DetailController

Tin Nông nghiệp - Nông thôn

Năm 2024: Ngành Nông, lâm nghiệp và thủy sản phấn đấu tốc độ tăng trưởng đạt 4,5%

12/01/2024 16:47
Năm 2023, các nhiệm vụ trọng tâm, nhiệm vụ có tính đột phá ngành nông nghiệp đã hoàn thành trước hạn, hoàn thành vượt mức kế hoạch. Năm 2024, toàn ngành phấn đấu tiếp tục xây dựng nông nghiệp phát triển toàn diện, bền vững, sản xuất hàng hoá lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao hướng đến xuất khẩu. Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học, tăng quy mô sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ. Tích cực huy động tổng hợp các nguồn lực phục vụ xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, nông thôn mới thông minh, nhất là nguồn lực xã hội hóa. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).
Năm 2024, toàn tỉnh phấn đấu diện tích gieo trồng cây hàng năm đạt trên 116,6 nghìn ha

Phấn đấu thực hiện một số chỉ tiêu chủ yếu như sau: Tốc độ tăng trưởng ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 4,5%. Giá trị sản xuất ngành nông lâm nghiệp và thủy sản đạt 13,5 nghìn tỷ đồng, trong đó nông nghiệp 11,7 nghìn tỷ đồng; lâm nghiệp 1,307 nghìn tỷ đồng; thủy sản đạt trên 0,338 nghìn tỷ đồng. Đảm bảo độ che phủ rừng trên 51,5%. Tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh 95,9%. Có thêm 06 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Số sản phẩm OCOP được chuẩn hóa là 16 sản phẩm đạt từ 3 sao trở lên. Theo đó, toàn ngành xác định một số giải pháp thực hiện phát triển ngành:

Phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, gắn kết chặt chẽ với công nghiệp chế biến, thị trường tiêu thụ, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường gắn với xây dựng nông thôn mới

Trong lĩnh vực trồng trọt và Bảo vệ thực vật: Phấn đấu giá trị sản xuất theo giá so sánh đạt 7,5 nghìn tỷ đồng; diện tích gieo trồng cây hàng năm đạt trên 116,6 nghìn ha; cây lương thực có hạt 68,25 nghìn ha, sản lượng 36,18 vạn tấn; giá trị sản phẩm trên 1 ha canh tác đất trồng trọt ước đạt 200 triệu đồng/ha. Diện tích cây ăn quả có múi trên 10 nghìn ha trong đó có trên 1.500 ha được sản xuất đạt tiêu chuẩn an toàn, diện tích kinh doanh trên 9 nghìn ha, sản lượng trên 22 vạn tấn.

Trong lĩnh vực chăn nuôi và thú y: Phấn đấu giá trị sản xuất theo giá so sánh đạt 4,29 nghìn tỷ đồng; tng đàn trâu duy trì trên 114 nghìn con, đàn bò 91 nghìn con, lợn 520 nghìn con, gia cầm trên 9 triệu con, 125 triệu quả trứng; Tổng sản lượng thịt hơi gia súc, gia cầm xuất chuồng khoảng 120 nghìn tấn, tỷ lệ trang trại chăn nuôi lợn, gia cầm đảm bảo an toàn dịch bệnh đạt tối thiểu 87% tổng số trang trại có đăng ký chứng nhận an toàn dịch bệnh.

Trong lĩnh vực thuỷ sản: Đẩy mạnh sản xuất thủy sản đưa giá trị sản xuất theo giá so sánh đạt trên 0,34 nghìn tỷ đồng. Diện tích nuôi trồng thủy sản 2,7 nghìn ha (kết hợp nuôi tại các hồ thủy lợi 1,2 nghìn ha); 4,9 nghìn lồng nuôi cá , sản lượng thủy sản đạt 12,5 nghìn tấn, trong đó nuôi trồng 10,5 nghìn tấn, khai thác 2 nghìn tấn.

Trong lĩnh vực lâm nghiệp: Phấn đấu giá trị sản xuất theo giá so sánh đạt khoảng 1,309 nghìn tỷ đồng; trồng rừng tập trung 5,55 nghìn ha, cây phân tán 906 nghìn cây, chăm sóc bảo vệ rừng 100% diện tích rừng trồng hiện có, nâng cao thu nhập cho người dân làm nghề rừng. Duy trì ổn định độ che phủ rừng của rừng trên 51,5%.

Thực hiện tốt công tác phòng chống thiên tai năm 2023; Đảm bảo an toàn hệ thống đê điều, công trình thủy lợi; Nâng cao năng lực phòng chống thiên tai cả về biện pháp phi công trình và công trình. Đảm bảo nguồn nước phục vụ cho khoảng 39.800 diện tích trồng lúa, 15.800 ha diện tích trồng màu và cây ăn quả.

Thúc đẩy phát triển mạnh hơn công nghiệp chế biến để vừa nâng cao hiệu quả sản xuất, vừa tiêu thụ kịp thời nông sản cho nông dân và đa dạng hóa sản phẩm cho tiêu dùng. Khuyến khích, tập trung ưu tiên phát triển công nghiệp chế biến sâu, chế biến tinh theo chuỗi từ khâu sản xuất nguyên liệu đến bảo quản sau thu hoạch, chế biến và tiêu thụ, tăng cường ứng dụng cơ giới hóa trong tất cả các khâu của chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp, phù hợp với điều kiện từng địa phương, từng loại cây trồng, vật nuôi.

