Theo Báo cáo của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai – tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh, năm 2023, trên địa bàn tỉnh xảy ra rét đậm, rét hại; mưa lớn kèm giông lốc xoáy; mưa lũ gây sạt lở, thiệt hại trên địa bàn các huyện, thành phố, làm 01 người chết do lũ cuốn trôi; thiệt hại 55 nhà, 03 điểm trường; thiệt hại khoảng 743 ha canh tác, làm 22 con gia súc, 330 con gia cầm bị chết. Một số công trình, tuyến đường bị hư hỏng, sạt lở do mưa lũ lớn…Ước giá trị thiệt hại trên 129 tỷ đồng. Thiên tai đã tác động trực tiếp và nghiêm trọng đến việc làm của người dân, đặc biệt là những người nông dân, tác động trực tiếp đến đất ở và giảm sinh kế của người dân vùng thiên tai. Ảnh hưởng trực tiếp tới năng suất, sản lượng, quá trình sinh trưởng của cây trồng, suy giảm sức đề kháng, tăng khả năng phát sinh các dịch bệnh, tăng khả năng cây bị héo, chết và làm giảm năng suất, chất lượng sản phẩm,…. gây thiệt hại nghiêm trọng cho các hạng mục hạ tầng cơ sở về giao thông, thủy lợi, biến đổi dòng chảy ở các lưu vực sông,…
Ngay từ đầu năm, Ủy ban nhân dân tỉnh đã triển khai nhiệm vụ công tác phòng, chống thiên tai – tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự; kiện toàn Ban Chỉ huy các cấp, nâng cao năng lực Ban Chỉ huy và Văn phòng Thường trực. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức và kỹ năng ứng phó của các cấp chính quyền, người dân, cộng đồng về Phòng chống thiên tai với nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Với phương châm “4 tại chỗ”, công tác phòng chống thiên tai trên địa bàn tỉnh luôn được chú trọng và đặt lên hàng đầu. Uỷ ban nhân dân tỉnh và các đơn vị có liên quan đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện công tác phòng chống thiên tai năm 2023; tiếp tục triển khai thực hiện các biện pháp ứng phó thiên tai; rà soát các điểm dân cư có nguy cơ sạt, trượt để đảm bảo tính mạng và tài sản của người dân trên địa bàn tỉnh; đôn đốc công tác chống hạn, đảm bảo cấp nước tươi tiêu nhằm chống hạn, thiếu nước.
Đối với công tác xây dựng, củng cố và nâng cao năng lực cho lực lượng xung kích Phòng chống thiên tai cấp xã, tính đến nay đã xây dựng Đội xung kích Phòng chống thiên tai cấp xã tại 151/151 xã, phường, thị trấn gồm 8899 thành viên phù hợp với hướng dẫn tại Quyết định số 08/QĐ-TWPCTT ngày 27/3/2020. Đồng thời bố trí ngân sách cho công tác đầu tư, xây dựng và duy tu, bảo dưỡng nâng cấp đê điều hồ đập, phòng chống thiên tai. Bên cạnh đó, đã tổ chức đào tạo, tập huấn, diễn tập phương án ứng phó thiên tai ở các cấp. Từ đó, nâng cao trình độ, mở mang kiến thức áp dụng vào công tác Phòng chống thiên tai trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, trong năm 2023, Tỉnh uỷ, Uỷ ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh phối hợp với các Sở, ngành, địa phương và các đơn vị có liên quan tổ chức diễn tập Phòng thủ dân sự ứng phó thảm họa thiên tai, động đất ảnh hưởng đến đập hồ thủy điện Hòa Bình năm 2023 với quy mô gồm diễn tập vận hành cơ chế (01 điểm cầu tại tỉnh hội trường Văn phòng Tỉnh uỷ; 10 điểm cầu tại các huyện, thành phố) và diễn tập thực binh khu vực sơ tán và bệnh viện dã chiến tại thành phố Hoà Bình. Thông qua diễn tập thực binh đã nâng cao trình độ tổ chức, chỉ huy hiệp đồng của các lực lượng trong ứng phó sự cố, thiên tai, động đất, các thảm họa do chiến tranh... theo Nghị định số 02/2017/NĐ-CP của Chính phủ về Phòng thủ dân sự.
Kết quả công tác dự báo, cảnh báo thiên tai so với diễn biến thực tế trên địa bàn tỉnh cho thấy các bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai qua hệ thống thông tin đại chúng cũng như từ các bản tin cung cấp từ Đài khí tượng Thuỷ văn Hoà Bình tương đối chuẩn xác và sát với thực tế. Thời gian ban hành kịp thời, phù hợp và dễ hiểu; số liệu từ các trạm đo mưa tự động truyền tải thông tin kịp thời. Từ đó, giúp cho công tác ứng phó đạt hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra trên địa bàn tỉnh Hoà Bình.
