DetailController

Giáo dục

Năm học 2023-2024: Phấn đấu 100% trường phổ thông trên địa bàn tỉnh có thư viện độc lập

10/10/2023 16:30
Để nâng cao hiệu quả hoạt động thư viện, phát huy hiệu quả hệ thống thư viện trường học và phát triển văn hóa đọc tại các nhà trường đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục trong giai đoạn hiện nay, năm học 2023-2024 ngành Giáo dục và Đào tạo đã đề ra 05 nhiệm vụ trong công tác thư viện.
Tích cực xây dựng nguồn tài nguyên trong thư viện, đảm bảo chất lượng và số lượng, phù hợp với từng cấp học

Cụ thể là: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, hiệu quả của thư viện trường học trong đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục, tự học, tự bồi dưỡng của giáo viên và học sinh. Tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng hệ thống thư viện cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đáp ứng các quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy định tiêu chuẩn thư viện cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông. Tăng cường đầu tư nguồn lực, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển thư viện số, nâng cao hiệu quả hoạt động thư viện trường học. Phấn đấu năm học 2023-2024, 100% trường phổ thông và 10% trường mầm non có thư viện độc lập, đảm bảo diện tích, bố trí thư viện ở vị trí thuận lợi, sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất của thư viện. Đảm bảo 100% học sinh có đủ sách giáo khoa, học liệu theo cấp học; 100% giáo viên có đủ sách nghiệp vụ. Trang bị và sử dụng hiệu quả các thiết bị nghe, nhìn kết nối internet tại thư viện phục vụ tiết học thư viện và tra cứu, khai thác tài liệu.

Để thực hiện các mục tiêu đã đề ra, Sở Giáo dục và Đào tạo đề nghị các đơn vị trường học tiếp tục tuyên truyền, phổ biến, quán triệt và triển khai thực hiện có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo về công tác thư viện. Tiếp tục triển khai công tác đánh giá thư viện theo đúng trình tự, quy định tại Thông tư số 05/2020/TT-BVHTTDL ngày 28/8/2020 về đánh giá hoạt động thư viện. Tiếp tục rà soát, xây dựng lộ trình kiện toàn lại các thư viện đã được thành lập trước ngày 01/7/2020 để đáp ứng đủ điều kiện về thành lập thư viện theo quy định tại Nghị định số 93/2020/NĐ-CP trước ngày 05/10/2022. Rà soát, củng cố hệ thống thư viện trong các cơ sở giáo dục phổ thông và các cơ sở giáo dục khác thuộc phạm vi quản lý theo hướng hiện đại, thân thiện.

Bố trí thư viện ở vị trí thuận lợi; mở rộng không gian thư viện và tổ chức các hình thức thư viện lưu động giúp bạn đọc tiếp cận với sách dễ dàng. Tăng cường đầu tư và khai thác có hiệu quả cơ sở vật chất, thiết bị chuyên dùng phục vụ công tác quản lý, tổ chức hoạt động thư viện trường học.

Tích cực xây dựng nguồn tài nguyên trong thư viện, thường xuyên bổ sung tài nguyên thông tin, đảm bảo chất lượng và số lượng, phong phú về chủng loại, cân đối giữa các loại hình tài liệu truyền thống, tài liệu điện tử, kho học liệu phong phú, phù hợp với từng cấp học. Tăng cường các nguồn lực phát triển các nguồn tài nguyên thông tin, tài nguyên thông tin số và chuyển đổi số tại các thư viện trường học nhằm cung cấp các dịch vụ thông tin, dịch vụ thông tin số phục vụ cán bộ, giáo viên, học sinh ở các cấp học. Hướng dẫn học sinh khai thác sách điện tử, học liệu điện tử trên môi trường mạng. Khuyến khích các nhà trường xây dựng thư viện số, mua sắm sách nói, sách điện tử, thiết bị quản lý thư viện số. Tăng cường khai thác và chia sẻ thư viện số, tài nguyên thông tin số (bao gồm phần  mềm quản lý thư viện và kho học liệu điện tử cho phép khai thác miễn phí) như https://thuvien.hanoi.edu.vn; https://igiaoduc.vn; https://downloadsach.com; https://vndoc.com; https://hocmai.vn; ...

Tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ thư viện, khả năng tiếp cận với phương thức quản lý thư viện hiện đại cho nhân viên thư viện trường học đáp ứng yêu cầu đổi mới công tác thư viện trong giai đoạn hiện nay. Chuẩn hóa và ổn định đội ngũ, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường. Thực hiện định mức biên chế cán bộ thư viện và chế độ phụ cấp cho viên chức trong các cơ sở phổ thông theo đúng quy định. Tiếp tục quan tâm và tạo điều kiện hỗ trợ nhân viên thư viện xây dựng dữ liệu quản lý thư viện khi sử dụng phần mềm, giúp nhân viên thư viện  nâng cao đời sống, yên tâm công tác.

Tăng cường triển khai thực hiện tiết đọc, tiết học thư viện nhằm hình thành thói quen đọc sách, phát triển năng lực tự học, tự lập; năng lực làm việc nhóm, năng lực phân tích, tổng hợp, phát hiện và giải quyết vấn đề, qua đó nâng cao tỷ lệ học sinh thường xuyên đến thư viện đọc sách góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động thưc viện. Tiếp tục hướng dẫn thực hiện nội quy, sử dụng thư viện; tra cứu thông tin theo chủ đề, vẽ, viết tiếp nhân vật, xây dựng tiểu phẩm, làm phim ngắn, clip theo nhóm; các hoạt động khuyến đọc (câu lạc bộ sách, ngày đọc sách, tuần đọc sách, đọc sách theo chủ đề, viết về sách, kể chuyện theo sách…), tổ chức Ngày sách Việt Nam 21/4, Ngày Hội đọc sách, trưng bày sách, triển lãm sách, phong trào “Góp một cuốn sách nhỏ, đọc ngàn cuốn sách hay”, tích cực tham gia cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc”, ... Chủ động tổ chức các buổi giao lưu sách, tuyên truyền về sách, nói chuyện về sách, ... nâng cao chất lượng phục vụ bạn đọc, đáp ứng yêu cầu học tập suốt đời của học sinh.

Tiếp tục đổi mới phương thức tổ chức các hoạt động thư viện trường học nhằm tạo môi trường thuận lợi giúp học sinh tiếp cận thường xuyên với sách bằng nhiều hình thức phục vụ phong phú, phù hợp với điều kiện của các nhà trường như: Thư viện lưu động, giá sách lưu động, thư viện/tủ sách góc lớp, thư viện xanh, xây dựng thư viện thân thiện với các góp hoạt động hiệu quả, phục vụ giáo viên, học sinh đọc tại chỗ và mượn sách, tài liệu về nhà.

Các đơn vị, trường học căn cứ điều kiện thực tế tại đơn vị, tổ chức các hoạt động thiết thực, hiệu quả hưởng ứng Ngày sách Việt Nam lần thứ 11 năm 2024 nhằm khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong các đơn vị, trường học, nâng cao nhận thức của cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh, sinh viên về ý nghĩa to lớn và tầm quan trọng của việc đọc sách đối với việc nâng cao kiến thức và kỹ năng, phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người; tôn vinh giá trị của sách, khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của sách trong đời sống xã hội; nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, các cơ quan chức năng và tổ chức xã hội đối với việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc. Theo Kế hoạch năm 2024, Sở GD&ĐT giao Phòng GD&ĐT thành phố Hòa Bình tổ chức điểm Ngày sách Việt Nam lần thứ 11 năm 2024.

Tăng cường công tác phối hợp với Thư viện tỉnh, Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thông các huyện, thành phố trong việc triển khai tư vấn, hướng  dẫn, xây dựng thư viện, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ thư viện trường học trên địa bàn; triển khai luân chuyển sách, báo phục vụ thiếu nhi; đẩy mạnh công tác truyền thông, tăng cường tổ chức các sự kiện văn hóa đọc, giới thiệu sách báo, kể chuyện, vẽ tranh theo sách, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động thư viện và phát triển văn hóa đọc tại các nhà trường.

