DetailController

Giáo dục

Nắng ấm ngôi trường nội trú vùng cao

17/02/2013 00:00

Nắng đã lên và sương đã tan dần trên những ngôi nhà ở Nà Nguồm, Mường Chiềng, huyện Đà Bắc. Từ phía khu A, khu B, trường PTDTNT liên xã Mường Chiềng, những học sinh trong trang phục Tày, Dao, Mường... ríu rít, tay trong tay đi về phía các lớp học.

Đội ngũ cán bộ, giáo viên và học sinh nhà trường luôn nỗ lực học tập, cùng chung sức đẩy mạnh phong trào thi đua “Dạy tốt-học tốt”.

 Khuôn mặt tươi vui, lấp lánh, em Quách Thị Thuý (lớp 9) hồn nhiên: Chỉ còn mấy ngày nữa thôi, chúng em lại được về ăn Tết ở bản Cơi 2, xã Suối Nánh. Hành trang mang về thăm quê dịp Tết này có kết quả học tập, rèn luyện của em và bạn bè. Em sẽ kể cho bố, mẹ, người em và các bạn trong xóm bản về ngôi trường thân thương của mình.

 

Tạm biệt khu trường cũ ở xóm Nà Mười, từ cuối năm học 2011-2012, thầy, trò nhà trường chuyển lên khu trường mới ở đồi Nà Nguồm với bao cảm xúc đan xen. Lưu luyến trường cũ, bồi hồi ngôi trường mới xây dựng (khu trường rộng tới 1,8 ha với 5 toà nhà cao tầng, 1 nhà đa năng, 2 nhà công vụ...); có các phòng học tiếng Anh, tin học, thư viện; nơi ăn, chốn ở của thầy và trò tươm tất, tử tế hơn trước nhiều. Chính vì thế, mỗi thầy, trò lại dấy lên một luồng suy nghĩ mới: được quan tâm, chăm lo thế này phải làm gì để ngôi trường có 15 năm xây dựng và phát triển này trở thành một địa chỉ đỏ tin cậy trên vùng cao. Nhìn bên ngoài, thấy rằng, ở tỉnh chưa có ngôi trường thứ 2 đẹp và bề thế như thế này. Đi dọc những hàng cây, luống hoa mới trồng, cô hiệu trưởng Nguyễn Thị Đương và thầy hiệu phó Nguyễn Hồng Quân hân hoan chia sẻ: Thầy, trò chúng tôi vui vì đã an cư ở ngôi trường bề thế này. Vấn đề là chặng đường tiếp theo phải cố gắng như thế nào. Trong đó, trường xác định yếu tố người thầy sẽ quyết định đáng kể đến việc nâng cao chất lượng giáo dục. Để rõ hơn, thôi mời các phóng viên cứ gặp gỡ, tìm hiểu từ các thầy, cô và các em học sinh...

 

Dạy học ở trường chuyên biệt, đội ngũ cán bộ, giáo viên nếu không thấy mình gắn bó với trường và các em học sinh mà chỉ “sáng vác ô đi, tối vác về” sẽ lạc lõng vô cùng. Các em từ 9 xã trong vùng, con em các dân tộc ở những xã khó khăn nhất của một huyện vùng cao, vùng lòng hồ, khi đến với trường lạ lẫm vô cùng với cuộc sống tập thể. Ngay như chuyện sử dụng công trình khép kín, ngủ giường tầng, chưa kể bản tính rụt rè, nhút nhát phòng xa người lạ rồi những thói quen cũ, những phong tục tập quán cũng là một rào cản. Nếu không thực lòng, khó có thể có “chìa khoá” đi vào cuộc sống các em. Vì thế, các thầy, cô nơi đây không chỉ vào vai người thầy, người cô mà còn như người thân của các em, chia sẻ tâm tư, tình cảm, giúp các em từng bước hoà nhập vào môi trường mới. Các thầy, cô tập nói, tập nghe tiếng Tày, tiếng Mường, tiếng Dao để có thể hiểu và trao đổi cùng các em. Bằng nhiệt huyết đó, đội ngũ cán bộ, giáo viên gồm 25 người (có 7/15 giáo viên có trình độ vượt chuẩn) đã tạo được niềm tin, sự cảm mến của phụ huynh và các em học sinh. Thầy Phí Quang không khô khan như môn toán thầy dạy mà mỗi giờ thầy dạy như mở ra một chân trời mơ ước cho các em. Thầy gần gũi, tận tình dạy bảo các em như con em mình. Luôn nghiêm túc, chừng mực trong mỗi tiết dạy nhưng thầy biết cách truyền cho các em cách đến việc học tập bằng sự hào hứng, say mê. Thầy đã từng đoạt giải nhì giáo viên dạy toán cấp tỉnh, biết vượt lên hoàn cảnh để từng bước khẳng định mình. Từ năm 2004, thầy đã dạy học ở Mường Chiềng và đã có 3 năm sống, công tác, học tập “ngôi nhà chung” nội trú. Nhiều năm qua, thầy vẫn miệt mài đi-về con đường thị trấn Đà Bắc-Mường Chiềng; quên đi con đường dài, những ngày thời tiết xấu: mưa rừng, lũ suối, nguy cơ sạt lở đường.  Vì ở đó, các đồng nghiệp và những em học sinh đang chờ đợi thầy. Cô trò nhỏ lớp 7A Xa Thị Hoà (Nà Nguồm- Mường Chiềng), con chim sơn ca của trường nhận xét theo kiểu người lớn: Thầy dễ gần, dễ mến nhưng khi đã vào học thầy rất nghiêm, vì thế, chúng em cần phải học nghiêm túc, không được lơ là. Thầy giáo Nguyễn Đình Thi (môn ngữ văn) từng gắn bó với trường từ năm 2006. Trong quá trình cống hiến cho sự nghiệp trồng người, thầy đã phấn đấu trở thành giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, cùng với người bạn đời (cô giáo Mai Thị Thái), thầy Thi đang tiếp tục hành trình truyền cái chữ cho các em. Em Hoà, em Thuý (lớp 9) rất thích thú những tiết dạy của thầy Thi: gần gũi, dễ hiểu và nhân văn. Những câu chuyện về tuổi thơ, những câu chuyện cổ tích, chuyện đời thường hay thời sinh viên sôi nổi được thầy kể đã và đang nhen nhóm trong lòng các em những ước mơ, khát vọng học tập. Mỗi thầy, cô đều tạo được cho các em niềm tin ấm áp. Cô Đương, cô Thu, cô Hạnh, cô Diên, cô Nhàn..., mỗi người đều gieo cho các em nhiều ấn tượng, kỷ niệm sâu sắc.