Sau thiên tai, Ban Chỉ huy các cấp đã huy động và triển khai các hoạt động nhằm khắc phục hậu quả, phục hồi tái thiết. Uỷ ban nhân dân tỉnh đã ban hành Quyết định về phân bổ kinh phí hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai 10 tháng đầu năm 2022 trên địa bàn tỉnh Hòa Bình phân bổ kinh phí 60 tỷ đồng cho 06 công trình. Đối với gia đình có người chết, mất tích, lãnh đạo chính quyền địa phương đã đến tận nơi phúng viếng, thăm hỏi, động viên gia đình.Các địa phương chủ động huy động các lực lượng xung kích phòng chống thiên tai tại địa phương tham gia hỗ trợ, giúp đỡ các hộ gia đình dựng lại, gia cố nhà cửa; trợ giúp người dân thu hoạch lúa và hoa màu; di dời người và các vật dụng đến nơi an toàn khi có mưa lũ lớn. Địa phương đã chủ động huy động lực lượng tại chỗ kịp thời cắm biển cảnh báo, cử lực lượng xung kích canh gác, rào chắn cấm đường để đảm bảo an toàn cho người dân xung quanh khu vực sạt lở; trực ban 24/24h và thường xuyên theo dõi diễn biến để chủ động ứng phó khi có tình huống xảy ra; chủ động sử dụng nguồn lực tại địa phương để khắc phục tạm thời các thiệt hại...
Để đảm bảo thực hiện tốt công tác Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự trong năm 2024, Uỷ ban nhân tỉnh yêu cầu các Sở, ban, ngành, Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố và các đơn vị có liên quan kiện toàn Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự các cấp theo quy định yêu cầu tại Luật Phòng thủ dân sự năm 2023 (có hiệu lực từ ngày 01/7/2024) và tăng cường, nâng cao hiệu quả hoạt động của các thành viên Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sựcác cấp để đảm bảo việc sẵn sàng công tác chỉ đạo, chỉ huy từ phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả và tái thiết được chủ động, nhanh chóng, chính xác, hiệu quả nhất là đối với các địa bàn, lĩnh vực được phân công phụ trách. Triển khai thực hiện phương án phòng chống thiên tai thích ứng với biến đổi khí hậu, tích hợp vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội chung của toàn tỉnh. Ban hành các Chỉ thị về tăng cường công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, đảm bảo an toàn công trình thủy lợi, đê điều và chuẩn bị sẵn sàng hộ đê chống mưa lũ trên địa bàn tỉnh Hòa Bình năm 2024 và Chỉ thị về tăng cường công tác quản lý đê điều và chuẩn bị sẵn sàng hộ đê, chống lũ, bão năm 2024; tùy vào diễn biến cụ thể của thiên tai để ban hành các văn bản Chỉ đạo, triển khai văn bản của cấp trên trong việc chuẩn bị, ứng phó, giảm nhẹ và khắc phục hậu quả của thiên tai xảy ra trên địa bàn địa phương.
Nâng cao năng lực, tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị cho lực lượng tham mưu giúp Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sựcác cấp đảm bảo tính chuyên nghiệp, luôn luôn sẵn sàng, kịp thời với các tình huống thiên tai có thể xảy ra để ứng phó với thiên tai một cách hiệu quả nhất. Bổ sung cơ chế chính sách để huy động nguồn lực trong xã hội, dịch vụ công tham gia vào công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự; tiêu chuẩn, quy chuẩn, chế tài để giám sát các hoạt động của xã hội đảm bảo an toàn trước thiên tai.
Tiếp tục rà soát, xác định chính xác các khu vực trọng điểm xung yếu; rà soát phân loại và đánh giá mức độ an toàn tất cả các hồ chứa trên địa bàn tỉnh; xây dựng phương án đảm bảo an toàn cho từng khu vực, từng công trình; có phương án bố trí lực lượng và phân bổ kinh phí cụ thể, sát với thực tế và điều kiện từng địa phương; thường xuyên kiểm tra đôn đốc, chỉ đạo việc tổ chức thực hiện; phối hợp chặt chẽ với các ngành liên quan, tổng hợp tình hình và đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh các biện pháp đối phó khi có tình huống xảy ra. Tiếp tục triển khai thực hiện công tác xây dựng các khu tái định cư cho nhân dân vùng thiên tai, đảm bảo nhanh chóng ổn định đời sống nhân dân và tạo nguồn sinh kế bền vững. Tiếp tục lồng ghép việc giảm nhẹ thiên tai với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, ngành mình, đơn vị mình đảm bảo phát triển theo hướng bền vững. Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân trong công tác phòng tránh thiên tai…./.