PV: Xin ông cho biết những kết quả bước đầu triển khai Đề án 1956?
Ông Nguyễn Thanh Thủy: Sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án 1956, UBND tỉnh đã thành lập BCĐ gồm 23 thành viên; xây dựng và triển khai đề án quy hoạch mạng lưới các cơ sở dạy nghề đến năm 2020. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 327 cơ sở dạy nghề, tăng 17 cơ sở so với năm 2005; mỗi huyện đều có 1 trung tâm dạy nghề. Thông qua nhiều hình thức tuyên truyền, nhận thức của người lao động về học nghề đã có nhiều chuyển biến tích cực. Qua khảo sát, nhu cầu đào tạo nghề giai đoạn 2010-2020 toàn tỉnh là 123.000 lao động. Bình quân hàng năm có khoảng 11.000 lao động có nhu cầu đào tạo. Trong khi đó, các cơ sở dạy nghề mỗi năm có khả năng đào tạo cho khoảng 16.000 lao động. Khảo sát 1.457 doanh nghiệp trên địa bàn, nhu cầu đến năm 2020 cần tuyển thêm khoảng 13.372 lao động, chủ yếu trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Từ việc khảo sát, tỉnh đã mở thí điểm 2 lớp dạy nghề nuôi lợn thịt, trồng nấm cho 60 học viên huyện Lạc Sơn; mô hình dạy nghề gắn với sản xuất chổi chít của Công ty TNHH Minh Thắng (Kỳ Sơn); dạy nghề, chuyển giao kỹ thuật nuôi cá lồng, nuôi dế ở huyện Đà Bắc; may công nghiệp liên kết giữa Công ty May Sông Đà với Trung tâm Dịch vụ việc làm. Năm 2010, toàn tỉnh mở được 48 lớp cho 1.315 người; từ đầu năm đến hết tháng 8/2011 đã mở 37 lớp với 11 nghề: dệt thổ cẩm, trồng nấm rơm, mây - tre đan, trồng cây công nghiệp, làm chổi chít, chăn nuôi, may công nghiệp, nuôi cá lồng, điện dân dụng, trồng hoa, thêu ren. Số lao động sau khi học nghề có việc làm đạt gần 70%.
Tuy nhiên, một số địa phương còn chậm thành lập BCĐ; việc tuyên truyền, tư vấn dạy nghề còn hạn chế, kinh phí hạn hẹp. Một số cơ quan, đơn vị và nhân dân chưa nhận thức đầy đủ trách nhiệm của mình trong quá trình thực hiện. Sự phối hợp giữa các cơ quan từ tỉnh đến cơ sở chưa nhịp nhàng. Hầu hết các trung tâm dạy nghề mới được thành lập, cơ sở vật chất, số lượng giáo viên thiếu và yếu.
PV: Xin ông cho biết những giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo?
Ông Nguyễn Thanh Thủy: Tỉnh ta phấn đấu cuối năm 2011 nâng chỉ tiêu đào tạo nghề cho lao động trong tỉnh lên 29%, trong đó, lao động khu vực nông thôn 21%. Để đạt được mục tiêu năm và nâng cao chất lượng đào tạo theo Đề án 1956 cần tăng cường tuyên tuyền cho CB, ĐV và nhân dân tiếp thu, nắm bắt được chủ trương, chế độ, chính sách theo đúng tinh thần Quyết định 1956 của Chính phủ bằng nhiều hình thức phù hợp đến với người dân. Lập kế hoạch tổ chức thực hiện Đề án ở các cấp đến năm 2020, hoàn thiện quy chế hoạt động của các BCĐ; bố trí cán bộ lao động cấp huyện, xã làm công tác quản lý đào tạo nghề. Đẩy mạnh phát triển kinh tế để kích cầu học nghề. Đa dạng hoá hình thức đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm theo phương châm tại chỗ là chính, đào tạo theo địa chỉ, theo hướng chuyển đổi cơ cấu kinh tế của từng địa phương. Đẩy nhanh phát triển thị trường lao động thông qua sàn giao dịch việc làm, kết hợp dạy nghề với phát triển các làng nghề truyền thống. Tổ chức tốt công tác QLNN về dạy nghề. Điều tra, phân loại hàng năm số lao động có nhu cầu học nghề để có những giải pháp đào tạo hợp lý theo từng nhóm tuổi.
PV: Xin cảm ơn ông!