 

Hướng tới học sinh thân yêu, nhà trường đã đẩy mạnh các cuộc vận động, phong trào thi đua; tổ chức nhiều cuộc sinh hoạt ngoại khoá bổ ích, lý thú. Các thầy, cô đã miệt mài với công việc: soạn giảng, ứng dụng CNTT vào giảng dạy, công tác chủ nhiệm - kiêm trực nội trú, công tác giáo dục đại trà và giáo dục mũi nhọn được đẩy mạnh. Mỗi năm học, nhà trường tổ chức bồi dưỡng học sinh giỏi ở tất cả các khối, lớp, tạo sự kế cận trong các năm học. Vì thế, mùa quả ngọt đã dâng đầy: hàng năm, trường đều có học sinh giỏi cấp tỉnh. Tỷ lệ học sinh xếp loại học lực khá, giỏi luôn chiếm trên 62% (năm học 2011-2012, trường có 87 học sinh khá, giỏi), trên 94% các em có hạnh kiểm khá, tốt. Trong vườn hoa thơm ngát đó có các em tiêu biểu như em Quách Thị Thuý (lớp 9), 3 năm liên tiếp đạt học sinh tiên tiến; em Lường Thanh Tùng (lớp 9, người xã Giáp Đắt) học khá đều nhiều môn; em Hà Thị Hoà (lớp 7A) có điểm tổng kết năm học vừa qua đạt 8,1. Trong đó, môn văn, môn tiếng Anh đạt từ 8,4 trở lên. ước mơ của em Hoà, em Thuý và nhiều em khác là phấn đấu thi đỗ các trường THPT chuyên biệt của tỉnh. Với sự cố gắng đó, điều đó có thể trở thành sự thật. Trong phòng truyền thống nhà trường, có hẳn bảng vàng danh dự tôn vinh những em học sinh có thành tích xuất sắc trong học tập nhiều năm qua như các em Bùi Thị Cám, Bùi Thị Khoa, Đặng Thị Ngân Hoà (xã Đồng Nghê), Bùi Thị Thắm, Bùi Thị Thảo (Suối Nánh), Xa Văn Sen, Xa Thị Hoà (Mường Chiềng)... Từ cánh cổng trường, nhiều em thi đỗ vào trường PT DTNT tỉnh; nhiều em đã vào đại học. Dù đang học tập, công tác ở đâu đó, mỗi khi nhắc đến tên trường, nhiều em đều thấy dâng lên niềm xúc động, trong đó có tình thầy trò, tình bạn vô tư, trong sáng trong ngôi trường nơi rẻo cao xa xôi...

 

Với tình cảm sâu đậm với thầy, cô và nhà trường nên vào mỗi dịp hội diễn văn nghệ thiếu nhi, sơn ca nhỏ Xa Thị Hoà bao giờ cũng muốn hát bài “Từ rừng xanh cháu về thăm lăng Bác”. Trong đó, em muốn gửi gắm, muốn kể với Bác và các bạn gần xa về quê hương, ngôi trường DTNT liên xã Mường Chiềng đang lớn lên từng ngày nơi vùng cao. ở đó, mỗi ngày, thầy và trò lại mê say cùng với cái chữ Bác Hồ; nỗ lực phấn đấu để sau này, mỗi em sẽ là những công dân có ích phục vụ sự nghiệp phát triển nơi vùng cao.

 

 

                                                                             Bùi Huy