Theo đó, phát triển chính quyền điện tử dựa trên dữ liệu và dữ liệu mở hướng tới chính quyền số, nền kinh tế số, xã hội số, bảo đảm an toàn thông tin mạng. Gắn kết chặt chẽ, đồng bộ ứng dụng công nghệ thông tin với cải cách hành chính, đổi mới lề lối, phương thức làm việc, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm để phục vụ; nâng cao chất lượng cung cấp và giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử. Xây dựng và phát triển hạ tầng số làm nền tảng cho việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số; đẩy mạnh triển khai chuyển đổi số trong các ngành, lĩnh vực. Nâng cao vị trí xếp hạng của tỉnh về các chỉ số liên quan đến ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và cải cách hành chính.
Năm 2022, với mục tiêu cụ thể: Phấn đấu 80% hồ sơ công việc tại cấp tỉnh, 70% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 50% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mất Nhà nước). 80% báo cáo định kỳ của phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của các cơ quan Nhà nước trên địa bàn tỉnh báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh được thực hiện qua Hệ thống thông tin báo cáo tỉnh Hoà Bình; 60% báo cáo định kỳ của tỉnh Hoà Bình được gửi, nhận qua Hệ thống thông tin báo cáo Quốc gia. Tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến trên tổng số hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh đạt từ 60% trở lên; tích hợp tối thiểu 60% các dịch vụ công trực tuyến của tỉnh với Cổng dịch vụ Quốc gia; 100% dịch vụ công được hỗ trợ giải đáp thắc mắc cho người dân, doanh nghiệp; 100% cơ quan Nhà nước công khai mức độ hài lòng của người dân khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến.
Để đạt mục tiêu đề ra về phát triển chính quyền số và bảo đảm an toàn thông tin mạng năm 2022, thời gian tới, cần đẩy mạnh công tác truyền thông nhằm nâng cao kỹ năng số, hiểu biết, nhận thức của cán bộ, công chức, người dân và doanh nghiệp vể chuyển đổi số; đưa nội dung về chính quyền số, chuyển đổi số vào chương trình đào tạo của các trường, cơ sở đào tạo cán bộ, công chức, viên chức, phát triển hệ thống đào tạo trực tuyến. Hoàn thiện các cơ chế, chính sách thúc đẩy người dân, doanh nghiệp sử dụng các dịch vụ do cơ quan Nhà nước cung cấp quan môi trường mạng. Phát triển các mô hình kết hợp giữa các cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp. Đầu tư, phát triển ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động cơ quan Nhà nước theo hình thức thuê dịch vụ, phối hợp với các doanh nghiệp để cung cấp dịch vụ công thông qua mạng bưu chính công cộng, mạng xã hội và tạo điều kiện, hỗ trợ doanh nghiệp giới thiệu, cung cấp sản phẩm, dịch vụ số.
Bên cạnh đó, khuyến khích hỗ trợ cán bộ chuyên trách công nghệ thông tin trong các cơ quan Nhà nước; phát triển nguồn nhân lực, đào tạo cán bộ chuyên trách về công nghệ thông tin có trình độ chuyên môn sâu về quản trị, vận hành các hệ thống công nghệ thông tin từng bước làm chủ công nghệ. Nghiên cứu, thí điểm ứng dụng các công nghệ tiên tiến như điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo, internet kết nối vạn vật, dữ liệu lớn, chuỗi khối… để xây dựng chính quyền số, mô hình thành phố thông minh nhằm tạo ra các kết quả mới, có tính đột phá. Tăng cường hạ tầng công nghệ thông tin, thực hiện bảo vệ an toàn thông tin bốn lớp của các cơ quan chính quyền theo quy định. Tranh thủ sự hỗ trợ của Bộ, ngành Trung ương, sử dụng nguồn lực của các Tập đoàn, doanh nghiệp viễn thông, công nghệ thông tin trong và ngoài tỉnh để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số của tỉnh Hoà Bình./.