Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm ước đạt 120 nghìn ha, trong đó diện tích cây lương thực có hạt đạt 70 nghìn ha, sản lượng đạt 36 vạn tấn, tăng 2,3% so với cùng kỳ, đạt 100% kế hoạch. Các giống lúa, ngô chất lượng, ngắn ngày, năng suất cao tiếp tục được mở rộng. Quan tâm phát triển các sản phẩm lợi thế nhất là cây có múi, mía tím, rau an toàn; mở rộng diện tích trồng các loại cây có thế mạnh của từng địa phương, tạo lợi thế cạnh tranh theo từng vùng. Cây ăn quả có múi tiếp tục được mở rộng diện tích bằng các giống có năng suất, chất lượng cao, đến hết năm 2020, diện tích cây ăn quả có múi ước đạt trên 11 nghìn ha, trong đó diện tích kinh doanh là 8 nghìn ha, sản lượng đạt 15 vạn tấn. Cơ cấu cây trồng được chuyển đổi theo hướng tích cực, hình thành lên những vùng sản xuất tập trung, sản xuất hàng hóa cho giá trị thu nhập cao; các mô hình liên kết sản xuất, chuỗi giá trị trong sản xuất tiếp tục phát triển, điển hình như mô hình liên kết trong sản xuất ngô ngọt, mô hình liên kết sản xuất – tiêu thụ trong sản xuất tinh dầu xả, mô hình liên kết sản xuất đậu cove theo tiêu chuẩn VietGAP,...
Giá trị sản xuất ngành chăn nuôi ước đạt 3,4 nghìn tỷ đồng, tăng 3,54% so với cùng kỳ năm trước, đạt 96% kế hoạch năm. Tiếp tục tập trung phát triển chăn nuôi con bản địa trong nông hộ, chăn nuôi công nghiệp trong các cơ sở chăn nuôi lớn; các địa phương, các chủ trang trại, gia trại, các doanh nghiệp đã tích cực tái đàn và tăng trưởng đàn. Các biện pháp phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, triển khai tiêm vắc xin các loại cho gia súc, gia cầm được tăng cường; triển khai các biện pháp quyết liệt phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi và cúm gia cầm H5N1 trên địa bàn tỉnh. Thường xuyên kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, hướng dẫn các cơ sở chăn nuôi duy trì, xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh.
Giá trị sản xuất ngành lâm nghiệp ước đạt 1,17 nghìn tỷ đồng, tăng 3,45% so cùng kỳ năm trước, bằng 100% kế hoạch năm. Công tác chăm sóc, khoanh nuôi và phát triển rừng được quan tâm; các địa phương chú trọng tăng diện tích trồng cây gỗ lớn và cây bản địa. Đã trồng được trên 200 nghìn cây phân tán và cây ăn quả phục vụ tết trồng cây và trên 6,2 nghìn ha rừng tập trung, tăng 9% so với kế hoạch năm; khai thác được trên 5,4 nghìn ha rừng trồng và 8,5 nghìn cây phân tán; tỷ lệ che phủ rừng duy trì ổn định 51,5%. Công tác bảo vệ rừng và phòng chống cháy rừng tiếp tục được tăng cường. Giá trị sản xuất ngành thủy sản ước đạt 280 tỷ đồng, tăng 3,86% so với cùng kỳ năm trước, bằng 97,9% so với kế hoạch năm. Các địa phương tích cực phát triển nuôi cá lồng trên các thuỷ vực lớn, nuôi thuỷ đặc sản trên diện tích ao hồ theo định hướng tái cơ cấu ngành thủy sản. Đến cuối năm 2020, toàn tỉnh có 2,7 nghìn ha diện tích mặt nước và 4,7 nghìn lồng nuôi cá; sản lượng thu hoạch ước đạt 11 nghìn tấn, trong đó nuôi trồng đạt 9 nghìn tấn, khai thác đạt 2 nghìn tấn. Các cơ sở sản xuất cá giống đảm bảo đáp ứng nhu cầu cho các địa phương. Làm tốt công tác kiểm dịch, phòng chống dịch bệnh và vệ sinh môi trường thủy sản, không để dịch bệnh xảy ra.
Các địa phương tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, điều tiết nguồn nước, đảm bảo nước phục vụ sản xuất. Tích cực triển khai thực hiện chiến dịch toàn dân làm thuỷ lợi năm 2020. Duy trì thường xuyên chế độ tuần đê, kiểm tra các tuyến đê cấp III, các cống dưới đê và thực hiện tốt công tác chuẩn bị các điều kiện ứng phó với mùa mưa bão năm 2020. Công tác tuyên truyền về chất lượng, an toàn thực phẩm nông, lâm, thuỷ sản tiếp tục được tăng cường. Công tác kiểm tra chất lượng và đảm bảo an toàn thực phẩm thường xuyên được chú trọng. Đã thực hiện cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho 34 cơ sở, 12 giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Cá sông Đà – Hòa Bình” và 15 giấy chứng nhận nhãn hiệu “Mật ong Hòa Bình”.
Chương trình xây dựng nông thôn mới đã có thêm 4 xã về đích, nâng tổng số xã về đích nông thôn mới là 57 xã, 6 xã đạt từ 15-18 tiêu chí và 68 xã đạt từ 10-14 tiêu chí; trung bình 1 xã đạt 15,3 tiêu chí. Toàn tỉnh có 07 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 39 khu dân cư kiểu mẫu và 122 vườn mẫu. Huyện Lương Sơn đã Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới và đang tiếp tục hoàn thiện hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện Lạc Thủy đạt chuẩn nông thôn mới. Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tiếp tục được triển khai theo kế hoạch; tham gia trưng bày và kết nối giao thương các sản phẩm OCOP tại các tỉnh, thành trên cả nước; tổ chức thành công Hội chợ nông nghiệp và triển lãm sản phẩm OCOP vùng Trung du miền núi phía Bắc – Tuần lễ cam Cao Phong năm 2020. Dự kiến đến cuối năm 2020, toàn tỉnh có trên 30 sản phẩm được chứng nhận OCOP.