DetailController

Tin từ các đơn vị

Năm 2023: Phấn đấu giải quyết việc làm cho 16 nghìn lao động

08/02/2023 00:00
Thực hiện Chỉ thị số 02/CT-UBND về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm chỉ đạo, điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh tỉnh Hòa Bình năm 2023, ngày 27/01/2023, Sở Lao động Thương binh và Xã hội đã xây dựng kế hoạch chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ về lao động, người có công và xã hội năm 2023 với 05 chỉ tiêu chủ yếu.
Tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung – cầu lao động nhằm tạo cơ hội lựa chọn việc làm, học nghề cho người lao động

Cụ thể là: Xây dựng kế hoạch giải quyết việc làm trong nước cho 16.000 lao động; xuất khẩu lao động cho 300 lao động. Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị là 2,2%. Tuyển sinh đào tạo cho 15.500 người, trong đó: trình độ cao đẳng, trung cấp là 2.400 người; trình độ sơ cấp là 6.700 lượt người; dạy nghề dưới 3 tháng là 6.400. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 60,6%, trong đó có bằng cấp chứng chỉ khoảng 24,5%. Phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo 2,5-3%. Có 100% đối tượng diện trợ cấp xã hội được hưởng trợ cấp xã hội tại cộng đồng. Quản lý nuôi dưỡng tại Trung tâm công tác xã hội và Quỹ bảo trợ trẻ em cho trên 200 đối tượng. Công tác cai nghiện tại 02 Cơ sở cai nghiện ma túy: Cơ sở Cai nghiện ma túy số I tiếp nhận mới 165 học viên (bắt buộc là 140 người, tự nguyện là 25  người), điều trị bằng Methadone cho 65 - 70 bệnh nhân; Cơ sở Cai nghiện ma túy số II tiếp nhận mới 250 học viên (bắt buộc 150 người, tự nguyện 100 người), điều trị bằng Methandone cho 60 - 70 bệnh nhân.

Trong công tác lao động, việc làm, tập trung thực hiện tốt việc phát triển thị trường lao động linh hoạt và thích ứng nhằm huy động và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ “hậu Covid”. Tăng cường công tác tư vấn truyên truyền về thông tin thị trường lao động trong và ngoài nước; tuyên truyền, phổ biến Luật đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và các văn bản có liên quan đến cán bộ lao động tại các huyện, thành phố…

Thực hiện có hiệu quả Luật giáo dục nghề nghiệp, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với giải quyết việc làm và chuyển dịch cơ cấu lao động. Tổ chức đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp, theo nhu cầu của thị trường lao động. Chỉ đạo các Trường cao đẳng, trung cấp, trung tâm GDNN - GDTX tiếp tục đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo, đội ngũ nhà giáo… đảm bảo các điều kiện đăng ký mở thêm mã ngành, nghề, trình độ đào tạo để đáp ứng nhu cầu của người học và thị trường lao động hiện nay. Tăng cường gắn kết với Doanh nghiệp. Tổ chức thực hiện có hiệu quả Tiểu dự án 3 thuộc Dự án 5, CTMTQG vùng đồng bào DTTS&MN; Tiểu dự án 1, thuộc Dự án 4 Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững và nội dung 9 “Tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn” thuộc CTMTQG xây dựng nông thôn mới năm 2023. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá về số lượng, chất lượng đào tạo và đặc biệt là giải quyết việc làm sau đào tạo nghề…

Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững. Lựa chọn để đầu tư có trọng tâm, trọng điểm các dự án, các mô hình giảm nghèo phù hợp với từng địa phương. Triển khai lồng ghép với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển Kinh tế - Xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Thực hiện chính sách hỗ trợ có điều kiện gắn với đối tượng, địa bàn và thời hạn thụ hưởng nhằm tăng cơ hội tiếp cận chính sách và khuyến khích sự tích cực, chủ động tham gia của người nghèo. Đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, ưu tiên người nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị vận động thực hiện hiệu quả phong trào thi đua: “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Tăng cường hoạt động bảo trợ xã hội. Thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách đối với người cao tuổi, đối tượng yếu thế để cải thiện, nâng cao mức sống cho đối tượng xã hội, tạo điều kiện để các đối tượng tự khắc phục khó khăn vươn lên hòa nhập cộng đồng. Phát triển đa dạng các hình thức từ thiện, nhân đạo phi Chính phủ; tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng, đẩy mạnh phong trào toàn dân tham gia giúp đỡ những người thiệt thòi trong xã hội. Duy trì công tác quản lý, nuôi dưỡng, chăm sóc các đối tượng bảo trợ xã hội tại Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ bảo trợ trẻ em. Nắm bắt tình hình đời sống của người dân, kịp thời đề xuất các giải pháp hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai, những tháng giáp hạt, khi dịch bệnh xảy ra để ổn định sản xuất và đời sống. Tăng cường khả năng tiếp cận với cảc dịch vụ xã hội cơ bản, bảo đảm quyền an sinh xã hội của người cao tuổi về chăm sóc xã hội, chăm sóc y tế; khuyến khích phát huy tốt nhất vai trò của người cao tuổi tham gia hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội phù hợp với sức khỏe, độ tuổi, trình độ, năng lực chuyên môn.

Thực hiện tốt chính sách ưu đãi đối với người có công. Làm tốt các các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, phấn đấu không còn người có công thuộc diện hộ nghèo. Bảo bệ và phát huy quyền của trẻ em. Tạo môi trường thuận lợi để thực hiện toàn diện quyền trẻ em; thúc đẩy mạnh mẽ phong trào toàn dân tham gia bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Tạo sự chuyển biến tích cực về cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em, đồng thời mở rộng, nâng cao chất lượng dịch vụ và phúc lợi xã hội dành cho trẻ em đặc biêt là trẻ em có hoàn cảnh khó khăn…Làm tốt công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ.

Trong công tác Phòng, chống tệ nạn xã hội, Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, các sở, ban, ngành, đoàn thể, đặc biệt là cấp cơ sở trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện công tác phòng, chống ma túy, cai nghiện phục hồi và thực hiện lồng ghép tuyên truyền phòng chống mại dâm, mua bán người, HIV/AIDS. Triển khai đồng bộ các hình thức cai nghiện, điều trị nghiện ma túy đang có mặt trên địa bàn như: Điều trị bằng thuốc thay thế Methadone; cai nghiện bắt buộc; vận động người nghiện ma túy và gia đình có người nghiện tự nguyện tham gia các hình thức cai nguyện theo quy định tại Nghị định 116/2021/NĐ-CP. Rà soát các tụ điểm, ổ nhóm hoạt động mại dâm, nạn nhân bị mua bán trở về. Phân loại đối tượng, địa bàn và xây dựng các biện pháp quản lý phù hợp. Triển khai thực hiện Chương trình phòng, chống mua bán người; Quy chế phối hợp về việc tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán; thực hiện rà  soát và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về trên địa bàn tỉnh. Nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về…/.