Tham mưu triển khai có hiệu quả Đề án của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm gắn với xây dựng nông thôn mới. Thúc đẩy sản xuất phục vụ thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu; Xây dựng các giải pháp cụ thể để tăng sức cạnh tranh cho nông sản của tỉnh; triển khai tốt kế hoạch xúc tiến tiêu thụ nông sản hàng năm. Tăng cường kiểm soát chất lượng và giá cả các mặt hàng, nhất là các sản phẩm thiết yếu phục vụ nhu cầu đời sống, sức khỏe nhân dân. Khuyến khích phát triển thương mại tư nhân; chú trọng phát triển thị trường nội địa, quảng bá, giới thiệu các mặt hàng truyền thống có sức cạnh tranh với thị trường ngoại tỉnh, thúc đẩy tiêu thụ nông sản cho nông dân.

Xây dựng nông thôn mới, nâng cao thu nhập, ổn định và cải thiện điều kiện sông của dân cư nông thôn: Phấn đấu trong năm 2024 có thêm 06 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, bình quân chung đạt 16,3 tiêu chí/xã; có 16 sản phẩm OCOP được chuẩn hóa từ 3 sao trở lên. Thực hiện tốt nhiệm vụ bố trí sắp xếp, ổn định dân cư khu vực bị ảnh hưởng thiên tai theo quy định.

Phát triển mạnh khoa học công nghệ và khuyến nông: Xây dựng kế hoạch và giải pháp để thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, ưu tiên ứng dụng công nghệ cao, các giải pháp khoa học công nghệ mới tiên tiến. Chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0; thực hiện chuyển đổi số trong nông nghiệp". Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ gắn với thị trường tiêu thụ một cách hiệu quả, bền vững. Ứng dụng các biện pháp kỹ thuật để sản xuất nguồn giống sạch bệnh phục vụ tái canh cây có múi; sản xuất giống cây, con chủ lực đáp ứng nhu cầu của nông dân trên địa bàn; thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học, thử nghiệm, khảo nghiệm hậu kiểm giống cây trồng vật nuôi, tiến bộ kỹ thuật mới.

Đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp: Vận động, khuyến khích thành lập trong năm được 05 hợp tác xã trở lên, số lượng thành viên tăng thêm mỗi năm là 50 thành viên trở lên, tổ hợp tác trong nông nghiệp phát triển theo hình thức tổ chức sản xuất hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị. Phát triển kinh tế trang trại, kinh tế hộ gia đình và kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Tập trung phát triển hiệu quả mô hình liên kết 5 nhà (nhà nông-nhà nước-nhà doanh nghiệp-nhà khoa học-nhà băng); tăng cường gắn kết trong sản xuất nông nghiệp tạo chuỗi liên kết sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm.

Tăng cường hoạt động hợp tác, thu hút đầu tư: Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn nhằm chủ động, tích cực thu hút nguồn đầu tư ngoài tỉnh trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Tăng cường liên kết, hợp tác với các địa phương khác trong và ngoài nước nhằm tìm kiếm, học hỏi và ứng dụng các mô hình tăng trưởng mới, tìm kiếm cơ hội và hợp tác đầu tư, liên doanh, liên kết ứng dụng công nghệ cao, công nghệ mới trong sản xuất nông nghiệp.

Tăng cường quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, công tác vệ sinh an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản và xúc tiến tiêu thụ, xuất khẩu nông sản

Thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm đối với các sản phẩm nông lâm thủy sản trong quá trình sản xuất đến khi thực phẩm được đưa ra thị trường tiêu thụ. Mở rộng thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, góp phần nâng cao sản lượng, chất lượng và bảo vệ thương hiệu sản phẩm nông sản của tỉnh. Hướng dẫn, giúp đỡ các xã thực hiện tiêu chí 17.10 về an toàn thực phẩm. Xây dựng hình ảnh sản phẩm nông sản của tỉnh thông qua việc đảm bảo chất lượng cao, an toàn thực phẩm, giá cả cạnh tranh và phù hợp thị hiếu người tiêu dùng trong nước. Tăng cường kết nối với các kênh phân phối, quảng bá sản phẩm tại các khu chung cư, khu công nghiệp, nhà hàng, khách sạn, bếp ăn tập thể. Hỗ trợ xây dựng các điểm giới thiệu sản phẩm trên địa bản tỉnh, thành phố Hà Nội và các tỉnh lân cận. Xây dựng và phát triển thương hiệu cho các sản phẩm chủ lực và đặc sản của tỉnh, của địa phương.

Phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, gắn đào tạo với nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp trong và ngoài nước nhằm tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, trình độ của lao động nông thôn. Đổi mới phương thức và nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề lao động nông nghiệp.

Cải cách hành chính, nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý ngành

Đẩy mạnh cải cách hành chính công, xây dựng nền hành chính phục vụ, chuyên nghiệp; triển khai thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 đảm bảo tỷ lệ theo quy định. Thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, đồng hành cùng doanh nghiệp. Thực hiện quyết liệt các giải pháp phòng, chống tham nhũng, lãng phí; giải quyết khiếu nại, tố cáo; làm rõ và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có sai phạm. Quản lý chặt chẽ việc thực hiện quy hoạch; bố trí nguồn lực thực hiện các dự án trong quy hoạch được phê duyệt. Tiếp tục triển khai sắp xếp, tinh giảm bộ máy, tinh giảm biên chế; đổi mới cơ chế quản lý, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành…/.