Tuyên giáo huyện ủy, các ngành, đoàn thể liên quan và đội ngũ giảng viên kiêm chức. Nội dung chương trình lớp học thực hiện nghiêm túc theo đúng hướng dẫn, bảo đảm tính tư tưởng, thiết thực và mới mẻ; gắn nội dung bài giảng với tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp; tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; phong trào xây dựng nông thôn mới; tinh thần quốc tế trong nước và ngoài tỉnh…Ngoài ra, các TTBDCT đã tích cực triển khai các lớp nghiên cứu Nghị quyết Trung ương 3,4,5 (khóa XI) và thông tin thời sự, chính sách cho hàng nghìn lượt cán bộ, đảng viên. Điển hình là các trung tâm của huyện Kỳ Sơn, Cao Phong, Lạc Thủy, Tân Lạc, Yên Thủy, thành phố Hòa Bình, Đà Bắc. Bên cạnh việc mở lớp theo kế hoạch, các trung tâm còn liên kết phối hợp với Trường Chính trị tỉnh và các ngành liên quan mở các loại hình lớp khác nhau theo yêu cầu của cấp ủy nhằm đáp ứng nhu cầu chuẩn hóa đội ngũ cán bộ cơ sở và phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Không những vậy, việc nâng cao chất lượng, đổi mới phương thức giảng dạy và học tập tiếp tục được chú trọng. Một số trung tâm đã tổ chức tốt các buổi tọa đàm cho đội ngũ giảng viên để bàn bạc, thống nhất cách làm việc, trao đổi học hỏi kinh nghiệm; tổ chức thăm lớp dự giờ; cung cấp tài liệu, duyệt giáo án; phát phiếu thăm dò chất lượng đội ngũ giảng viên…Các trung tâm cũng rất chú trọng việc nắm thông tin hiệu quả học tập của học viên sau khi trở về cơ sở, cập nhật những vấn đề phát sinh từ thực tế để bổ sung bài giảng cho sát hợp, thực hiện phân tích, đánh giá chất lượng học viên, giúp cho giảng viên có thông tin, cơ sở lựa chọn phương pháp dạy, học phù hợp, hiệu quả. Đặc biệt, nhiều trung tâm đã mạnh dạn đổi mới phương pháp giảng dạy như tăng cường đối thoại với học viên, phát huy tính tích cực của học viên trong giờ học, tăng cường thảo luận, viết bài thu hoạch, sử dụng phương tiện dạy học hiện đại. Hiện nay, cùng với phương pháp giảng dạy truyền thống, đa số các TTBDCT được trang bị phương tiện hỗ trợ giảng dạy như máy tính, đèn chiếu…Phần đông giảng viên đã sử dụng tốt công cụ hỗ trợ phù hợp với nội dung, yêu cầu bài giảng. Đồng thời cũng căn cứ vào điều kiện cụ thể về thời gian, địa điểm, tính chất của lớp học, một số trung tâm đã chủ động mở lớp ngay tại cơ sở, đặc biệt là các xã vùng sâu, xa, những nơi đi lại khó khăn để tạo điều kiện thuận lợi cho cán bọ, đảng viên ở cơ sở được học tập, bồi dưỡng. Các lớp đào tạo, bồi dưỡng đều được tổ chức, quản lý chặt chẽ, việc tổ chức, kiểm tra, đánh giá, xếp loại học viên và cấp giấy chứng nhận hoặc bằng tốt nghiệp bảo đảm đúng hướng dẫn, quy định của Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.

Có thể nói, việc thực hiện các chương trình đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị ở các TTBDCT đã phục vụ đắc lực cho việc nâng cao bản lĩnh chính trị và năng lực hoàn thành nhiệm vụ cho cán bộ, đảng viên ở cơ sở, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo của tổ chức Đảng, năng lực điều hành quản lý của chính quyền và đổi mới phương thức hoạt động của các đoàn thể trong hệ thống chính trị ở cơ sở, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn. Đạt được những kết quả như trên là sự cố gắng nỗ lực của đội ngũ cán bộ, giảng viên các TTBDCT; sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các ban, ngành, đoàn thể và sự tham gia nhiệt tình trong công tác giảng dạy của đội ngũ giảng viên kiêm chức, ý thức học tập lý luận chính trị, nghiệp vụ chuyên môn của cán bộ, đảng viên được nâng cao là nhân tố đảm bảo hoạt động có hiệu quả công tác giáo dục lý luận chính trị trong năm qua.

Tuy nhiên, công tác giáo dục lý luận chính trị nói chung, hoạt động của các TTBDCT nói riêng còn bộc lộ một số hạn chế như sự quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, cơ sở vật chất, kinh phí, hỗ trợ về chính sách cho hoạt động của các trung tâm, các đối tượng học viên ở một số cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương có nơi, có lúc chưa được thường xuyên, chặt chẽ. Đội ngũ cán bộ của trung tâm và đội ngũ giảng viên kiêm chức cần phải được nâng cao hơn nữa về năng lực chuyên môn cũng như trình độ lý luận chính trị; việc sử dụng tin học và ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy một số giảng viên còn chưa thành thạo, hiệu quả thấp…Trong thời gian tới, các cơ quan chuyên môn sẽ tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp nâng cao năng lực tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ công tác giáo dục lý luận chính trị một cách toàn diện. Trong đó coi trọng việc đổi mới và nâng cao chất lượng công tác giáo dục lý luận chính trị, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đảng viên gắn với tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc thực hiện, chỉ tiêu, kế hoạch đề ra. Củng cố và xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên làm công tác giáo dục lý luận chính trị bảo đảm về số lượng, chuẩn hóa về tiêu chuẩn và có năng lực, nhiệt tình, trách nhiệm; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác giáo dục lý luận chính trị, hoạt động dạy và học tại các trung tâm; đổi mới công tác chiêu sinh, tổ chức, quản lý lớp học theo hướng sát với thực tế, hiệu quả. Tạo điều kiện để cán bộ, giảng viên, học viên đi thực tế nghiên cứu, học tập kinh nghiệm góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập và giúp đội ngũ cán bộ, đảng viên cơ sở rút ra được những kinh nghiệm quý báu trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị.