DetailController

Tin từ các đơn vị

Năm 2022, tổng lợi nhuận khu vực kinh tế tập thể ước đạt gần 81 tỷ đồng

14/11/2022 00:00
Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh Hòa Bình có 34 hợp tác xã và 14 tổ hợp tác được thành lập; giải thể và chuyển ngừng hoạt động 19 hợp tác xã và 1 tổ hợp tác. So với cùng kì năm 2021, số lượng hợp tác xã được thành lập mới tăng 33%, số tổ hợp tác thành lập mới tăng 13%. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 480 hợp tác xã, 4 Quỹ tín dụng nhân dân và 209 tổ hợp tác. Trong đó có 259 tổ chức kinh tế tập thể tham gia Liên minh Hợp tác xã tỉnh.
Năm 2022, tổng lợi nhuận khu vực kinh tế tập thể đạt khoảng 80,86 tỷ đồng, tương đương khoảng 0,33% GRDP toàn tỉnh.

Trong năm 2022, doanh thu bình quân hợp tác xã ước đạt 1,2 tỷ đồng/HTX, lợi nhuận bình quân là 127 triệu đồng/HTX, thu nhập bình quân của một lao động thường xuyên đạt 4 triệu đồng/người/tháng. Đối với tổ hợp tác, doanh thu bình quân tổ hợp tác ước đạt 110,33 triệu đồng/THT, thu nhập bình quân khoảng 29,09 triệu đồng/THT. Đối với Quỹ tín dụng nhân dân, chênh lệch thu nhập, chi phí bình quân đạt 435,3 triệu đồng/QTDND. Tổng lợi nhuận khu vực kinh tế tập thể đạt khoảng 80,86 tỷ đồng, tương đương khoảng 0,33% GRDP toàn tỉnh.

Hiện nay, các tổ chức kinh tế tập thể thu hút 17.729 thành viên và 26.918 lao động tham gia. Trong đó, có 12.216 lao động thường xuyên và 14.702 lao động thời vụ. Căn cứ theo số lượng thành viên, hợp tác xã có quy mô siêu nhỏ dưới 50 thành viên chiếm 98,78%; hợp tác xã có quy mô khiêm tốn chiếm 0,97%, còn lại khoảng 0,24% hợp tác xã có quy mô thành viên vừa từ 300-1.000 người.

Ước đến cuối năm 2022, tổng số cán bộ quản lý hợp tác xã đạt khoảng 1.281 người. Trong đó, có khoảng 38,25% cán bộ quản lý Hợp tác xã trình độ trung, sơ cấp, tăng so với năm 2021 là 9,6%; khoảng 32,32% trình độ cao đẳng, đại học, còn lại khoảng 29,43% cán bộ chưa qua đào tạo.

Nhìn chung, số hợp tác xã thành lập mới hàng năm trên địa bàn tỉnh tăng đều, chất lượng hoạt động  được nâng lên, từng bước ổn định. Doanh thu và thu nhập của người lao động hợp tác xã dần được cải thiện. Các thành viên tham gia hợp tác xã trên tinh thần tự nguyện, cùng góp vốn, cùng góp vốn, cùng chịu trách nhiệm về hoạt động của hợp tác xã. Thông qua đó, tác động tích cực đến kinh tế hộ thành viên, nhằm tận dụng khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh của địa phương.

Có thể thấy kinh tế tập thể, hợp tác xã đang là hình thức tổ chức sản xuất mang lại hiệu quả bền vững ở khu vực nông thôn, vùng đặc biệt khó khăn, dân tộc thiểu số của tỉnh. Có khoảng 65% xã có hợp tác xã đã đóng góp tích cực phát triển kinh tế nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Hoạt động của hợp tác xã ngày càng năng động, đổi mới, hướng vào dịch vụ hỗ trợ thành  viên, nhiều  mô  hình  liên  kết  giữa hợp tác xã  với  doanh  nghiệp,  hộ thành viên  trong sản  xuất,  tiêu thụ sản  phẩm được  hình  thành; đóng vai trò  quan trọng tạo sinh kế, là các mô hình tổ chức sản xuất tập trung, hiệu quả, giúp người dân, thành viên phát huy kinh tếhộ, cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập./.