Thúc đẩy phối hợp, liên kết giữa các thư viện trường học với nhau và với trung tâm văn hóa, thể thao, trung tâm học tập cộng đồng, điểm văn hóa xã; tăng cường luân chuyển sách, báo, tài liệu giữa các thư viện, chú trọng luân chuyển từ hệ thống thư viện của các nhà trường có điều kiện thuận lợi tới các thư viện trường học trên địa bàn có điều kiện khó khăn nhằm phục vụ giáo viên, học sinh và cộng đồng. Tài nguyên thông tin cần đa dạng về loại hình, đảm bảo về chất lượng nội dung, ưu tiên các loại tài liệu, sách về giáo dục kỹ năng sống, giáo dục lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc, lối sống lành mạnh, thái độ ứng xử văn minh, giàu lòng nhân ái, phổ biến văn hóa, kiến thức tinh hoa của dân tộc Việt Nam; các tác phẩm kinh điển của nước ngoài, các tác phẩm đoạt các giải uy tín quốc tế,...

Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng văn hóa học đường, phát triển văn hóa đọc trong học đường, gắn với xây dựng xã hội học tập và học tập suốt đời, trong đó tập trung nâng cao tinh thần tự đọc, tự học, phát triển kỹ năng đọc, tiếp cận, tra cứu xử thông tin cho thiếu nhi; đưa hoạt động này thành nội dung của tiết học chính khóa phù hợp với từng cấp học, bậc học theo hướng dẫn của Bộ Giáo dụcĐào tạo.

Triển khai thực hiện việc gắn giáo dục năng lực ngôn ngữ với các năng lực cơ bản như năng lực đọc, năng lực viết; triển khai xây dựng và phát triển các nguồn học liệu mở cho trường học theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Triển khai thực hiện tốt công tác quản lý thư viện, xây dựng đầy đủ các kế hoạch, hồ sơ quản lý, tổ chức hoạt động thư viện đảm bảo đúng quy định tại Thông tư 16/2022/TT-BGD&ĐT. Để việc xây dựng kế hoạch có tính khả thi cao, các đơn vị, trường học cần rà soát đánh giá đúng thực trạng của thư viện để đề xuất các giải pháp, lộ trình thực hiện, định mức kinh phí đầu tư, tổ chức thực hiện nhằm đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn thư viện đạt Mức độ 1, Mức độ 2 quy định tại Thông tư 16/2022/TT-BGD&ĐT, đồng thời kế hoạch thư viện trường học cần gắn với kế hoạch đánh giá đánh giá ngoài và xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia.

Bố trí kinh phí từ nguồn ngân sách nhà nước, huy động nguồn tài chính hợp pháp để mua sắm, trang bị thiết bị chuyên dùng, bổ sung tài nguyên thông tin cho thư viện; huy động sự tham gia của cộng đồng trong xây dựng, tổ chức hoạt động của thư viện, quyên góp sách và các nguồn học liệu cho thư viện. Các tổ, nhóm chuyên môn căn cứ mục tiêu, nội dung giáo dục trong chương trình, xác định yêu cầu về tài liệu phục vụ công tác bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, phục vụ công tác giảng dạy, nghiên cứu để đề xuất mua sắm các loại sách, tài nguyên thông tin cho thư viện, trên cơ sở đó lập dự toán và mua sắm theo quy định.

Tăng cường giao lưu trao đổi kinh nghiệm giữa các thư viện trường học trong tỉnh, ngoài tỉnh để nâng cao hiệu quả hoạt động thư viện. Kịp thời phát hiện, đề xuất khen thưởng, biểu dương những tập thể, cá nhân điển hình, có thành tích xuất sắc tiêu biểu trong công tác xây dựng thư viện và phát triển văn hóa đọc tại các đơn vị, trường học./.