DetailController

Tin từ các đơn vị

Năm 2023 phấn đấu tỷ lệ sản lượng xuất khẩu các mặt hàng nông sản chủ lực tăng 10% so với năm 2022

14/04/2023 16:02
Ngày 13/4/2023, Sở Nông nghiệp và PTNT ban hành Kế hoạch số 237/KH-SNN về Thúc đẩy xuất khẩu nông sản năm 2023 trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.

Kế hoạch được triển khai nhằm đảm bảo tổ chức triển khai các nhiệm vụ, giải pháp kịp thời và có hiệu quả, nhằm góp phần đạt được mục tiêu theo yêu cầu của Kế hoạch số 244/KH-UBND ngày 31/12/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình trong năm 2023; Kịp thời lồng ghép các nội dung để tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch, phấn đấu tỷ lệ sản lượng xuất khẩu các mặt hàng nông sản chủ lực tăng 10 % so với năm 2022.

Trong đó sẽ tổ chức thực hiện các nội dung trọng tâm: Triển khai có hiệu quả các giải pháp về thúc đẩy xuất khẩu nông sản gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp; các Đề án, kế hoạch về tăng cường xúc tiến thương mại và tiêu thụ nông sản theo Quyết định số 2212/QĐ-UBND ngày 29/9/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình. Triển khai có hiệu quả các chính sách ưu đãi, thúc đẩy xuất khẩu nông sản; chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của Hội đồng nhân dân tỉnh.

Tăng cường tuyên truyền, thông tin thị trường quốc tế: Tăng cường công tác nghiên cứu chính sách, các quy định của các thị trường, để xác định lợi thế và đề ra ưu tiên về thị trường, định hướng các loại nông sản đáp ứng yêu cầu thị trường theo từng khu vực. Tuyên tuyền, nâng cao nhận thức cho người dân và doanh nghiệp, chính quyền địa phương về cam kết nông nghiệp trong các hiệp định thương mại, các quy định của thị trường xuất khẩu. Thông tin trên các phương tiện truyền thông về mô hình truy xuất nguồn gốc, kiểm soát chất lượng sản phẩm; kiểm soát giống, vật tư, quy trình áp dụng GAP, hữu cơ gắn với liên kết sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, tạo vùng nguyên liệu, đảm bảo an toàn thực phẩm đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu; mô hình truy xuất nguồn gốc, kiểm soát chất lượng sản phẩm (Hỗ trợ cấp, quản lý mã số vùng trồng cho các vùng trồng; cơ sở đóng gói đủ tiêu chuẩn).

Về tổ chức sản xuất nông nghiệp: Hỗ trợ các tổ chức, cá nhân sản xuất lĩnh vực nông nghiệp phát triển vùng nguyên liệu lớn, khắc phục tình trạng nhỏ lẻ, manh mún; tăng cường liên kết 6 nhà: Nhà nước - nhà nông - nhà doanh nghiệp - nhà băng - nhà khoa học - nhà phân phối với nòng cốt là liên kết nhà nông - Hợp tác xã - nhà doanh nghiệp. Rà soát, hỗ trợ người sản xuất áp dụng quy trình GAP, tiêu chuẩn hữu cơ, tiêu chuẩn của nước xuất khẩu đề ra để hình thành các vùng trồng trọt, chăn nuôi; tổ chức sản xuất, phát triển chuỗi liên kết sản xuất - chế biến và tiêu thụ nông, lâm, thủy sản đáp ứng yêu cầu của thị trường xuất khẩu. Tuyên truyền, vận động doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác tham gia vào mạng lưới sản xuất, các chuỗi giá trị đảm bảo an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh.

Triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm: Hỗ trợ các tổ chức, cá nhân áp dụng hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia và phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế và các tiêu chuẩn khu vực, thị trường lớn. Triển khai hỗ trợ cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, vùng nuôi, an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm, áp dụng công nghệ cao, truy xuất được nguồn gốc cho các sản phẩm nông lâm thủy sản theo yêu cầu của từng thị trường nhập khẩu.  Triển khai các chương trình giám sát về chất lượng, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản, nhằm đáp ứng với các quy định tại thị trường trong nước và các nước nhập khẩu.

Tăng cường hoạt đồng nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ:   Ứng dụng các đề tài nghiên cứu khoa học về dự tính, dự báo, quản lý, phòng chống và xử lý bệnh dịch trong nông nghiệp; hạn chế rủi ro bệnh dịch trong sản xuất, đảm bảo đáp ứng các yêu cầu của thị trường nhập khẩu.

Xây dựng các chương trình, dự án áp dụng công nghệ cao, công nghệ 4.0, chuyển đổi số hóa, trí tuệ nhân tạo (AI) trong quản lý sản xuất, quản lý vùng nuôi, trồng, sơ chế bảo quản, chế biến sâu... trong phát triển toàn chuỗi giá trị nhằm nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng cho sản phẩm, đáp ứng yêu cầu thị trường nhập khẩu.

Phát triển công nghệ phụ trợ, chế biến nâng cao giá trị gia tăng của các sản phẩm xuất khẩu. Vận dụng các chính sách để thu hút đầu tư và hỗ trợ vào các nhà máy chế biến gắn với phát triển vùng nguyên liệu, liên kết sản xuất theo quy mô lớn, áp dụng cơ giới hóa, đảm bảo nguyên liệu cho các nhà máy chế biến. Hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân phát triển dịch vụ hậu cần phục vụ xuất khẩu nông lâm thủy sản; xây dựng các kho lạnh bảo quản sản phẩm gắn với vùng nguyên liệu để thuẩn lợi lưu thông, tiêu thụ.

Hỗ trợ xây dựng các nhãn hiệu sản phẩm chủ lực, các sản phẩm tiềm năng, lợi thế có khả năng xuất khẩu. Phát triển thương hiệu cho những sản phẩm chủ lực theo 3 trục sản phẩm chính (sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh, đặc sản vùng miền và các sản phẩm OCOP). Hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác triển khai các hoạt động nhằm phát triển thương hiệu sản phẩm; quảng bá hình ảnh, thương hiệu sản phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng trong nước và quốc tế.

Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại và phát triển thị trường nông sản. Xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá và giới thiệu hình ảnh các sản phẩm nông, lâm, thủy sản của tỉnh tại thị trường nước ngoài như: Trung Quốc, Hoa Kỳ, Châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN, Ấn Độ, Trung Đông, … Hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm bạn hàng xuất khẩu, kết nối với các nhà phân phối lớn. Nghiên cứu, định hướng xuất khẩu đối với từng mặt hàng nông, lâm, thủy sản tương ứng với từng thị trường mục tiêu, quan tâm phát triển thị trường tiềm năng, thị trường ngách. Tổ chức, hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, tham gia Hội chợ, Tuần lễ...được tổ chức trong nước và nước ngoài. Hỗ trợ các sản phẩm nông lâm thủy sản của tỉnh tham gia vào các sàn thương mại điện tử. Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hợp tác xã phát triển thị trường, bảo hộ nông sản của tỉnh trên thị trường trong nước và ngoài nước./.