Dự án Phát triển nông thôn có sự tham gia (Dự án JVC) của Nhật Bản được triển khai trên địa bàn xã Nam Sơn, huyện Tân Lạc (Hòa Bình) bắt đầu từ quý III/2003. Trong đó, mô hình canh tác lúa - vịt được thực hiện từ tháng 4/2007 đến tháng 12/2008. Mặc dù đã kết thúc thời gian xây dựng mô hình, nhưng với những ưu điểm thuyết phục đã được thẩm định và đánh giá cao, vấn đề tiếp theo là duy trì sự tích cực, chủ động của người dân để mô hình được nhân ra diện rộng
Là xã vùng cao còn nhiều khó khăn, xã Nam Sơn tuy có diện tích đất tự nhiên khá rộng (trên 2000 ha) nhưng diện tích đất nông nghiệp chỉ có khoảng 300 ha, diện tích lúa cả năm chỉ có gần 140 ha. Do hạn chế cả về điều kiện lẫn trình độ canh tác, khí hậu thiên nhiên lại khắc nghiệt nên bấy lâu nay, kinh tế nông nghiệp của xã Nam Sơn vẫn bị bó hẹp trong tính tự cung tự cấp, sản xuất manh mún về quy mô và bấp bênh về giá trị kinh tế. Nhìn nhận đúng thực trạng trên, Dự án JVC đã hướng dẫn bà con nông dân nơi đây áp dụng kỹ thuật canh tác lúa nước kết hợp nuôi thả vịt. Theo đó, trên cùng một diện tích trồng lúa truyền thống, nếu bà con kết hợp nuôi thả vịt sẽ tiết kiệm được công làm cỏ, giảm chi phí đầu tư mua phân hoá học và thuốc trừ sâu, có ích lợi về môi trường và sức khoẻ, năng suất lúa được đảm bảo tăng từ 10 – 15% so với phần diện tích không nuôi thả vịt và hơn thế nữa, ngoài nguồn thu từ lúa sẽ có thêm nguồn thu từ vịt.
Hoạch toán giá trị kinh tế của mô hình lúa - vịt thông qua một phép tính vụ thể, một hộ dân xã Nam Sơn cho biết: Trên diện tích 500 m2 trồng lúa, nếu áp dụng mô hình lúa - vịt thì tổng chi phí đầu tư cho cả lúa và vịt là 1,8 triệu đồng, giá trị kinh tế thu được là 2,87 triệu đồng (trong đó thu từ thóc là 1,25 triệu đồng, thu từ vịt là 1,62 triệu đồng), số lãi thu về là 1,07 triệu đồng. Trong đó cũng với diện tích trên, nếu không thả vịt thì chi phí đầu tư chỉ có 190 nghìn đồng nhưng giá trị kinh tế chỉ được 625 nghìn đồng, thu về số lãi 435 nghìn đồng. Như vậy, chênh lệch giá trị giữa hai phần diện tích thả vịt và không thả vịt là 645 nghìn đồng. Chưa nói đến những lợi ích khác như tiết kiệm công sức lao động, hạn chế chất độc hại vì không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật…
Phó Chủ tịch UBND xã Đinh Văn Lừng khẳng định: Ưu điểm nổi bật của mô hình lúa - vịt là kết hợp trồng trọt với chăn nuôi, phát huy sự tương tác của sản phẩm để nâng cao giá trị kinh tế. Qua thực tế áp dụng, chúng tôi nhận thấy đây là phương thức canh tác đơn giản, đem lại hiệu quả kinh tế cao, lại phù hợp với điều kiện của địa phương. Tuy nhiên, nhiều hộ dân trong xã - nhất là đối tượng hộ nghèo - chưa mạnh dạn áp dụng mô hình bởi vì chi phí đầu vào cao hơn so với phương thức canh tác truyền thống. Đây là thách thức đặt ra đối với việc nhân rộng mô hình lúa - vịt ở Nam Sơn. Thực chất đến cuối năm 2008, mô hình mới chỉ thu hút được gần 40 hộ dân trong xã tham gia, trong khi hiệu quả kinh tế đã được khẳng định một cách thuyết phục. Vấn đề cốt yếu là người dân cần tích cực hơn trong việc thay đổi nếp nghĩ, cách làm, cần mạnh dạn đầu tư mới tạo ra những cơ hội phát triển kinh tế thực sự./.